6. Đóng góp của luận văn
3.2.3.1. Những con người mang chấn thương tinh thần
Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có một số mang trong mình những chấn thương tâm hồn, những di chứng tinh thần do gặp phải những tai ương, dối trá, mất mát trong cuộc sống. Những vết thương ấy mãi không liền da mà hằng ngày nhức nhối, gặm nhấm đã bào mòn, hủy hoại cuộc sống hiện tại của họ, khiến những người xung quanh họ cũng phải gánh chịu những đau khổ, bất hạnh do chấn thương đó gây ra.
Họ vốn là những con người chung thủy, tốt bụng, tử tế nhưng lại bị bội tình. Một số trong đó, nếu không phản ứng tiêu cực thì gần như trở nên lãnh cảm, không còn có khả năng tiếp nhận tình yêu thương của người khác, còn số khác thì tìm cách trả thù bằng cách tự hủy hoại cuộc sống của mình.
Với Trọng trong truyện ngắn Một mối tình thì từ khi Ái bỏ đi, anh không còn
chú ý đến ai được nữa, không phải anh không biết tình cảm của người em dì (nhân vật Tôi) nhưng dường như nỗi đau mà người vợ bội phản gây ra đã khiến anh tê liệt cảm xúc. Làm sao anh có thể tiếp nhận một người phụ nữ khác khi hình bóng người cũ vẫn còn nguyên, khi anh vẫn còn hi vọng Ái sẽ quay trở về: “mười năm, kể từ ngày chị Ái tôi bỏ Trọng đi, Trọng vẫn giữ nguyên cái khăn choàng tắm treo đầu sào, chiếc nón lá quai nhung đã ngả màu thâm sì, cũ mèm, giữ cây lược sừng đã gãy mất mấy cái răng với cái kiếng soi để ở đầu giường như thể chị Hai tôi vẫn còn
ở đâu đây, như thể chút nữa khi tắm xong, chị sẽ bước vào, chải đầu, rồi vừa nghiêng đầu, vừa quạt hong khô tóc”. Thế nên “Tôi” cứ đau đáu, khắc khoải, mòn mỏi chờ mà không thể có một cơ hội nào chen vào được trái tim của con người nặng tình ấy: “anh có nhớ chị Hai thì cũng vậy thôi, người vẫn chưa về, thử thương tôi đi… Sau này, chị Hai có về, tôi sẽ trao anh lại, như ngày xưa vậy, tôi làm cũng được lắm mà, gọn bân chớ gì. Mà, trời ơi, Trọng ác với tôi chi vậy, sao bắt tôi phải kìm lòng không được để nói ra, nhìn tôi mà không hiểu à?”.
Chiều vắng cũng có cùng một kiểu nhân vật như thế. Dì Ba Thu Lê là vợ của Tư
Nhớ, bị mẹ phản đối, tìm mọi cách khiến dì bỏ chồng quay về nhà mẹ, đứa con cũng mất, sau dì lấy chồng và ra nước ngoài sống nhưng không có con, cũng không về nữa. Tư Nhớ hận mẹ vợ, không thèm nhìn mặt bà vì nhìn bà, cậu “nhớ một mái ấm đã bị tước đoạt của mình”: “Hồi bà Hai còn sống, ra đường chạm mặt, tránh không được, cậu mới mở miệng, giọng có một chút hằn học, một chút chua xót, một chút mỉa mai : "thưa má !", rồi cậu cun cút đi thẳng. Những chiều ngang qua nhà, thấy bà Hai bắc cái ghế ngồi ngoài hàng ba là cậu cởi quần dài, tụt xuống mé kinh, lội qua khỏi đoạn đó mới ngoi ngóp lên bờ”. Tư Nhớ vẫn thương nhớ người vợ đã bỏ đi nên lạnh nhạt với tình cảm của dì Út Thu Lý, dù dì hết lòng muốn bồi đắp tình cảm cho cậu: “khi gặp nhau, lòng người này chỉ toàn những oán giận, những nỗi đau, còn người kia tràn đầy niềm yêu thương vô vọng”. Cậu giữ nguyên những đồ vật trong nhà: “chiếc quai nón bằng vải nhung đã phai màu treo ở đầu giường, cái áo bà ba màu bông cà bọc trong bọc nilong treo trên vách cùng với chiếc cặp đỏ bằng nỉ” như thể Thu Lê vẫn ở đó dù đã hơn hai mươi năm rồi. Để cuối cùng thì cả ba người cũng được gặp lại nhau, nhưng gặp lại nhau để làm gì khi tuổi xuân đã trôi qua rồi và lòng thì tràn đầy thất vọng vì cố nhân giờ đã khác? Thật khó để biết những truyện ngắn trên là nỗi ngậm ngùi hay niềm ai oán, trách móc những ai quá nặng lòng với những gì quá vãng, quá day dứt bởi yêu và hận nên đã vô tình phụ những tấm lòng đầy ân tình vẫn ngày ngày mỏi mê đợi chờ trong khắc khoải vô vọng?
