Bản đồ giáo khoa địa lí

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 57)

III. MỘT SỐ THIẾT BỊ VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC ĐỊA LÍ CHỦ YẾU Ở TRƯƠNG PHỔ THÔNG

d) Bản đồ giáo khoa địa lí

Bản đồ giáo khoa địa lí là một loại hình cụ thể trong hệ thống bản đồ địa lí, vì ngoài tính chất đặc trưng của bản đồ địa lí ra, nó còn có những tính chất riêng mà các loại bản đồ khác không có.

Bản đồ giáo khoa địa lí là bản đồ dùng để dạy và học Địa lí theo chương trình và sách giáo khoa đã được quy định trong nhà trường. Có thể nói một cách khái quát: bản đồ giáo khoa là những bản đồ được dùng

vào việc dạy và học trong nhà trường. Bản đồ giáo khoa hiện nay, được dùng chủ yếu cho hai môn học: Địa lí và Lịch sử. Đối tượng sử dụng các loại bản đồ giáo khoa này hầu hết là các giáo viên và học sinh của hai môn học đó trong nhà trường.

- Đặc điểm của bản đồ giáo khoa địa lí

Bản đồ giáo khoa địa lí hiện nay, tuy vẫn có chức năng là một phương tiện dạy học trực quan, nhưng chức năng chủ yếu và vô cùng quan trọng của nó, lại là một nguồn tri thức địa lí phong phú để học sinh khai thác khi học tập. Mỗi đối tượng được ghi trên bản đồ đều bắt nguồn từ những cuộc thám hiểm, đôi khi gian lao và đầy hiểm nguy của các nhà Địa lí trên thực địa. Chính vì thế, bản đồ xứng đáng được coi là “cuốn sách giáo khoa Địa lí thứ hai”

Xuất phát từ việc nghiên cứu khoa học nên bản đồ cũng mang tính chất một công trình khoa học. Tính khoa học của nó được biểu hiện ở độ chính xác về lưới chiếu, ở sự tương ứng về tỉ lệ của các khoảng cách trên bản đồ với thực địa, ở cách biểu hiện các sự vật và hiện tượng địa lí trên bản đồ bằng một hệ thống kí hiệu đa dạng và có tính khoa học cao.

Là một phương tiện dạy học trong nhà trường, ngoài tính khoa học, bản đồ còn có tính sư phạm cao. Nó phải phù hợp với nội dung chương trình, với sách giáo khoa và đặc biệt là với trình độ và tâm lí lứa tuổi cuủahọc sinh. Đối với những học sinh nhỏ, quá trình nhận thức cảm tính còn chiếm ưu thế thì những bản đồ dùng trên lớp bao giờ cũng có tính trực quan cao. Các kí hiệu tượng hình gần với thựctế phải được ưu tiên sử dụng. Các kiểu chữ cũng phải sáng sủa và dễ đọc.

Ngoài ra, tính mĩ thuật của bản đồ giáo khoa cũng là một yêu cầu không thể coi nhẹ. Tính mĩ thuật thường được biểu hiện ở chỗ: bản đồ có bố cục hợp lí, có màu sắc rực rõ và hài hoà. Có như vậy thì bản đồ mới có sức hấp dẫn, làm cho học sinh không cảm thấy tả nhạt trong quá trình khai thác và sử dụng. - Nội dung của các bản đồ giáo khoa địa lí

Để phục vụ cho mục đích giảng dạy Địa lí, mỗi bản đồ giáo khoa đều có nội dung mang tính rõ rệt. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung đó bằng cách đọc tên và bảng chú giải của nó. Tên bản đồ chứa đựng hai nội dung chính: hiện tượng địa lí biểu hiện trên bản đồ và không gian bao quát trên bản đồ. Ví dụ: Bản đồ “Khí hậu Việt Nam”, bản đồ “Khí hậu thế giới”. Hiện tượng địa lí ở đây là khí hậu, còn phạm vi không gian là Việt Nam hoặc thế giới.

Bảng chú giải có tác dụng giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn nội dung bản đồ. Thông qua cách biểu hiện của kí hiệu, chúng ta có thể nắm được chính xác biểu tượng của các sự vật và hiện tượng địa lí được biểu hiện trên bản đồ. Không chỉ có thế, các kí hiệu còn có thể cho chúng ta biết thêm được nhiều đặc tính khác nữa của các sự vật và hiện tượng địa lí như các đặc tính về số lượng, chất lượng, về độ lớn...Nói chung, nhiệm vụ chính của bảng chú giải là giúp cho chúng ta hiểu và đọc được đúng nội dung của bản đồ.

