Phương pháp dạy học nêu vấn đề

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 92)

III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỊA LÍ

e) Phương pháp dạy học nêu vấn đề

Phương pháp dạy học nêu vấn đề vừa là một phương pháp dạy học (nếu căn cứ vào mặt kỹ thuật), vừa là một khuynh hướng dạy học (nếu căn cứ vào mục đích).

Phương pháp dạy học nêu vấn đề thực chất là hình thức cải tiến của phương pháp diễn giảng truyền thống trước đây. Để chống lại việc truyền thụ tri thức bằng cách đọc giáo trình một cách lan man và tẻ nhạt ở các trường đại học, các nhà giáo dục Ba Lan lần đầu tiên đã nêu ra yêu cầu đòi hỏi các giáo sư khi giảng bài cần làm cho sinh viên biết trước những vấn đề sẽ trình bày để họ tiện theo dõi. Đó là nguồn gốc ban đầu của phương pháp dạy học nêu vấn đề. Việc cải tiến này đã đem lại kết quả tốt ở các truờng đại học và phổ biến xuống các trường phổ thông.

Trong phương pháp dạy học nêu vấn đề, giáo viên không trình bày tri thức theo trình tự làm sẵn mà có sự sắp xếp tài liệu để đặt thành những tình huống có vấn đề, những mâu thuẫn kích thích người học phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết. Thông qua đó, giáo viên giúp họ nắm được các biện pháp của hoạt động nhận thức và lĩnh hội tri thứcmới. Như vậy, mấu chốt của phương pháp dạy học nêu vấn đề là tạo ra được các tình huống có vấn đề.

Tình huống có vấn đề có thể là:

- Một mâu thuẫn làm nảy sinh vấn đề cần giải quyết. Ví dụ: “Nền kinh tế nước ta còn kém phát triển, nhưng dân số nước ta lại tăng quá nhanh, đây là một mâu thuẫn cần phải giải quyết”.

- Hai hoặc nhiều biện pháp khác nhau cần lựa chọn. Ví dụ: “Để phát triển nền kinh tế nước ta cần phải công nghiệp hoá, nhưng trước hết phải tập trung đầu tư vào những ngành công nghiệp nào?”

- Một mối quan hệ nhân quả cần phải chứng minh. Ví dụ: “Tại sao trước kia ngành chăn nuôi trong nền nông nghiệp nước ta lại kém phát triển?”.

Theo nhà giáo dục Ba Lan U.Ôkôn thì tình huống có vấn đề do giáo viên đưa ra trong quá trình dạy học phải đạt được ba điều kiện:

- Làm xuất hiện mâu thuẫn trước học sinh, giúp họ xác định rõ nhiệm vụ nhận thức và tiếp nhận nó, nghĩa là tạo ra nhu cầu nhận thức ở học sinh.

- Kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh, đồng thời làm cho họ tự giác, tích cực trong hoạt động nhận thức.

- Phải phù hợp với khả năng trình độ của học sinh, nghĩa là họ có thể giải quyết hoặc biết cách giải quyết bằng hoạt động tư duy, dựa vào vốn kiến thức nhất định đã có về vấn đề đó.

Tình huống đặt ra, nếu quá dễ hay quá khó đều không đem lại kết quả, vì nó không kích thích được sự ham muốn giải quyết cũng như tính tích cực tuy duy của học sinh.

Trong quá trình dạy học nêu vấn đề, giáo viên thường là người chủ động nêu vấn đề đồng thời cũng là người giải quyết vấn đề. Toàn bài là một vấn đề lớn được chia thành một số vấn đề nhỏ có lien quan chặt chẽ với nhau. Giáo viên chủ động giải đáp các vấn đề dần dần, nhưng cần khéo léo cho học sinh cảm thấy họ đang tham gia vào việc giải quyết, mặc dầu họ không nhất thiết phải phát biểu ý kiến. (Chẳng hạn, sau khi nêu vấn đề, giáo viên ngừng lại cho học sinh suy nghĩ rồi mới giải đáp).

Mỗi khi giải đáp xong một vấn đề nhỏ thường lại xuất hiện tiếp mâu thuẫn mới, đòi hỏi cần giải quyết và dựa vào đó, giáo viên lại nêu ra vấn đề tiếp theo. Cuối cùng là vấn đề được giải quyết và học sinh nắm được kiến thức.

Cũng có nhiều trường hợp, giáo viên không tự giải quyết hết mọi vấn đề mà dành lại một số vấn đề, nêu thành câu hỏi để học sinh giải đáp. Khi ấy, tuỳ mức độ tham gia của học sinh, phương pháp dạy học nêu vấn đề sẽ dần dần trở thành phương pháp đàm thoại tìm tòi, phát hiện (có tính vấn đề) như đã trình bày ở trên.

Tuy phương pháp dạy học nêu vấn đề có ưu điểm là đem lại hiệu quả cao đối với việc phát triển tư duy cho học sinh, nhưng trong quá trình dạy học địa lí ở trường phổ thông, không phải lúc nào, bài nào cũng có thể sử dụng được nó một cách thuận lợi. Điều này có liên quan rất nhiều đến cách trình bày các bài viết trong sách giáo khoa, bởi vì bất cứ tài liệu giáo khoa nào cũng đều ít nhiều có sự định hướng về mặt phương pháp mà họ đã dự kiến.

Nếu giáo viên muốn dạy theo một phương pháp khác với phương pháp mà tác giả đã hình dung thì nhất định sẽ phải cấu tạo lại nội dung bài dạy theo phương pháp của mình. Ví dụ: nếu bài trong sách giáo khoa viết theo phương pháp giảng giải thì khi muốn dạy theo phương pháp nêu vấn đề, nhất thiết giáo viên phải sắp xếp lại nội dung để làm nổi lên được tình huống có vấn đề như đã nói ở trên.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 92)