Hậu trong truyện ngắn Một trái tim khô cũng vậy. Chị ôm trong lòng một vết
thương không bao giờ lành lại dù vết thương trên da thịt đã thành sẹo. Hai người đàn ông chị yêu thương, chồng và Nhâm, mỗi người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã gây nên vết thương ấy, khiến trái tim Hậu “đã chết ngoẻo cù nèo”, trái tim đã “lặng
như tờ” [67, 149] không còn có thể tiếp tục yêu thương được nữa, bởi vết sẹo có
thật trên da thịt sẽ nhắc nhớ đến vết sẹo trong trái tim bị phụ tình. Chồng Hậu thuê Nhâm giết Hậu, vô tình Hậu và Nhâm gặp lại nhau, có tình cảm với nhau, dù Nhâm làm điều ác do quẫn trí vì con gái ốm, nhưng sẽ thế nào nếu họ nhớ ra đã gặp nhau một lần trước đây trong cái vệt sắc lạnh lóe lên của con dao ở cua Bún Bò? Nên cuối cùng Hậu vẫn ôm một trái tim khô với vết thương chẳng bao giờ liền…
Trong Cánh đồng bất tận, Út Vũ cũng là một kiểu người bị phụ bạc, vợ bỏ nhà theo trai. Nhưng Út Vũ không giống như Trọng hay Tư Nhớ - những người dù bị phụ bạc vẫn hết lòng chung thủy, vẫn thương nhớ người đã đi, không thể mở rộng vòng tay cho một người đàn bà khác. Út Vũ lao vào các cuộc tình ngắn ngủi, kéo những người đàn bà cả tin đến với mình để thỏa mãn bản năng rồi ném trả họ lên bờ không thương tiếc, như để trả thù đời, nhằm lấp đầy vết thương sâu hoắm mà người vợ để lại trong trái tim thương tổn của mình. Nhưng vết thương lòng ấy cứ rộng hoác mãi ra, không gì hàn gắn được: “xanh xao, lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn…
cha giống như con thú trở về tổ sau khi no mồi. Con thú nằm mơ màng nhấm nháp lại hương vị của miếng mồi và ngẫm thòm thèm con mồi kế tiếp. Có lúc sự vật lộn làm vết thương cũ của con thú đau, nó lấm láp vết máu và hãi hùng nhận ra nỗi đau ấy cứ rộng thêm ra” [67, 189]. Người đàn ông đó đánh mất cơ hội trở lại làm một
người bình thường, thậm chí còn tước đoạt quyền được sống bình thường, quyền được yêu thương của những đứa con ông chỉ vì tội lỗi của người vợ. Khi những cảm giác, nỗi đau, tình yêu thương quay trở lại với Út Vũ thì những người thân yêu của ông đã phải chịu bao mất mát, thiệt thòi.
