Đối tượng TTĐN

Một phần của tài liệu ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾCỦA VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 36 - 38)

Đối tượng TTĐN khác cơ bản với thông tin đối nội. Đối tượng của thông tin đối nội là cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong nước. Tuyệt đại đa số đối tượng này tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất trí với đường lối, chính sách của Nhà nước. Người làm công tác thông tin và đối tượng thông tin cùng chung chí hướng, các tư duy và suy nghĩ. Ngược lại, trong TTĐN, giữa người làm thông tin và đối tượng cần thông tin có sự khác nhau thậm chí đôi khi là đối lập về cách tư duy, cách suy nghĩ, văn hoá, truyền thống, phong tục tập quán...

Đối tượng của TTĐN gồm nhiều tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội với trình độ nhận thức, hiểu biết và có mối quan tâm khác nhau đến Việt Nam. Đó là nhân dân tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội lớn và các bạn bè truyền thống... Về cơ bản, có thể chia đối tượng của hoạt động TTĐN thành 4 nhóm đối tượng chính:

+ Nhóm thứ nhất: nhân dân, chính phủ các nước trên thế giới

Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 174 quốc gia, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, Đảng ta có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 chính đảng ở các nước trên khắp các châu lục của thế giới. Các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta có quan hệ với hàng trăm tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế.

Đây là nhóm đối tượng lớn nhất của công tác TTĐN. Do điều kiện còn hạn chế, công tác TTĐN tập trung cung cấp thông tin cho các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội lớn, các nước bạn bè truyền và các nước có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Trong mỗi nước, tập trung vào chính giới, các nhà kinh doanh, trí thức, đội ngũ người làm báo chí, xuất bản, các nhà Việt Nam học, những bạn bè có thiện chí với Việt Nam – những người là cầu nối Việt Nam với thế giới.

+ Nhóm thứ hai: người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập, du lịch ở Việt Nam

Đó là những người nước ngoài đang làm việc trong các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, giới đầu tư kinh doanh, chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực, phóng viên thường trú các cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn khách viếng thăm, du lịch, lưu học sinh nước ngoài... Mỗi ấn tượng tốt đẹp của họ về Việt Nam, một món quà kỷ niệm, một mặt hàng độc đáo, vừa ý, mỗi thông tin đúng đắn về Việt Nam mà họ đem về nước là một lời quảng cáo quý giá cho hình ảnh Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam: sản xuất, dịch vụ, du lịch, đào tạo.

Trong đó, cần hết sức chú ý đến đội ngũ phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, đội ngũ doanh nhân đang làm ăn tại Việt Nam, cán bộ các đại sứ quán, các cơ quan đại diện nước ngoài và quốc tế tại Việt Nam... vì những thông tin do họ “phát lại” ở nước ngoài thường được tin tưởng nhiều hơn. Với loại đối tượng này, nhiệm vụ của TTĐN là cung cấp cho họ thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam, về các sự kiện quan trọng, về tình hình toàn diện của Việt Nam càng đầy đủ, càng chính xác, càng kịp thời càng tốt. Cố gắng không để trống thông tin, gây kẽ hở cho những suy đoán, bình luận không có lợi cho ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế này cũng cho thấy, đối tượng TTĐN những năm vừa qua cũng từng bước được mở rộng, có chú ý cả điểm và diện, cả sự kiện và tổng thể, cả quốc gia và từng địa bàn, cả trong và ngoài nước..

+ Nhóm thứ ba: cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Đây là nhóm đối tượng rất đông đảo, đa dạng và phong phú với hơn 3,5 triệu người, đang sinh sống ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ. Họ ra nước ngoài vì nhiều lý do và bằng nhiều con đường khác nhau, song đa phần ai cũng hướng về Tổ quốc, nơi họ còn có tổ tiên, quê hương, gia đình, người thân, bạn bè. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Khi làm cho họ hiểu đúng tình hình đất nước họ sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong quan hệ với nước sở tại và trở thành lực lượng làm TTĐN ngay tại nơi họ cư trú, nơi mà chúng ta vì những hạn chế về nguồn lực rất khó khăn vươn tới trong nhiều năm qua.

Nhân dân trong nước vừa là lực lượng thực hiện, vừa là đối tượng hướng tới của công tác TTĐN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu thông tin quốc tế của nhân dân trong nước ngày càng tăng. TTĐN có nhiệm vụ cung cấp thông tin quốc tế kịp thời, chính xác, giúp nhân dân trong nước có hiểu biết đúng đắn các sự kiện, diễn biến phức tạp trong quan hệ quốc tế. Trên cơ sở đó sẽ hiểu rõ hơn các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời có những phản ứng kịp thời, phù hợp với các sự kiện, diễn biến đó. Công tác TTĐN cũng đấu tranh dư luận nhằm vạch trần các hành động, luận điệu kích động, chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Giúp nhân dân ta hiểu rõ hơn âm mưu, mục đích, thủ đoạn của những hành động, luận điệu của chúng và hiểu rõ hơn lập trường, quan điểm, thái độ của Việt Nam trước các vấn đề đó.

Có thể nói, để làm tốt công tác thông tin cho các nhóm đối tượng của công tác TTĐN, cần phải biết đối tượng hóa sâu sắc các nội dung thông tin trong từng bài viết, từng chương trình. Biết chọn lọc những nội dung phù hợp, cách trình bày đẹp, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ cao của các đối tượng TTĐN. Đó cũng là hướng để tạo ra bản sắc của từng chương trình TTĐN, khiến cho mỗi chương trình TTĐN trở thành là một tờ báo dành riêng cho một đối tượng thính giả. Để làm được điều này, họ phải hiểu rõ những đặc trưng văn hóa, tâm lý của các dân tộc, của các nhóm đối tượng thông tin trong mỗi quốc gia…

Một phần của tài liệu ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾCỦA VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w