I. NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
a) Các hình thức tổ chức dạy học trong lớp và ngoài lớp
Hình thức dạy học chủ yếu ở nhà trường phổ thông là hình thức dạy học theo lớp. Mỗi lớp có từ 35 đến 50 học sinh. Nội dung của chương trìnhđược chia ra thành các bài học.Mỗi bài học có thể được hoàn thành trọn vẹn trong một tiết học, nhưng cũng có bài phải trong hai hoặc ba tiết. Đối với mỗi tiết học, giáo viên dạy chung cho cả lớp trong một phòng học cố định. Tất cả học sinh đều phải tham dự, nhưng tuỳ theo khả năng của từng người mà mức độ lĩnh hội có sự phân hoá khác nhau.
Bên cạnh hình thức giảng dạy trong lớp, môn Địa lí còn vận dụng một cách phổ biến hình thức giảng dạy ngoài lớp như: dạy trong vườn địa lí, trong vườn khí tượng hay trên thực địa…Hình thức này có tác dụng lớn trong việc học tập bộ môn bởi vì cách dạy này rất sinh động, cụ thể và dễ gây hứng thú cho học sinh. Hình thức giảng dạy ngoài lớp khác với hoạt động ngoại khoá ở chỗ: nội dung của nó có ghi trong chương trình và kế hoạch dạy học còn các hoạt động ngoại khoá là do thầy và trò tự nguyện tổ chức, tham gia với sự khuyến khích, tạo điều kiện của nhà trường, tuỳ vào hoàn cảnh thực tế của nhà trường và của địa phương.
Vì chưa hiểu rõ bản chất của hai hình thức này nên một số giáo viên còn lầm lẫn, đôi khi coi những bài dạy ngoài lớp (ví dụ: phần Địa lí địa phương ở lớp 9) như những hoạt động ngoại khoá vì thế đã thực hiện chúng một cách tuỳ tiện.
Trong hình thức nội khoá cũng như ngoại khoá, từ trước đến nay chúng ta thường dạy tập trung cho toàn bộ học sinh trong lớp. Trong những năm gần đây, để tăng cường việc tự học của học sinh ở nhiều nước trên thế giới, người ta có khuynh hướng chia lớp thành các nhóm nhỏ để học sinh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi, thảo luận, giúp đỡ nhau trong học tập.