III. VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ
c) Phân loại trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý rất đa dạng, dựa vào các tiêu chí khác nhau mà có sự phân loại hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau. Cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào cách phân loại hình thức VPPL. Nghĩa là căn cứ vào từng loại VPPL mà có hình thức TNPL tương ứng. Với cách phân loại này, hình thức TNPL bao gồm các loại như sau:
(1) Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do cơ quan tòa án nhân dân có thẩm quyền nhân danh nhà nước áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội được quy định trong BLHS. Điểm khác biệt của trách nhiệm hình sự so với các loại TNPL khác là ở chỗ đây là những hình phạt rất nghiêm khắc, chỉ có cơ quan toà án có thẩm quyền được nhân danh nhà nước áp dụng và chỉ được áp dụng đối với cá nhân (người phạm tội).
(2) Trách nhiệm hành chính là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan quản lý hành chính nhà nước hoặc người được nhà nước giao quyền quản lý trật tự hành chính áp dụng đối với các chủ thể khi họ vi phạm các quy tắc quản lý mà chưa đến
83
mức tội phạm. Chủ thể trách nhiệm hành chính có thể là cá nhân hoặc tổ chức có năng lực trách nhiệm hành chính.
(3) Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lý do cơ quan tòa án hoặc các chủ thể khác được phép áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật về dân sự, pháp luật về kinh tế mà các bên không tự giải quyết được và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
(4) Trách nhiệm kỷ luật là loại trách nhiệm pháp lý do người sử dụng lao động (thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ doanh nghiệp) áp dụng đối với người lao động do mình quản lý về mặt tổ chức khi họ vi phạm kỷ luật công tác, lao động, học tập. Điểm khác biệt của trách nhiệm lao động so với các loại TNPL khác ở chỗ người áp dụng trách nhiệm lao động với người bị áp dụng loại TNPL này có mối quan hệ phụ thuộc về mặt tổ chức (trực tiếp quản lý hoặc được phân cấp quản lý).
(5) Trách nhiệm vật chất là loại trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, ..v.v áp dụng đối với cán bộ, công chức, công nhân viên trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan, xí nghiệp trong quá trình lao động hoặc trong khi thực thi công vụ.