Nội dung của bản đồ rất quan trọng, nó được biểu hiện qua kỹ thuật thành lập, biên vẽ bản đồ. Cơ sở toán học của bản đồ, những kí hiệu, phương pháp biểu hiện cũng như những quy định, nguyên tắc thiết kế bản

đồ... không đơn thuần chỉ có nhiệm vụ như một công cụ để phản ánh nội dung khoa học địa lí của bản đồ mà còn có tác dụng trang bị cho học sinh những kiến thức về bản đồ.

Để có thể đọc được bản đồ, học sinh phải hiểu được ngôn ngữ bản đồ. Khi đã có những hiểu biết về kí hiệu bản đồ người học có thể tiếp nhận các thông tin khoa học trên bản đồ, giống như khi đọc một cuốn sách vậy. Khi đọc bản đồ, người đọc phải biết phân biệt, chọn lọc những khía cạnh, những nội dung tiêu biểu để nhận thức các hiện tượng riêng lẻ, sau đó mới lập các mối liên hệ qua lại giữa chúng để thấy được tổng thể môi trường địa lí trên bản đồ. Như vậy, rõ ràng là khi đọc bản đồ phải có quá trình phân tích, đánh giá và quá trình tổng hợp.

Những bản đồ giáo khoa treo tường ở các lớp cuối cấp phổ thông thường khá phức tạp. Nội dung có thể dùng phương pháp thiết kế nhiều tầng. Những nội dung cơ bản cần tiấp nhận, thường được biểu hiện ở tầng đầu, với những kí hiệu rõ ràng, đôi khi có thể cường điệu sao cho thoáng nhìn từ xa cũng có thể phát hiện được.

Ví dụ: Trên bản đồ tự nhiên Việt Nam, địa hình của từng khu vực được biểu hiện ở tầng đầu. Các mối quan hệ giữa hướng núi, hướng sông được biểu hiện ở tầng thứ hai. Tiếp đó thì mới tới sự phân hoá theo khu vực và cuối cùng là đặc điểm của từng khu vực, từng địa phương. Để bổ sung nội dung của bản đồ, người ta còn đưa thêm vào các biểu đồ, các lát cắt của một khu vực tự nhiên hoặc lát cắt tổng hợp...

Nhìn chung, ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ của khoa học bản đồ, bản đồ giáo khoa còn có những yêu cầu riêng. Để mỗi bản đồ có chất lượng cao thì ngay từ khi biên soạn, người làm bản đồ đã phải xác định rõ ràng những ý đồ về phương pháp sử dụng. Ví dụ: nếu mục đích chính của bản đồ là dùng để làm nguồn kiến thức cho học sinh khai thác thì những kiến thức quan trọng cần khi thác, những kiến thức cần trả lời cho các câu hỏi hướng dẫn của giáo viên phải được thể hiện trong nội dung của bản đồ. Tóm lại, nếu bản đồ trước đây chỉ làm nhiệm vụ là phương tiện trực quan cho các công tác giảng dạy địa lí thì về mặt nội dung, nó chưa đòi hỏi cao. Nhưng đến nay, bản đồ giáo khoa được coi là một “nguồn tri thức” thì nội dung của nó cũng phải được nâng cao và có yêu cầu chặt chẽ về mặt phương pháp thể hiện. - Các loại bản đồ giáo khoa địa lí

Đến nay, bản đồ giáo khoa của chúng ta có nhiều loại khác nhau: bản đồ giáo khoa treo tường, bản đồ câm, bản đồ trống, bản đồ bài tập, bản đồ trong sách giáo khoa, tập bản đồ địa lí (Atlat giáo khoa) v.v…) Mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, tác dụng và phương pháp sử dụng chúng, trong dạy học địa lí cũng khác nhau. Khi sử dụng, chuúngta cần phải biết khai thác và phát huy những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm của mỗi loại để nâng cao chất lượng giảng dạy.

+ Các bản đồ giáo khoa treo tường

Bản đồ giáo khoa treo tường là loại bản đồ được dùng thường xuyên để dạy môn Địa lí ở trên lớp. Bản đồ giáo khoa treo tường có những yêu cầu, những phương pháp biểu hiện riêng, phù hợp với lí luận dạy học địa lí.

