I. NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
c) Các hoạt động ngoại khoá về địa lí
Nội dung của môn Địa lí rất phong phú và đa dạng, các đối tượng của nó thuộc cả tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội, vì vậy việc bổ sung, mở rộng phần ngoại khoá là rất cần thiết.
Ngoại khóa là hình thức tổ chức tự nguyện trong nhà trường, tập hợp những học sinh khá, có hứng thú với bộ môn, nhằm mục đích mở rộng và bổ sung những tri thức địa lí được quy định trong chương trình. Các hoạt động ngoại khóa không những có tác dụng tốt về mặt giáo dục, trau dồi học vấn mà còn kích thích được lòng say mê học tập bộ môn của học sinh. Chính vì thế, hoạt động ngạo khoá cũng được coi là một biện pháp hướng nghiệp có hiệu quả.
Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa phải phù hợp với hoàn cảnh học tập của học sinh, với điều kiện vật chất và thời gian cho phép.
- Nội dung ngoại khóa phải cố gắng kết hợp chặt chẽ với nội khoá, vừa phát huy được năng khiếu, sở trường của học sinh.
- Tuy hoạt động ngoại khóa có tính tự nguyện, tự giác nhưng học sinh vẫn cần thưc hiện có nề nếp, đề cao tinh thần kỉ luật.
- Hoạt động ngoại khóa cần tranh thủ được sự giúp đỡ của các nhà Địa lí, của nhà trường, của tổ chức phụ huynh học sinh và của các cơ sở sản xuất ở địa phương. Họ vừa là các cố vấn chuyên môn, vừa có thể giúp đỡ, cung cấp các phương tiện cần thiết cho hoạt động này.
Hoạt động ngoại khóa có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế của nhà trường phổ thong chúng ta, có thể có các hình thức sau:
+ Tổ chức Câu lạc bộ địa lý: Một trong những hoạt động tương đối đơn giản là tổ chức Câu lạc bộ Địa lí. Câu lạc bộ là hình thức tổ chức hoạt động có định kì, thường mỗi tháng một hoặc hai lần, cho toàn trường hoặc cho từng khối lớp. Tốt hơn hết là nên tổ chức cho từng khối lớp, vì những hoạt động đó thích hợp với các đối tượng học sinh cùng lứa tuổi và cùng trình độ. Hoạt động của Câu lạc bộ Địa lí có nhiều hình thức: + Đọc và kể chuyện địa lí: những câu chuyện về các cuộc thám hiểm lí thú của các nhà Địa lí về những phong cảnh và sản vật của các nước trên thế giới và của Việt Nam…Giáo viên và học sinh đều có thể tham gia trình bày trong Câu lac bộ. Nếu la học sinh, giáo viên cần hướng dẫn trước để đạt được kết quả tốt. Đối với học sinh ở những lớp trên, sinh hoạt Câu lạc bộ có thể là những buổi trao đổi, thảo luận về các vấn đề có lien quan đến Địa lí giữa giáo viên, học sinh và cả những người do Câu lạc bộ mời đến, như các nhà khoa học, những người am hiểu những vấn đề đó ở địa phương.
+ Tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ địa lí: Những buổi này khác với những buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở chỗ: những vấn đề địa lí được trình bày theo chủ đề dưới nhiều hình thức văn nghệ khác nhau như: hát, múa, ngâm thơ, đố vui địa lí, biểu diễn những bài hát có nội dung địa lí v.v…
+ Tổ chức triển lãm: Hình thức tổ chức triển lãm địa lí có thể làm thường xuyên nếu nhà trường có phòng riêng dành cho bộ môn, hoặc có thể làm từng đợt ngắn trong năm.
Trong triển lãm, học sinh sẽ trình bày các báo tường, các bài viết về địa lí, các tranh ảnh cắt trong báo chí, các ảnh chụp các hiện tượng, sự vật địa lí, các mẫu vật mà học sinh đã thu thập được ở địa phương. Cũng có thể có cả các bản đồ, sơ đồ, đồ dung học tập về địa lí mà các em tự làm.
+ Tổ chức các buổi cắm trại, du lịch: Một trong những hoạt động ngoại khoá mà học sinh yêu thích là tổ chức các cuộc đi chơi, cắm trại. Giáo viên địa lí nên phối hợp với giáo viên các môn học khác và Đoàn thanh niên để tổ chức, vạch kế hoạch (lựa chọn địa điểm, đề ra nội dung học tập, tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ v.v…)
Địa điểm chọn tốt nhất là những nơi rộng rãi, khung cảnh tự nhiên đẹp, có nhiều vấn đề để các em quan sát, học tập vè Địa lí (thường là các vùng núi, vìng đồi, một cánh rừng, một hang động đá vôi, một công viên v.v…có các hiện tượng tự nhiên lí thú.
Trong các buổi cắm trại, các em kết hợp học tập, tìm hiểu về nhiều vấn đề thuộc các môn học khác. Các hoạt động nói trên phải bổ sung cho nhau và làm cho kiến thức của học sinh them phong phú. d) Hướng dẫn học sinh học tập môn Địa lí ở nhà
Việc học tập ở nhà của học sinh, như đã nói ở trên, thực chất là một giai đoạn tiếp tục của tiết học trên lớp. Chỗ khác nhau chính là trong giai đoạn này không có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên mặc dù nhiệm vụ học tập, làm bài ở nhà vẫn do giáo viên đảm nhiệm hướng dẫn.
Trong hình thức học tập này, tính độc lập của học sinh được thể hiện rõ nhất. Vì vậy, nếu học sinh không được rèn luyện, không có thói quen làm việc độc lập thì thường không hoàn thành đượcnhiệm vụ. Việc học tập môn Địa lí ở nhà bao gồm các nội dung sau:
- Kết hợp việc đọc bài viết trong sách giáo khoa và bài ghi trong vở ở trên lớp để nắm các kiến thức cơ bản của bài.
- Trả lời câu hỏi và làm bài tập trong sách giáo khoa để nắm trọng tâm của bài và rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo địa lí.
Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa, coi đó là nguồn tri thức quan trọng nhất bằng cách tập cho các em làm dàn bài, đề cương, tóm tắt những nội dung chính của bài hay của chương v.v…Giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh xem trước nội dung các bài giảng trong sách giáo khoa trước khi lên lớp để các em hình dung được một cách khái quát những vấn đề sắp học và chủ động hướng hoạt động nhận thức của mình vào những vấn đề đó.
Để rèn luyện cho các em những kĩ năng, kĩ xảo địa lí, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết cách dựa vào các câu hỏi và bài tập ở cuối bài để củng cố kiến thức trọng tâm, tập so sánh, phân tích, lập bảng, vẽ sơ đồ, biểu đồ v.v…
Trong thực tế hiện nay, nhiều giáo viên chưa thấy hết tầm quan trọng của việc rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh nên thường không yêu cầu học sinh làm các bài tập ở nhà một cách chặt chẽ.
Về phía học sinh, các em cũng chưa thấy hứng thú khi phải thực hiện những bài tập ứng dụng và thực hành. Lí do chính là vì loại bài này thướng gây cho các em nhiều lung túng và đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức.
Tuỳ theo trình độ của học sinh, việc hướng dẫn của giáo viên có thể tỉ mỉ, chi tiết hoặc sơ lược.
Nói chung, các em trước hết cần được hiểu rõ: mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ phải làm, sau đó là trình tự tiến hành. Nếu cần, giáo viên có thể cung cấp cho các em them những kiến thức cần thiết hoặc những tài liệu tham khảo.