Khách thể của quan hệ pháp luật

Một phần của tài liệu Nhập môn pháp luật đại cương (Trang 65 - 66)

I. QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT

c) Khách thể của quan hệ pháp luật

Khách thể của quan hệ pháp luật là một trong những vấn đề phức tạp nhưng hiện vẫn chưa được khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ. Tuy nhiên khi đề cập đến khách thể của quan hệ pháp luật, thiết nghĩ cần có sự thống nhất về cách tiếp cận vấn đề này dưới các góc độ sau:

- Khách thể là yếu tố không thể thiếu được của quan hệ pháp luật vì nó là yếu tố lôi cuốn sự quan tâm chủ thể trong việc thực hiện quyền nghĩa vụ. Khách thể có quan hệ chặt chẽ với mục đích của chính quan hệ pháp luật đó và trong đa số các trường hợp, khách thể cùng với nhu cầu tạo thành động lực trong ý thức của chủ thể trong việc tham gia QHPL. Tuy vậy cần phân biệt nhu cầu của chủ thể với vai trò của khách thể vì cả hai đều là nhân tố thúc đẩy chủ thể hành động một cách tích cực. Nhu cầu của chủ thể là yếu tố xuất hiện trước trong nhận thức của chủ thể và khác nhau giữa các chủ thể. Ngược lại khách thể là yếu tố chỉ được hình thành từ thời điểm quan hệ pháp luật được thiết lập, đồng thời là yếu tố chung cho mọi chủ thể hướng tới. Nhu cầu của chủ thể có thể đặt ra chính đáng hoặc không chính đáng nhưng khách thể luôn luôn là yếu tố tích cực, chính đáng.

- Khi tham gia quan hệ pháp luật các chủ thể đặt ra cho mình những khách thể riêng nhưng muốn đạt được điều đó cần đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các bên tham gia. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa các chủ thể về một khách thể chung để các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật cùng hướng tới. Trong mỗi quan hệ pháp luật cụ thể có một khách thể chung cho tất cả các chủ thể hướng tới, chứ không tồn tại từng khách thể riêng cho mỗi chủ thể. Như vậy, khi xác định

66

khách thể của quan hệ pháp luật chính là xác định khách thể chung cho các chủ thể khi họ tham gia QHPL chứ không phải xác định khách thể riêng của từng chủ thể.

- Khi xác định khách thể là lợi ích cần phân biệt lợi ích riêng của từng chủ thể với lợi ích chung với tính cách là khách thể. Lợi ích riêng của các chủ thể mang tính cá thể và có thể nảy sinh trước khi chủ thể tham gia quan hệ. Lợi ích riêng gắn với nhu cầu riêng, thoả mãn nhu cầu riêng của từng chủ thể. Do đó lợi ích đặt ra riêng của chủ thể không phải bao giờ cũng được các chủ thể khác thừa nhận. Chính vì vậy nó không thể chuyển hoá thành lợi ích với tính cách là khách thể mà các chủ thể khác cùng hướng tới được.

- Cần phân biệt khách thể quan hệ pháp luật với đối tượng tác động của pháp luật cũng như khách thể của vi phạm pháp luật. Đối tượng tác động của pháp luật là con người, tổ chức và các mối quan hệ xã hội mà thông qua đó pháp luật phát huy được giá trị của mình, còn khách thể vi phạm pháp luật chính là các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại.

Tóm lại, bằng việc tạo ra sự quan tâm đặc biệt từ các chủ thể, khách thể quan hệ pháp luật có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và vận động của các quan hệ pháp luật trong một chiều hướng tích cực. Việc nghiên cứu khách thể muốn đi đến một sự thống nhất phải gắn liền với việc nghiên cứu các quan hệ pháp luật cụ thể. Tiếp cận quan hệ pháp luật từ thực tế để xây dựng khái niệm quan hệ pháp luật và khái quát yếu tố khách thể là phương pháp tiếp cận hợp lý và có tính khoa học.

Từ những lập luận nêu trên có thể đưa ra khái niệm về khách thể của quan hệ pháp luật, như sau:

Khách thể quan hệ pháp luật là những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất mà các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật cùng hướng tới nhằm thoả mãn nhu cầu của các bên trong một động thái tích cực.

Khách thể của QHPL rất đa dạng tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực và từng QHPL cụ thể mà khách thể của QHPL là khác nhau. Chẳng hạn như trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, khách thể là trật tự, an toàn xã hội trên các lĩnh vực quản lý; trong lĩnh vực hình sự, khách thể là các giá trị xã hội được Luật Hình sự bảo vệ; trong quan hệ mua, bán, tặng cho tài s ản, khách thể là quyền sở hữu tài sản; trong quan hệ cấp dưỡng, khách thể là hành vi cấp dưỡng; trong quan hệ cho mượn, cho thuê tài sản khách thể là quyền sử dụng tài sản; trong quan hệ chuyển quyền sử dụng đất, khách thể là quyền sử dụng đất, ..v.v.

Một phần của tài liệu Nhập môn pháp luật đại cương (Trang 65 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)