Mục đích của bản đồ treo tường trước hết chi phối cách vẽ mạng lưới kinh, vĩ tuyến, các yếu tố nội dung và các đặc điểm khác. Trên bản đồ, lượng thông tin khoa học phải tương xứng với tỉ lệ bản đồ, các đối tượng địa lí trên bản đồ phải được khái quát hoá cao. Song, cũng có những đối tượng phải cường điệu hoá đến mức cần thiết. Việc sử dụng những kí hiệu tượng hình có màu sắc tươi đẹp, gần gũi với đối tượng đã làm cho bản đồ, không những có tính trực quan cao mà còn gây được hứng thú trong quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức của học sinh. Việc sử dụng các kiểu chữ viết trên bản đồ khi thiết kế, xây dựng cũng phải cân nhắc kĩ, sao cho phù hợp với những nguyên tắc sư phạm, trực quan, thẫm mĩ v.v...Ngoài ra, bản đồ giáo khoa treo tường còn phải phù hợp với tâm lí đối tượng học sinh , với trình độ tri thức của các em, với yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa của từng cấp từng lớp học.

Thông thường, các bản đồ giáo khoa treo tường đều có kích thước lớn (0,80m x 1,20m; 1,00m x 1,50m; 1,50m x 2m). Tuy nhiên, khi chọn kích thước cũng phải chú ý thích đáng đến sự thuận tiện trong việc bảo quản và mang đi mang lại trên lớp của giáo viên.

Khi xây dựng các bản đồ giáo khoa treo tường, cần bảo đảm các yêu cầu sau:

- Học sinh ngồi ở cuối lớp (từ 5 đến 8m) có thể nhận biết và đọc được các đối tượng chín trên bản đồ, nghĩa là các kí hiệu, chữ viết trên bản đồ có độ lớn và độ nét tối thiểu, màu sắc trên bản đồ phải có độ tương phản rõ rệt, tạo điều kiện dễ đọc và dễ phân biệt.

- Nội dung chính của bản đồ phải được ưu tiên thể hiện; nội dung phụ đưa lên bản đồ phải có mức độ nhất định, vừa phải, không làm ảnh hưởng đến việc đọc nội dung chính (trên bản đồ giáo khoa, không nên thể hiện quá nhiều nội dung, ranh giới của các đối tượng chính cần được biểu hiện rõ ràng, số lượng của các cấp kí hiệu không nên nhiều, ví dụ: các trung tâm công nghiệp, thường chỉ nên chia ra ba cấp là lớn, trung bình và nhỏ).

- Bảng chú giải (chú dẫn, giải thích) của bản đồ phải ngắn gọn, rõ ràng. Hình ảnh của đối tượng địa lí được sắp xếp theo một thứ tự lôgic, phù hợp với nội dung kiến thức biểu hiện.

- Màu sắc và hình dạng của các kí hiệu trên bản đồ giáo khoa treo tường phải thống nhất với các bản đồ trong Atlat giáo khoa để học sinh dễ đối chiếu, nhận biết và theo dõi ở trên lớp cũng như khi học ở nhà. + Các bản đồ câm và bản đồ trống

Bản đồ câm thường có khuôn khổ và kích thước tương tự như bản đồ treo tường. Điều đặc biệt là các địa danh trên bản đồ thường không viết đầy đủ mà chỉ ghi có chữ đầu, ví dụ: Hà Nội, chỉ ghi có chữ H... Thanh Hoá, chỉ ghi có chữ T...học sinh khi đọc phải tự mình bổ sung cho đầy đủ. Loại bản đồ này thường được sử dụng nhiều trong các khâu kiểm tra, làm bài tập và củng cố kiến thức cho học sinh ở trên lớp. Các bản đồ trống cũng tương tự như bản đồ câm. Chúng có tác dụng chủ yếu là phục vụ cho việc tự vẽ các bản đồ chuyên đề của giáo viên. Trên các bản đồ câm và trống, bao giờ cũng có vẽ mạng lười kinh, vĩ tuyến, các đường biên giới lãnh thổ, đường bờ biển, các sông ngòi chính và vị trí của một số đô thị lớn.

Kích thước của các loại biểu đồ này phụ thuộc vào yêu cầu và mục đích đích sử dụng. Nếu là dùng cho giáo viên để vẽ các bản đồ chuyên đề dùng trên lớp thì chúng có kích thước bằng các bản đồ treo tường, còn nếu dùng cho học sinh để làm bài tập trên lớp hoặc ở nhà thì kích thước nhỏ hơn, thường bằng tờ giấy khổ A4.

+ Bản đồ trong sách giáo khoa

Bản đồ hoặc lược đồ được in trong sách giáo khoa chủ yếu là những bản đồ dùng để minh hoạ cho nội dung kiến thức của bài viết trong sách giáo khoa. Trong trường hợp thiếu bản đồ treo tường, chúng cũng có thể được dùng như một nguồn tri thức cho học sinh khai thác.

