Phương pháp hướng dẫn học sinh khai thác tri thức từ bản đồ

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 98)

III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỊA LÍ

a) Phương pháp hướng dẫn học sinh khai thác tri thức từ bản đồ

Bản đồ là một phương tiện trực quan, một nguồn tri thức địa lí quan trọng. Qua bản đồ, học sinh có thể nhìn một cách bao quát các khu vực lãnh thổ rộng lớn, những vùng lãnh thổ xa xôi trên bề mặt Trái Đất mà họ chưa bao giờ có điều kiện đi đến tận nơi để quan sát.

Về mặt nội dung, bản đồ có khả năng phản ánh sự phân bố và những mối quan hệ của các đối tượng địa lí trên bề mặt Trái Đất một cách cụ thể mà không một phương tiện nào khác có thể làm được. Những kí hiệu, màu sắc, cách biểu hiện trên bản đồ là những nội dung địa lí đã được mã hoá, trở thành một thứ ngôn ngữ đặc biệt – ngôn ngữ bản đồ.

Về phương pháp, bản đồ được coi là phương tiện trực quan, giúp học sinh khai thác, củng cố tri thức và phát triển tư duy trong quá trình giảng dạy địa lí.

Để khai thác được những tri thức trên bản đồ, trước hết, học sinh phải hiểu bản đồ, đọc được bản đồ, nghĩa là phải nắm được những kiến thức lí thuyết về bản đồ, trên cơ sở đó có được những kĩ năng làm việc với bản đồ.

+ Hiểu bản đồ là kĩ năng đầu tiên cần rèn luyện cho học sinh, nghĩa là các em phải có kiến thức tối thiểu về bản đồ. Ngay trong chương trình Địa lí ở các khối, lớp cũng không có giở học về bản đồ. Để hiểu được bản đồ địa lí, học sinh phải nắm được những kiến thức rải rác trong các bài ở nhiều lớp. Để có kĩ năng về bản đồ, học sinh chủ yếu phải thông qua việc thực hiện các bài thực hành có liên quan đến bản đồ.

- Trước hết, muốn hiểu bản đồ địa lí phải dựa vào định nghĩa của nó. Trên cơ sở định nghĩa, học sinh hiểu được tính chất, đặc điểm của bản đồ địa lí và bản đồ giáo khoa, hiểu được các yếu tố hình thành nên một bản đồ. Ví dụ : yếu tố toán học trên bản đồ (đó là việc sử dụng các phép chiếu đồ, phép chiếu phương vị, phép chiếu hình nón, phép chiếu hình trụ v.v...). Từ các phép chiếu đồ khác nhau dẫn đến hệ thống kinh vĩ tuyến có hình dạng khác nhau trên bản đồ. Học sinh cũng cần phải hiểu : nhờ có hệ thống kinh – vĩ tuyến mà ta xác định được toạ độ địa lí của các lãnh thổ được phân bố trên bề mặt Trái Đất v.v...

- Bên cạnh hệ thống kinh – vĩ tuyến, chúng ta cần chú ý tới tỉ lệ của bản đồ, bởi vì ngoài ý nghĩa là một chỉ số toán học, tỉ lệ bản đồ còn có ý nghĩa là chỉ số giới hạn nội dung của bản đồ. Các nội dung và phương pháp thể hiện đều tương ứng với tỉ lệ của bản đồ. Mỗi khi thay đổi tỉ lệ bản đồ phải thay đổi cả nội dung cho phù hợp với tỉ lệ mới.

- Những nội dung được biểu hiện trên bản đồ còn được thể hiện thông qua bản chú giải của nó. Đó là yếu tố hỗ trợ, bổ sung mà học sinh cần phải hiểu khi đọc và khai thác bản đồ.

Trong các kĩ năng bản đồ, khó và phức tạp nhất đối với học sinh là kĩ năng đọc bản đồ. Việc rèn luyện kĩ năng đọc bản đồ cho học sinh, trong khi giảng dạy Địa lí, trước hết phải dựa trên cơ sở hiểu bản đồ, vì vậy hiểu bản đồ là bước đầu tiên trong việc rèn luyện kĩ năng bản đồ.

Muốn đọc được bản đồ còn phải biết hệ thống ký hiệu và các phương pháp biểu hiện trên bản đồ. Đây là chìa khoá để đọc và nhận biết các nội dung địa lí được đưa lên bản đồ ở những mức độ khác nhau. Đọc bản đồ giáo khoa địa lí cũng giống như khi đọc một cuốn sách giáo khoa, người đọc có thể qua đó nắm được một số thông tin về số lượng, chất lượng, về cấu trúc và động lực của các hiện tượng địa lí được trình bày trên bản đồ để phân tích, tổng hợp, khái quát các đối tượng, hình thành khái niệm và nắm bắt các quy luật vốn có của các đối tượng được thể hiện trên bản đồ.

Nhìn chung, đọc bản đồ có ba mức độ khác nhau.

- Mức sơ đẳng nhất thể hiện ở chỗ đọc được vị trí của các đối tượng địa lí, có được biểu tượng về các đối tượng đó, thông qua hệ thống các kí hiệu quy ước ghi trong bản chú giải.

- Mức thứ hai cao hơn đòi hỏi học sinh phải biết dựa vào những hiểu biết về bản đồ, kết hợp với kiến thức địa lí để tìm ra những đặc điểm tương đối rõ ràng của những đối tượng địa lí biểu hiện trên bản đồ. Ví dụ : nói tới dạy Hoàng Liên Sơn, ngoài việc xác định được vị trí của nó học sinh còn phải xác định

được chiều dài, độ cao, hướng núi...Nói chung, ở mức độ này, học sinh đã có thể mô tả được các đối tượng trên bản đồ với các đặc điểm của chúng.

- Mức thứ ba đòi hỏi khi đọc bản đồ học sinh phải biết kết hợp những kiến thức bản đồ với những kiến thức địa lí sâu hơn để so sánh, phân tích, tìm ra được mối liên hệ giữa các đối tượng đó. Ví dụ : mối quan hệ giữa dãy Hoàng Liên Sơn với hướng chung của địa hình Bắc Bộ, với hướng chảy của sông Hồng, với đặc điểm khí hậu vùng Tây - Bắc.

Đối với giáo viên, hướng dẫn học sinh khai thác tri thức trên bản đồ chủ yếu là hướng dẫn học sinh đọc được bản đồ ở các mức độ trên, quan trọng nhất là hai mức độ sau.

Điều khó khăn khi sử dụng phương pháp này là một mặt giáo viên phải hướng dẫn học sinh biết cách vận dụng các thao tác tư duy để tìm ra các mối quan hệ địa lí, nhưng mặc khác, cũng đồng thời phải hướng dẫn học sinh vận dụng được các kĩ năng về bản đồ thích hợp.

Quy trình hướng dẫn học sinh khai thác bản đồ có thể tiến hành theo các bước sau : - Xác định nội dung của bản đồ qua tên của bản đồ.

- Xem bảng chú giải để biết cách biểu hiện các sự vật và hiện tượng địa lí trên bản đồ bằng kí hiệu. - Tái hiện các biểu tượng về các sự vật và hiện tượng địa lí được biểu hiện bằng kí hiệu.

- Tìm vị trícủa các đối tượng và hiện tượng địa lí trên bản đồ. - Tìm hiểu đặc điểm của các đối tượng được thể hiện trên bản đồ.

- Tìm hiểu ý nghĩa và các mối quan hệ về địa lí với các đối tượng khác trên bản đồ.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 98)