III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỊA LÍ
e) Phương pháp hướng dẫn học sinh khai thác tri thức địa lí qua băng hình (video)
Trong các phương tiện kĩ thuật dùng để dạy học Địa lí hiện nay, băng hình đã bắt đầu được sử dụng ở nước ta trong một số trường phổ thông có điều kiện (có đầu máy chiếu băng, có mạng lưới điện). Một số băng hình về địa lí cũng đã được Công ty sách và thiết bị Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất.
Nói chung, đây là một loại phương tiện có tác dụng như một nguồn tri thức địa lí có nhiều ưu điểm trong việc cung cấp những thông tin bằng hình ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khai thác tri thức. Băng hình sử dụng trong việc dạy học Địa lí có ưu điểm hơn hẳn các loại tranh ảnh vì nó sinh động, phong phú về số lượng hình, có âm thanh tốt và nhất là có hình ảnh động, dễ hình thành cho học sinh những biểu tượng và khái niệm địa lí gần thực tế, sinh động và sâu sắc.
Để đạt được yêu cầu một băng hình giáo khoa, các hình ảnh đưa vào băng phải được chọn lọc, sắp xếp một cách hợp lí, có lien quan chặt chẽ với nhau theo một lôgic phù hợp với chương trình, sách giáo khoa. Các hình ảnh phải được phân ra từng đoạn, mỗi đoạn có một tiêu đề riêng.
Lời thuyết minh trong băng hình phải ngắn, gọn, dễ hiểu, có tác dụng bổ sung, làm rõ nội dung các hình ảnh đưa ra.
+ Bước định hướng: khi vào bài, nhất thiết giáo viên phải định hướng cho học sinh nắm được mục đích, yêu cầu và các đề mục chính của bài.
Giáo viên ghi các đề mục lên bảng (có thể dưới dạng câu hỏi).
+ Bước sử dụng băng hình: sau khi định hướng, giáo viên mở băng hình cho học sinh xem từng đoạn (mỗi đoạn phù hợp với một vấn đề đã gi trên bảng). Sau mỗi đoạn, giáo viên tắt băng, đặt một số câu hỏi với mục đích kiểm tra nhận thức của học sinh và gợi ý cho học sinh nêu lên được những ý nghĩa quan trọng nhất trong đoạn băng hình vừa xem. Nếu cần, giáo viên sẽ bổ sung them những ý mà hình ảnh chưa thể hiện rõ (chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ, bởi vì khi xem băng, có thể học sinh chưa nắm được hết ý nghĩa của các hình ảnh).
Sau từng đoạn, giáo viên cũng cần ghi những ý chính lên bảng.
+ Bước kết thúc: khi hết băng ( mỗi băng dùng cho một tiết học thường dài khoảng 15 phút), giáo viên cần tổng kết, nêu những ý chính của bài theo mục đích, yêu cầu và đặc biệt quan trọng là phải nêu lên được những nhận xét, kinh nghiệm về cách khai thác các tri thưứcqua băng hình để cho học sinh nắm được.
Nếu có điều kiện, có thể mở băng cho học sinh xem lại một đoạn hình ảnh nào đó mà học sinh chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa.
Như vậy, trong phương pháp dạy học với băng hình, học sinh chủ yếu phải tự lực khai thác tri thức qua các hình ảnh trong băng, còn nhiệm vụ hướng dẫn của giáo viên chủ yếu để giúp học sinh nắm được một cách chính xác những tri thức mà băng hình muốn thể hiện.
Phương pháp dạy học này rất có hiệu quả nếu như băng hình được biên soạn có phương pháp, phù hợp với tinh thần, coi nó là một nguồn tri thức trong quá trình dạy học địa lí.
Một điều cần lưu ý là ưu điểm của băng hình trong hoạt động địa lí chủ yếu thể hiện ở sự chọn lọc, sắp xếp các hình ảnh, còn lời thuyết minh chỉ có tác dụng bổ sung, làm cho học sinh hiểu rõ them ý nghĩa của các hình ảnh. Vì vậy, lời thuyết minh không nên dài dòng, không nên chỉ nhằm vào mục đích giải thích các sự kiện, hiện tượng địa lí đã được đề cập đến trong các hình ảnh. Điều đó sẽ làm cho sự chú ý của học sinh bị phân tán, hai hoạt động: nghe, nhìn không phối hợp được một cách hợp lí.
giải thích nhận xét và rút ra kết luận…cũng phải tiến hành vào cuối mỗi đoạn sau khi giáo viên đã tắt băng.
Giáo viên cũng có thể phối hợp băng hình với các phương pháp dạy học khác hoặc thay đổi một số bước dạy trên lớp, như giáo viên giảng bài trước, học sinh xem băng video sau. Cách dạy này có ưu điểm là giáo viên chủ động về thời gian dạy trên lớp, nhưng cách dùng băng video lại có tính chất minh hoạ (hỗ trợ bài giảng bằng hình ảnh), ít phát huy được tính tích cực, độc lập và phát triển tư duy của học sinh. Giáo viên có thể chuẩn bị sẵn một dàn bài và nêu trước các vấn đề cần đề cập đến khi xem băng. Tiếp đó giáo viên cho học sinh xem băng hình. Đến cuối mỗi đoạn, giáo viên dựa vào dàn bài, đặt câu hỏi cho học
sinh thảo luận. Cuối bài, giáo viên sơ kết và tiến hành kiểm tra, đánh giá. Cách này tuy có phát huy tính tích cực, độc lập của học sinh nhiều hơn nhưng cũng mất nhiều thời giờ hơn. Chỉ có thể thức hiện được nếu bài ngắn và đơn giản.
Giáo viên cũng có thể xây dựng một đề cương sẵn, phổ biến cho học sinh, sau đó cho học sinh xem băng. Trong quá trình xem băng, học sinh phải ghi chép lại (một cách khái quát) những gì băng đề cập đến bằng hình ảnh (kể cả các số liệu cần thiết) . Sau đó, dựa vào đề cương và những hình ảnh dã xem trên băng, học sinh phải viết lại nội dung bài rồi trình bài trước lớp vào cuối giờ. Cách này có ưu điểm là rèn luyện được tính độc lập, khả năng phân tích, tổng hợp, trình độ tư duy lôgic…cho học sinh. Để thực hiện được hình thức này, giáo viên cần phải chuẩn bị một cách chu đáo, cẩn thận, dự kiến được những tình huống sư phạm có thể xảy ra. Còn học sinh phải tự lực làm việc, tự nhận thức, phải huy động tối đa khả năng trí tuệ thì mới có thể nắm được nội dung và thực hiện được mục đích của giờ học.
Đối với các băng mở rộng kiến thức theo từng vấn đề, từng chuyên đề thì chủ yếu giáo viên nên dùng để phục vị cho những buổi ngoại khoá. Song, để đạt được hiệu quả trong khi sử dụng, giáo viên cũng cần giới thiệu nội dung của băng hình cho học sinh hiểu. Khi kết thúc, giáo viên phải đề ra những vấn đề cụ thể để học sinh viết thu hoạch.