Một kiểu người mang chấn thương tinh thần nữa là những người chịu nhiều mất mát trong cuộc sống đến mức không còn tìm thấy mục đích sống đích thực của cuộc đời mình, sống vô nghĩa, vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Quá khứ với họ
là những mảnh vỡ nên đã biến hiện tại thành một cuộc mộng du. Như Vĩnh (Sầu
trên đỉnh Puvan) đã tự kết liễu cuộc sống của mình sau một chuỗi những ngày dài
sống vô nghĩa với rượu và gái đẹp, chẳng có gì để chờ đợi ngoài những bông sầu trên đỉnh Puvan, bởi Vĩnh luôn bị ám ảnh bởi quá khứ: tất cả những người thân của anh đã chết trong bom đạn, Lam - mối tình đầu tươi đẹp của anh cũng chết đuối ngay trước mắt anh mà anh không thể làm được gì. Như nhân vật Gã trong Gió lẻ,
cũng chìm đắm trong các cuộc tình một đêm, không muốn gắn bó với ai, giũ bỏ những người phụ nữ nào bước qua giao ước - yêu gã - vì những nỗi đau trong quá khứ: cả gia đình vượt biên bỏ lại gã bơ vơ khi mới tám tuổi, vợ con chết ngay trước mắt gã… Nỗi đau khiến gã chỉ còn biết đến những con đường và trong từ điển cuộc đời gã “không có chữ về nhà… cũng như gửi thư, mua quà, nhà bếp, sinh nhật…” [69, 156].
Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư cũng không quên những con người vẫn mang những di chứng trong tâm hồn do chiến tranh gây ra. Là dì Thấm trong Mối tình năm cũ vẫn đau, vẫn khóc, vẫn tủi khi nhớ về người chồng cũ đã hi sinh trong chiến tranh. Là người bà trong Vết chim trời vẫn luôn bị ám ảnh bởi một hình ảnh trong tưởng tượng: hai đứa con trai của mình ở hai đầu chiến tuyến đã bắn nhầm nhau. Cơn mê sảng, sự tưởng tượng trong một thoáng lẫn cẫn nào đó của bà cụ đã làm đau lòng những người đang sống, đang tỉnh táo bởi sự nghi ngờ, dằn vặt khôn nguôi.
Một kiểu nhân vật được lặp lại nhiều lần trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là những đứa trẻ bơ vơ do cha mẹ bỏ nhau, hoặc những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề khi phải tận mắt chứng kiến sự độc ác, giả dối, phản trắc, vô đạo đức của người lớn. Chúng lớn lên với một tâm hồn què quặt, khó có hạnh phúc vì những ám ảnh quá khứ luôn vây bủa, bóp nghẹt. Những đứa trẻ đó là Nương, là Điền trong
Cánh đồng bất tận. Chúng tận mắt chứng kiến “trên chiếc giường tre quen thuộc,
má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi” [67, 169], tận mắt
những cuộc tình chóng vánh và sự phụ bạc của cha, chịu những trận đòn của cha chỉ vì giống má… tất cả đã khiến chúng có một cái nhìn lệch lạc về tình yêu, tình dục; một tâm hồn cô đơn thăm thẳm, đầy thù hận. Những đứa trẻ đó là “Em”, là thằng
Sói trong Ấu thơ tươi đẹp. Cha mẹ li hôn, bị đẩy qua đẩy lại giữa cha và mẹ, dần biến tâm hồn thơ ngây của chúng trở nên thù hận, cô đơn. Cuối cùng chúng tự chọn cho mình sự giải thoát: đứa tự tử, đứa bỏ đi. Hay như Vĩnh trong Núi lở, tận mắt chứng kiến bố mẹ kiếm tiền bằng cách nhơ bẩn và bỏ rơi ông nội khi hoạn nạn đã khiến cho Vĩnh không sao thoát khỏi ám ảnh, ngay cả khi đã lớn, nỗi đau ấy chưa khi nào khiến Vĩnh có được sự bình yên… Lí giải về sức phá hủy tâm hồn người của những chấn thương tâm lý này, Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: những đứa trẻ đó
“lên chín, mười, có thể ít tuổi hơn nữa. Quãng tuổi đó, có quá nhiều điều nó chưa hiểu nên sẽ đau lâu, nhớ lâu những biến cố của cuộc đời” [69, 76].
Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư đã rất thành công khi miêu tả, phân tích tâm lí dạng nhân vật trên một cách tinh tế, sâu sắc. Qua đó ta thấy được nỗi trăn trở, day dứt của nhà văn trước số phận bi kịch của con người.