Phương pháp dạy học chung và phương pháp dạy học riêng của môn Địa lí

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 80)

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỊA LÍ 1 Khái niệm về phương pháp dạy học

2. Phương pháp dạy học chung và phương pháp dạy học riêng của môn Địa lí

Phương pháp bao giờ cũng phụ thuộc vào mục tiêu hành động, vì vậy tính mục đích là đặc điểm cơ bản của phương pháp dạy học. Phương pháp dạy học trước hết phải phục vụ cho mục tiêu đào tạo của nhà trường. Nếu mục tiêu của nhà trường là đào tạo những thế hệ học sinh làm chủ được hoạt động nhận thức, trở thành những người lao động có học vấn, có đạo đức, tư cách, biết sử dụng vốn tri thức của mình một cách sáng tạo và công cuộc xây dựng đất nước thì phương pháp dạy học trong nhà trường phải đuợc vận dụng một cách có ý thức để đạt được mục tiêu đó nhanh nhất, có hiệu quả nhất.

Do tính mục đích này, trong những năm gần đây căn cứ vào những tranh luận về mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thong, các nhà lí luận dạy học cũng đã đề ra nhiều khuynh hướng dạy học mới, nhằm phát huy tính tích cực, phát triển năng lực nhận thức, năng lực độc lập công tác của học sinh, như: các phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học chương trình hoá, algôrit hoá…

Mỗi phương pháp đều muốn vạch ra một con đường tối ưu để đạt tới mục tiêu. Các phương pháp này có thể vận dụng để dạy tất cả các môn học trong nhà trường, vì vậy chúng chính là những phương pháp chung về mặt lí luận dạy học.

Ngoài tính mục đích, một đặc điểm quan trọng tiếp theo của phương pháp dạy học là nó phụ thuộc vào nội dung. Một mặt phương pháp dạy học bao giờ cũng là phương pháp dạy những tri thức nhất định hoặc những cách thức hoạt động trí óc và thực hành nhất định. Mặt khác, phương pháp dạy học bao giờ cũng gắn liền với một hoặc nhiều phương tiện dạy học nhất định. Vì vậy, mỗi môn học, do có nội dung và phương tiện dạy học riêng, nên cũng có những phương pháp dạy học riêng. Đó là các phương pháp dạy học bộ môn.

Trong môn Địa lí lại có nhiều nội dung khác nhau như Địa lí tự nhiên, Địa lí kinh tế - xã hội, cho nên phương pháp dạy học địa lí cũng có thể phân ra: phương pháp dạy học Địa lí tự nhiên, phương pháp dạy học Địa lí kinh tế - xã hội…

Ngoài ra, do đặc điểm của nội dung môn Địa lí luôn luôn phải gắn bó với bản đồ, với việc quan sát trên thực địa nên phương pháp dạy học địa lí cũng có sự khác biệt khá rõ rệt so với phương pháp dạy học của các môn học khác. Đó chính là nguyên nhân làm nảy sinh ra những phương pháp dạy học đặc trưng của môn Địa lí, như: phương pháp bản đồ, phương pháp phân tích các số liệu thống kê kinh tế theo lãnh thổ, phương pháp thực địa...

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 80)