Do khuôn khổ hạn chế của sách giáo khoa nên các bản đồ và lược đồ này thường có tỉ lệ nhỏ, nội dung đơn giản. Nhiều khi chúng chỉ biểu hiện được một hoặc hai yếu tố địa lí có tích phân tích, giúp cho học sinh đối chiếu với bài giảng của giáo viên. Các bản đồ này thường chỉ phục vụ cho việc học tập một mục, một bài địa lí cụ thể.

Với các bản đồ in trong sách giáo khoa, học sinh tường dễ đọc, dễ tiếp thu. Tuy nhiên, do tính chất phân tích của chúng, việc sử dụng các loại bản đồ này, cần phải được phối hợp chặt chẽ với các loại bản đồ khác, như bản đồ treo tường, bản đồ trong tập atlat, nghĩa là những bản đồ có tính tổng hợp về nội dung. Có thế thì kiến thức của học sinh mới đầy đủ và hiệu quả của chúng mới được nâng cao.

+ Át lát giáo khoa (tập bản đồ giáo khoa địa lí).

Át lát giáo khoa còn gọi là tập bản đồ giáo khoa, là một tập hợp các bản đồ địa lí được sắp xếp một cách hệ thống và theo một lôgic chặt chẽ, nhằm mục đích phục vụ cho việc dạy học địa lí. Át lát giáo khoa có tính thống nhất cao về cơ sở toán học, về nội dung và về bố cục. Các bản đồ trong átlát giáo khoa thường được xây dựng theo một phương pháp chung và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, để cho người sử dụng có thể dễ dàng so sánh, đối chiếu chúng với nhau. Với các đặc điểm đó, átlát thực sự là một công trình, một tác phẩm khoa học.

Trong nhà trường, có nhiều loại átlát. Átlát để cho giáo viên sử dụng thường có nội dung phong phú, sâu sắc, phục vụ trưc tiếp cho công tác nghiên cứu và giảng dạy địa lí. Átlát cho học sinh sử dụng, chủ yếu nhằm giúp học sinh tiếp thu, nắm kiến thức một cách cụ thể, giúp cho việc thực hành, làm bài tập dễ dàng và thuận lợi. Ngoài ra, átlát còn là một “nguồn tri thức” rất phong phú và đa dạng, một “cuốn sách bách khoa” mà bất cứ người nào cũng phải cần đến.

Các loại átlát giáo khoa địa lí đều phải bảo đảm những yêu cầu sau:

- Bảo đảm tính đầy đủ và hoàn chỉnh, nghĩa là các bản đồ trong tập bản đồ phải nêu được tới mức đầy đủ, chi tiết các nội dung, chủ đề của bản đồ.

- Bảo đảm tính thống nhất về phương pháp biểu hiện các đối tượng. Tập bản đồ địa lí giáo khoa phải thống nhất về hệ thống các phép chiếu đồ, về tỉ lệ của các bản đồ (nếu dùng tỉ lệ khác nhau thì ít nhất các tỉ lệ đó phải là số chẵn để học sinh dễ dàng tính toán, so sánh khi sử dụng), về kí hiệu, về màu sắc v.v...

- Nội dung của tập bản đồ dùng để dạy học phải phù hợp với chương trình học tập địa lí ở các lớp, các khối, với nội dung của sách giáo khoa, với đối tượng sử dụng.

Các bản đồ trong tập bản đồ giáo khoa thường có kích thước lớn hơn các bản đồ in trong sách giáo khoa, vì vậy nội dung địa lí của chúng có thể được thể hiện trên một hoặc hai trang. Ngoài bản đồ, trong átlát còn có nhiều biểu đồ, tranh ảnh minh hoạ và các bản số liệu tra cứu.

Tập bản đồ giáo khoa, thường được dùng phối hợp với các bản đồ treo tường, với các bản đồ và lược đồ trong sách giáo khoa để phục vụ cho học sinh khi khai thác kiến thức ở trên lớp hoặc để ôn tập, rèn luyện kĩ năng khi làm việc ở nhà.

Hiện nay, để phục vụ cho việc giảng dạy Địa lí trong nhà trường phổ thông, chúng ta cần có kế hoạch trang bị cho học sinh đầy đủ các tập bản đồ sau:

- Tập bản đồ địa lí tự nhiên đại cương. - Tập bản đồ địa lí tự nhiên các châu.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w