Khảo sát địa phương

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 47)

I. NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

b) Khảo sát địa phương

Trong việc dạy học Địa lí ở trường phổ thông, khảo sát địa phương cũng là một hình thức dạy học ngoài lớp rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý phân biệt hai khái niệm: địa lí địa phương và khái niệm khảo sát địa phương.

Địa lí địa phương là một đề mục được ghi trong chương trình nội khoá (thường là ở những lớp cuối cấp, chuẩn bị cho học sinh ra trường). Nội dung của nó cần được dạy thành bài ở trên lớp giống như các phần khác trong chương trình. Nhiệm vụ chính của nó là làm cho học sinh hiểu rõ các điều kiện tự nhiên cũng như các hoạt động sản xuất, xã hội của địa phương để sau khi ra trường, các em đỡ bỡ ngỡ và có thể mau chóng hoà nhập được vào cuộc sống lao động, sản xuất của địa phương.

Còn khảo sát địa phương thì có mục đích và nhiệm vụ khác. Nó làm cho học sinh quen với việc tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên và kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời, nó cũng là một biện pháp tích luỹ cho học sinh những tri thức ban đầu về Địa lí. Việc tiếp xúc với thực tế địa phương sẽ cung cấp cho học sinh nhiều biểu tượng cụ thể, nhiều khái niệm địa lí sinh động về các đối tượng địa lí mà hang ngày các em thường thấy, nhưng chưa có điều kiện phân tích và giải thích chúng một cách khoa học. Ví dụ: khi khảo sát một giếng nước ở địa phương, không những học sinh biết được trình tự những vấn đề cần phải nghiên cứu đối với một đối tượng trong thiên nhiên mà họ cũng sẽ hiểu them được: Thế nào là một mạch nước ngầm, Vì sao nước trong giếng không bao giờ cạn? Vì sao nước giếng lại trong? Vì sao mực nước trong các giếng lại cao, thấp khác nhau và cả mùi, vị nước ở mỗi giếng cũng không giống nhau?v.v…Tất cả những kiến thức đó sẽ là vốn kiến thức ban đầu để các em so sánh, suy diễn, hình thành những biểu tượng và khái niệm địa lí mới về những vùng khác nhau trên Trái Đất mà có thể suốt đời các em cũng không bao giờ có dịp đặt chân đến.

Hình ảnh và những đặc điểm của một con song nhỏ ở địa phương mà các em đã khảo sát, có thể là cơ sở để so sánh, phân tích và hình thành biểu tượng cũng như khái niệm về song Hồng, thậm chí song Đanuýp ở châu Âu hay song Nin ở Ai Cập.

Ngoài tác dụng chính như đã nói ở trên, việc khảo sát địa phương còn tập dượt cho học sinh làm quen với công tác nghiên cứu khoa học của môn Địa lí. Những bước tiến hành, những kết luận rút ra đều có giá trị rèn luyện cho các em về mặt phương pháp nghiên cứu và góp phần phát triển tư duy khoa học. Nó cũng tạo điều kiện cho học sinh hiểu rõ thực tế địa phương (những khó khăn và thuận lợi), có dịp tham gia lao động xây dựng địa phương, qua đó bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Chính vì vậy, trong chương trình Địa lí ở một số nước (ví dụ như Liên Xô trước đây), khảo sát địa phương được coi là một hình thức dạy học nội khoá bắt buộc. (Trong chương trình Địa lí cấp II của ta trước đây, tuy cũng có đề mục: Khảo sát địa phương, nhưng do quỹ thời gian eo hẹp, nên phần này chưa được coi là nội khoá). Một điều cần chú ý về nội dung của công tác khảo sát địa phương là : khái niệm “địa phương” ở đây có thể hiểu là khu vực ở ngay xung quanh nơi trường đóng nhưng cũng có thể hiểu là đơn vị lãnh thổ hành chính (xã, huyện, tỉnh) trong đó có địa điểm trường đóng. Thực ra, hai cách hiểu này không có gì mâu thuẫn nhau. Chỗ khác nhau chỉ là về phạm vi rộng hẹp của lãnh thổ, gọi là địa phương.

Trong công tác khảo sát địa phương, chúng ta có thể hiểu khái niệm địa phương theo cả hai nghĩa trên. Như vậy, việc tiến hành công tác khảo sát địa phương trong nhà trường có ý nghĩa rất lớn về mặt giáo dục. Qua công tác này, không những việc dạy tri thức, giáo dục tư tưởng cho học sinh được tăng cường mà nhà trường cũng thực hiện được nguyên tắc: “học đi đôi với hành, lí thuyết gắn liền với thực tiễn”. Để thực hiện được tốt công tác khảo sát địa phương, giáo viên cần:

Nghiên cứu, nắm vững những điều kiện địa lí của địa phương về mặt tự nhiên, xã hội, đặc điểm phát triển kinh tế, các nhành kinh tế v.v…

Biết hướng dẫn học sinh cách vận dụng những tri thực địa lí đã học (kiến thức, kĩ năng) vào việc khảo sát địa phương và đặc biệt là biết khai thác những tài liệu về Địa lí địa phương để phục vụ cho việc giảng dạy. Qua kinh nghiệm thực tế, công tác khảo sát địa phương có thể được tiến hành dưới các hình thức sau: - Tổ chức các buổi đi khảo sát tập trung cho tất cả học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

- Giao các đề tài khảo sát cho học sinh như nhũng bài tập dài hạn, để sau đó học sinh tự tổ chức, làm theo nhóm hoặc theo tổ trong một thời gian nhất định.

Trong quá trình thực hiện, giáo viên nên thường xuyên hướng dẫn và gợi ý. Hình thức khảo sát tập trung chỉ nên làm một năm hai lần (theo học kì).

Như đã nói ở trên, khảo sát địa phương là một hình thức rèn luyện cho học sinh làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, vì vậy học sinh bước đầu phải tập vận dụng một số phương pháp nghiên cứu của môn Địa lí như: phương pháp thực địa, phương pháp điều tra, tìm hiểu qua nhân dân địa phương, phương pháp nghe báo cáo, phương pháp nghiên cứu số liệu, tài liệu tham khảo v.v…

Muốn có kết quả tốt, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo các từ việc xác định mục đích, yêu cầu đến nội dung cũng như khâu tổ chức thực hiện. Mỗi nhóm hoặc tổ học sinh chỉ nên từ bốn đến năm người, trong đó có một nhóm trưởng hoặc tổ trưởng được lựa chọn trong số những học sinh khá, tích cực, có tinh thần trách nhiệm để hướng dẫn, đôn đốc các thành viên trong nhóm hoàn thành đề tài được giao.

Ở các lớp học sinh nhỏ tuổi, việc hướng dẫn của giáo viên cần tỉ mỉ từng khâu, từng bước, nhất là việc rút ra những kết luận cần thiết. Còn ở các lớp lớn tuổi (PTTH) thì giáo viên có thể chỉ giữ vai trò hướng dẫn, điều khiển. Học sinh phải tự phát huy tính độc lập của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu Lí luận dạy học Địa lí (Trang 47)