Nội dung giáo dục mà nhà trường có nhiệm vụ trau dồi cho học sinh được gắn liền với nội dung kiến thức khoa học dạy trong nhà trường. Nếu người giáo viên có ý thức đối với trách nhiệm giáo dục của mình thì việc dạy những kiến thức khoa học, những quy luật v.v…sẽ trở thành niềm tin, thành thế giới quan, thành những tình cảm, đạo đức cách mạng.
Mỗi môn học trong nhà trường phổ thông đều có nội dung giáo dục phong phú do đặc trưng của môn học quyết định. Nội dung giáo dục của môn Địa líđược thể hiện trong các mặt sau:
+ Bồi dưỡng cho học sinhthế giới quan duy vật biện chứng.
Nhiệm vụ của môn Địa lí ở trường phổ thông là cung cấp cho học sinh bức tranh về tự nhiên được coi như một thể thống nhất, hoàn chỉnh về hoạt động sản xuất của con người, trong mối liên hệ với tự nhiên. Trong quá trình lĩnh hội những tri thức địa lí, dưới sự chỉ dẫn của giáo viên, học sinh phải luôn luôn phân tích những mối quan hệ nhân quả, giữa các hiện tượng tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội, giữa các yếu tố thành phần của tự nhiên, giữa tự nhiên và các hoạt động sản xuất của xã hội. Từ những phân tích trên, qua quá trình học tập từng năm, giáo viên sẽ giúp cho học sinh khái quát hoá và hệ thống hoá những kiến thức khoa học đã lĩnh hội, củng cố nhận thức của họ về tính khách quan của các hiện tượng tự nhiên và xã hội, về mối liên hệ phổ biến giữa các hiện tượng tự nhiên, kinh tế - xã hội và về sự vận động không ngừng của các sự vật.
Nhận thức đó đươc học sinh rút ra từ nội dung học tập Địa lí, dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ dần dần trở thành niềm tin và thế giới quan cho học sinh.
+ Bồi dưỡng cho học sinh phẩm chất, đạo đức của người công dân tốt, người lao động mới.
Phẩm chất đầu tiên cần bồi dưỡng cho học sinh là lòng yêu Tổ quốc. Các giáo trình Địa lí tự nhiên và kinh tế - xã hội có nhiều khả năng về mặt này. Lòng yêu Tổ quốc mà chúng ta giáo dục cho học sinh không phải là lòng yêu nước chung chung mà nó phải thể hiện từng bước một cách cụ thể long say mê học tập, nắm vững tri thức, ở ý thức lao động xây dựng trường, lớp, ở tinh thần tham gia các hoạt động xã hội, ở ý thức bảo vệ môi trường, ở thái độ trách nhiệm trước tình hình dân số nước ta hiện nay, ở sự hiểu biết nhiệm vụ của người công dân trong đời sống xã hội sau khi rời ghế nhà trường v.v…
Phẩm chất thứ hai mà môn Địa lí có khả năng bồi dưỡng cho học sinh là tinh thần đoàn kết, bình đẳng và tôn trọng con người, tôn trọng các dân tộc khác trên đất nước mình và trên thế giới. Qua giáo trình Địa lí các nước, học sinh sẽ hiểu được đời sống kinh tế, xã hội, chính trị của dân tộc, của nhân dân các nước khác nhau. Các em sẽ hiểu tại sao trên thế giới hiện nay lại có nước giàu, nước nghèo, tại sao nhân dân ở đa số các nước đang phát triển vẫn có nhiều khó khăn, gian khổ trong công cuộc xây dựng đất nước v.v… Từ thực tế đó, các em sẽ cảm phục tinh thần lao động, bất chấp gian khổ trong đấu tranh với thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân ta, cũng như của nhân dân các nuớc khác trên thế giới.