I. NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
3. Các hình thức dạy học ngoài lớp và ngoại khoá
a) Tham quan địa lí
+ Vai trò, ý nghĩa của hình thức tham quan địa lí: Tham quan là một hình thức dạy học tiến hành ngoài nhà trường với cả lớp hay một nhóm học sinh. Nếu nội dung tham quan là một vấn đề được ghi trong chương trình và kế hoạch dạy học thì nó thuộc nội khóa. Còn nếu nội dung tham quan là một vấn đề không có ghi trong chương trình, kế hoạch dạy học, thì đó là hình thức ngoại khóa. Khác với tiết học trong lớp, tham quan thường được tiến hành ở ngoài nhà trường, trong thiên nhiên hoặc trong các cơ sở sản xuất, nhà bảo tàng, khu triển lãm v.v…
Tham quan địa lí có tác dụng rất lớn về nhiều mặt:
- Về mặt tri thức, nó mở rộng tầm mắt và hoàn thiện tri thức cho học sinh, bổ sung những hiểu biết trong sách vở vì các đối tượng địa lí được nghiên cứu ở trên lớp thường tách rời khỏi môi trường tự nhiên hay thực tiễn xã hội. Những gì các em trực tiếp quan sát được trong lúc tham quan sẽ là tài liệu thực tế, giúp cho các biểu tượng địa lí them cụ thể và chính xác.
- Về mặt tâm lí, tham quan địa lí còn phát huy được tính chủ động, sang tạo, óc thẩm mĩ cũng như long yêu thiên nhiên và hứng thú học tập của học sinh. Việc tiếp xúc với thiên nhiên, với những phong cảnh đẹp của quê hương, đất nước, với những thành quả do hoạt động thực tiễn của con người đấu tranh với thiên nhiên có thể tạo cho các em cảm xúc mạnh mẽ, tình cảm, thái độ đúng đắn đối với đất nước, với lao động và với con người lao động.
- Về mặt thực tế, tham quan là một biện pháp nhằm nâng cao những biểu hiện về các hoạt động sản xuất của con người. Khi tiếp xúc với các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp, học sinh sẽ hiểu được vai trò của những tiến bộ khoa học, kĩ thuật đối với sản xuất và vai trò của con người trong quy trình sản xuất hiện đại.
Đối với giáo viên, tham quan cũng góp phần cải tiến việc dạy học, vì trong thời gian tham quan, thầy trò có thể cùng nhau thu thập tài liệu, các mẫu vật tự nhiên để sử dụng trong các bài dạy trên lớp. Những điều
nhận thức được trong tham quan còn giúp giáo viên có thêm vốn sống để liên hệ bài học với thực tiễn, gây thêm hứng thú học tập môn Địa lí cho học sinh.
Tóm lại, tham quan địa lí ngoài tác dụng góp phần nâng cao nhận thức của học sinh còn có nhiều tác dụng giáo dục, góp phần rèn luyện nhân cách cho thanh, thiếu niên. Giáo viên và học sinh cần thấy hết tầm quan trọng đó để khắc phục mọi khó khăn, tiến hành các cuộc tham quan địa lí theo đúng quy định của chương trình.
+ Tổ chức tham quan địa lí: Tham quan địa lí có tác dụng tích cực về mặt giáo dục và trau dồi học vấn, những việc tổ chức tham quan không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người giáo viên địa lí phải cân nhắc, suy nghĩ đầy đủ để tiến hành các công việc sau:
- Lựa chọn đúng đối tượng tham quan - Xác định rõ yêu cầu tham quan
- Lựa chọn phương pháp thích hợp và vạch được kế hoạch tiến hành chu đáo cho việc tham quan.
Để cuộc tham quan dạt được kết quả, trước hết cần lựa chọn đúng đối tượng tham quan. ĐOi61 tượng tham quan cần đạt ba yêu cầu sau:
- Đối tượng tham quan có thể là một hiện tượng, một quá trình Địa lí tự nhiên hay Địa lí kinh tế - xã hội - Đối tượng lựa chọn phải có nội dung liên quan đến nội dung học vấn của chương trình học tập Địa lí trong nhà trường.
