III. MỘT SỐ THIẾT BỊ VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC ĐỊA LÍ CHỦ YẾU Ở TRƯƠNG PHỔ THÔNG
e) Các tranh ảnh có nội dung địa lí
Tranh ảnh là một phương tiện trực quan trong việc dạy học Địa lí. Nhờ các tranh ảnh, học sinh có thể làm quen với hình dạng bên ngoài của các sự vật và hiện tượng địa lí, hình thành cho các em những biểu tượng cụ thể. Ví dụ : những bức tranh về Thảo nguyên, Cảnh đồng rêu hoặc Rừng nhiệt đới trong bộ tranh về cảnh quan v.v...
Cùng với việc hình thành biểu tượng, các tranh ảnh có nội dung địa lí còn có thể tạo điều kiện cho học sinh phân tích, so sánh, nắm được các khái niệm về địa lí tự nhiên hoặc địa lí kinh tế - xã hội.
Trong việc giảng dạy Địa lí, các tranh ảnh có thể được sử dụng trong quá trình dạy bài mới trên lớp hoặc trong khâu kiểm tra kiến thức.
Để việc sử dụng các tranh ảnh địa lí có kết quả, giáo viên cần chú ý lựa chọn những tranh ảnh, phù hợp với mục đích và nội dung của bài dạy.
Tương tự như bản đồ, các tranh, ảnh giáo khoa dạy học cũng có hai tác dụng : minh hoạ và làm nguồn tri thức cho học sinh khai thác. Nhưng tranh, ảnh có kích thước lớn thường được giáo viên lựa chọn và sắp xếp theo các chủ đề khác nhau như : các dạng địa hình của các miền tự nhiên trên thế giới, các phong cảnh của nước ta như : Vịnh Hạ Long, Sa Pa hoặc Đà Lạt v.v...
Đối với các ảnh chụp, có kích thước nhỏ hơn, giáo viên có thể sắp xếp, làm thành từng tập riêng rẽđể khi cần, có thể cho học sinh xem hoặc nghiên cứu thêm (ở các nước có trình độ khoa học phát triển cao, người ta còn sử dụng các ảnh viễn thám, ảnh chụp từ vũ trụ để học sinh học tập)
Trong việc dạy học địa lí, giáo viên cũng nên triệt để sử dụng những tranh ảnh trong sách giáo khoa, bởi vì đây là những tranh ảnh về các hiện tượng điển hình đã được lựa chọn tương đối kĩ, phù hợp với nội dung của mỗi bài. Khi sử dụng, giáo viên có thể yêu cầu học sinh quan sát, trả lời những câu hỏi gợi ý về nội dung của những hiện tượng được ghi lại trong đó hoặc trình bày những nhận xét rút ra trong quá trình phân tích chúng v.v... Để có một nguồn tranh, ảnh phong phú dùng trong dạy học, ngoài những tranh ảnh do cơ quan thiết bị trường học cung cấp, giáo viên nên kết hợp với học sinh thường xuyên sưu tập thêm các loại tanh ảnh có nội dung địa lí, được in ấn trong các báo ảnh hoặc các tạp chí khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước.
Tác tranh ảnh này có thể nêu được các đặc điểm điển hình, các hiện tượng địa lí ít khi gặp như : sóng, thuỷ triều, núi lửa, các chủng tộc người trên thế giới, quang cảnh các đô thị, các thành phố lớn hoặc các ngành kinh tế của các nước trên thế giới...
Các bộ sưu tập này có tác dụng rất lớn. Đối với giáo viên, bài học sẽ trở nên cụ thể, sinh động. Đối với học sinh, chúng giúp các em nắm vững biểu tượng, khái niệm và mở rộng kiến thức.
g) Các mô hình khối
Trong các phương tiện dạy học Địa lí, giáo viên và học sinh còn sử dụng các mô hình khối. Thuộc loại này có các mô hình bằng thạch cao như : núi lửa, băng hà...hoặc các mô hình cấu tạo trái đất, các hình mẫu nhà máy, xí nghiệp, các sa bàn đắp nổi v.v...
So với các phương tiện trực quan khác, các mô hình địa lí hình khối tạo được biểu tượng về các sự vật, hiện tượng địa lí sống động và đầy đủ hơn. Ngoài các mô hình tĩnh còn có các mô hình thể hiện được sử chuyển động của các sự vật, hiện tượng, ví dụ như mô hình Trái Đất quay quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng quay quanh Trái Đất...
Nhờ các mô hình này, học sinh có thể hiểu rõ hơn các quá trình xảy ra trong phạm vi không gian như sự xói mòn đất hoặc sự chuyển động của Trái Đất trng hệ Mặt Trời. Khi giới thiệu các mô hình động, giáo viên cần chú ý làm thế nào để cho mọi học sinh đều có thể nhìn rõ và theo dõi được quá trình hoạt động của chúng.
Đặc biệt, khi sử dụng các mô hình tĩnh hoặc động, giáo viên cần thuyết minh, mô tả cho học sinh hiểu rõ những đặc điểm của sự vật hoặc hiện tượng mà mô hình có nhược điểm là chưa biểu hiện được. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giúp cho học sinh hình thành những biểu tượng vững bền và nắm được bản chất của các khái niệm địa lí.