Các phương pháp dạy học hiện nay rất phong phú và đa dạng

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 81)

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỊA LÍ 1 Khái niệm về phương pháp dạy học

a) Các phương pháp dạy học hiện nay rất phong phú và đa dạng

Trải qua một thời gian dài trong quá trình phát triển giáo dục, người ta đã tích luỹ được nhiều phương pháp dạy học, vì vậy việc phân loại chúng là một vấn đề phức tạp và hết sức khó khăn.

Từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX đến nay đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về phương pháp dạy học và cơ sở phân loại chúng.

Một số người vẫn chấp nhận các phương pháp dạy học truyền thoống, nhưng lại đề ra them một số phương pháp mới. Một số khác tuy thừa nhận những phương pháp cũ nhưng lại đặt ra yêu cầu bổ sung, cải tiến và phân loại chúng trên những cơ sở luận chứng khác nhau v.v...

Để có được khái niệm đúng đắn về sự phân loại các phương pháp dạy học, trước hết chúng ta cần nhớ một điều là: khái niệm dạy học có thể hiểu theo nhiều cách rộng, hẹp với những cấp độ khác nhau. Ví dụ: phương pháp dạy học có thể hiểu theo nghĩa hẹp là phương pháp cụ thể có tính chất như một biện pháp về mặt kỹ thuật dạy học, như phương pháp mô tả, phương pháp đàm thoại v.v...nhưng cũng có thể hiểu nó theo nghĩa rộng như một hệ, hay nhóm phương pháp dạy học, bao gồm nhiều phương pháp dạy học cụ thể, phục vụ cho một mục đích nhất định (phương pháp dạy học nắm kiến thức mới, phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh v.v...).

Từ trước đến nay, việc phân loại các phương pháp dạy học ở cấp độ khái quát đã có nhiều cách khác nhau, tuỳ theo những căn cứ để phân loại. Ví dụ: - Nếu căn cứ vào mục đích và nhiệm vụ dạy học thì có các nhóm phương pháp tổ chức hoạt động nhận thức, nhóm các phương pháp kiểm tra kết quả học tập. - Nếu căn cứ vào nội dung dạy học thì có các phương pháp dạy kiến thức, nhóm các phương pháp rèn luyện kĩ năng, nhóm các phương pháp dạy Địa lí tự nhiên, nhóm các phương pháp dạy Địa lí kinh tế - xã hội v.v...

- Khoảng vài chục năm gần đây, người ta cũng nói nhiều đến cách phân loại căn cứ vào mức độ nhận thức của I.Y.Lecne, gồm có năm nhóm: nhóm các phương pháp giải thích, minh hoạ; nhóm các phương pháp tái hiện; nhóm các phương pháp nêu vấn đề; nhóm các phương pháp tìm tòi bộ phận và nhóm các phương pháp nghiên cứu...

Tuy nhiên, tất cả các cách phân loại này chỉ mới có ý nghĩa về mặt lí luận dạy học chung. Việc vận dụng chúng vào việc dạy học bộ môn còn có chỗ chưa thật cụ thể.

Hiện nay trong các tài liệu của UNESCO, người ta sử dụng khá phổ biến cách phân loại phương pháp dạy học ra hai nhóm: nhóm các phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm và nhóm các phương pháp lấy học sinh làm trung tâm (trung tâm ở đây không phải là trung tâm của quá trình dạy học mà phải hiểu là trung tâm của quá trình lĩnh hội tri thức).

Nhóm các phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm, bao gồm toàn bộ các phương pháp, trong đó giáo viên trình bày, giải thích, cung cấp tri thức là chính. Với nhóm phương pháp này, học sinh buộc phải tiếp thu tri thức một cách thụ động, việc phát triển tư duy bị coi nhẹ. Sự tham gia của học sinh trong quá trình dạy học chỉ giới hạn ở việc tái hiện những vấn đề mà giáo viên đã giảng. Các câu hỏi do giáo viên đặt ra để bắt học sinh suy nghĩ thường vụn vặt, không có tác dụng tích cực trong việc kích thích tư duy, phát huy tính sáng tạo của học sinh trong quá trình lĩnh hội tri thức. Nhóm các phương pháp lấy học sinh làm trung tâm bao gồm các phương pháp coi toàn bộ quá trình dạy học đều hướng vào nhu cầu, khả năng, hứng thú học tập của học sinh. Mục đích chính là nhằm phát triển ở học sinh năng lực tư duy, khả năng độc lập tìm cách giải quyết những khó khăn trong quá trình lĩnh hội tri thức. Với các phương pháp này, không khí lớp học sẽ linh hoạt, cởi mở về mặt tâm lí. Nhiệm vụ của giáo viên chủ yếu là hướng dẫn, giúp đỡ học sinh tự tìm tòi, tự khám phá những tri thức mới, bằng cách chỉ ra những vấn đề cần lĩnh hội và các phương pháp giải quyết nhu cầu đó như cung cấp tài liệu cần thiết, giúp cho họ có khả năng tự khai thác, tự nhận thức, suy luận và rút ra kết luận...

Trong các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, học sinh thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình trong việc lĩnh hội tri thức, tự lực hoàn thành nhiệm vụ học tập bằng cách phát huy năng lực của bản thân, dưới sự chỉ đạo của giáo viên.

Với các phương pháp này, học sinh phải tự lực đến mức tối đa để khai thác các nguồn tri thức địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên như: bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, các số liệu thống kê kinh tế, các bài viết trong sách giáo khoa, các thong tin qua các phương tiện nghe, nhìn hoặc truyền thông đại chúng…

Trong quá trình khai thác tri thức, học sinh không những có điều kiện thuận lợi để vận dụng các thao tác tư duy một cách tích cực mà còn có điều kiện củng cố, vận dụng các tri thức cũ một cách sáng tạo vào những trường hợp thực tế và cụ thể.

Tuy nhiên, để làm được việc đó, học sinh trước hết phải biết cách làm việc với các nguồn tri thức hay nói khác đi là phải nắm được một số kĩ năng cơ bản trong việc khai thác chúng. Ví dụ: muốn khai thác được tri thức trên bản đồ, biểu đồ…thì học sinh nhất thiết phải có những kiến thức về bản đồ, biểu đồ, về cách làm việc với chúng. Có thế, các em mới tìm ra được những tri thức ẩn tàng trong các phương tiện này và rút ra được những tri thức mới.

Hiện nay, một trong những hạn chế đối với việc sử dụng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm ở các trường phổ thông là học sinh chưa được trang bị đầy đủ những kĩ năng cần thiết.

Vì vậy, muốn thay đổi phương pháp dạy học truyền thống, vấn đề trước tiên giáo viên phải quan tâm đến là việc hình thành và rèn luyện cho học sinh các loại kĩ năng cơ sở, giúp các em biết cách khai thác các nguồn tri thức địa lí.

Như vậy, theo cách phân loại này thì đa số các phương pháp dạy học truyền thống đều là các phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 81)