Đối tượng phải đảm bảo được những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức tham quan. (Thời gian một, hai buổi đối với từng cấp học). Chính vì vậy, địa điểm tham quan, nếu càng nằm gần khu vực trường đóng càng tốt. Ví du: tham quan một hang động đá vôi, một trạm thủy điện nhỏ ở địa phương v.v…Đối với các cuộc tham quan xa, thời gian trên một ngày thì ngoài những điểm chú ý trên phải tính đến cả việc sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho học sinh.
Sau khi đã xác định địa điểm, giáo viên cần tìm hiểu đối tượng trước, trên cơ sở đó đề ra mục đích, yêu cầu và lập kế hoạch tham quan.
Mục đích, yêu cầu tham quan càng cụ thể, phù hợp với điều kiện đi lại, với trình độ học sinh thì càng có tác dụng tốt đối với việc tiếp thu kiến thức, gây hứng thú và đảm bảo được sức khoẻ cho các em.
Hình thức và phương pháp tiến hành tham quan, tuỳ thuộc vào mục đích, yêu cầu do giáo viên đề ra. Nếu yêu cầu của tham quan là minh hoạ, bổ sung kiến thức cho bài học thì tham quan phải tiến hành sau khi đã học xong phần kiến thức trên lớp. Phương pháp thường được sử dụng là hướng dẫn học sinh quan sát đối tượng tại chỗ, đối chiếu thực tế với những điều đã học để khẳng định và củng cố những tri thức của bài. Nếu tham quan với yêu cầu là nghiên cứu, bổ sung những tri thức mới, thì trong trường hợp này, cách hướng dẫn của giáo viên là gợi ý cho học sinh những vấn đề cần nghiên cứu, cần tìm hiểu rồi để họ chủ động quan sát, tự tiìmlời giải đáp cho những vấn đề đặt ra. Phương pháp này có tác dụng rất tốt trong việc phát huy tính chủ động, năng lực tư duy của học sinh.
Những kết luận của học sinh sẽ được giáo viên nhận xét, đánh giá và củng cố khi cuộc tham quan kết thúc.
Sau khi chọn được phương án thích hợp, giáo viên cần vạch ra kế hoạch tỉ mỉ, phân phối thời gian hợp lí, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết chúng.
Công tác tổ chức có ảnh hưởng lớn đến kết quả của cuộc tham quan. Tuỳ theo số học sinh tham gia, giáo viên cần suy nghĩ cách tổ chức phù hợp để vừa đảm bảo kỉ luật, trật tự, tránh được những việc không may có thể xảy ra trong quá trình tham quan, đồng thời lại hoàn thành được đầy đủ các yêu cầu về mặt chuyên môn.
Trước khi cuộc tham quan bắt đầu, giáo viên cũng cần dặn các em chuẩn bị chu đáo các dụng cụ cần thiết cho việc học tập và phổ biến nội quy bắt buộc mọi người cần tuân thủ trong quá trình tham quan.
Khi cuộc tham quan kết thúc, giáo viên nên tổ chức cho học sinh viết thu hoạch rồi báo cáo trước lớp. Qua đó, giáo viên nhận xét, đánh giá những thu hoạch của học sinh và tổng kết.
Song song với việc viết thu hoạch vào báo cáo, giáo viên nên cho các em tổ chức triển lãm những mẫu vật thu lượm được, vì đó chính là tài liệu quý giá để các em hiểu biết về Địa lí địa phương, trau dồi tình cảm của các em đối với quê hương, đất nước.
Ví dụ: Đề cương một buổi tham quan với đề tài “Nhà máy thuỷ điện ở địa phương”.
Buổi tham quan được thực hiện, sau khi đã học xong chương: Địa lí công nghiệp, chủ yếu là “Công nghiệp năng lượng” và các em đã có khái niệm về các nhà máy thuỷ điện.
Để chuẩn bị cho cuộc tham, giáo viên cần vạch hướng cho các em lưu ý tìm hiểu một số vấn đề sau: - Lịch sử của nhà máy và thành tích của nhà máy trong những năm gần đây.
- Vai trò và ý nghĩa của nhà máy trong nền kinh tế quốc dân (khu vực hay toàn quốc). - Những vấn đề kĩ thuật của nhà máy (các bộ phận máy móc).
- Quy trình sản xuất của nhà máy. - Triển vọng phát triển của nhà máy.
Sau buổi tham quan, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh trao đổi thu hoạch, viết và chuẩn bị tổng kết.