Cốt truyện phi truyền thống

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 35)

6. Đóng góp của luận văn

2.2.2. Cốt truyện phi truyền thống

Khái niệm cốt truyện phi truyền thống (truyện không có cốt truyện) mang tính ước lệ và quy ước cao, đánh dấu sự cách tân nghệ thuật lớn của các nhà văn hiện đại ở lĩnh vực tự sự học. Cốt truyện phi truyền thống tức là không còn giữ đủ năm thành phần cốt truyện như truyện truyền thống. Ở loại truyện này, nội dung của nó

chỉ được cảm nhận trực tiếp khi tiếp xúc với tác phẩm mà không (khó) có thể kể lại được vì cốt truyện không thật tiêu biểu, nếu có thì đó là “cốt truyện bên trong”, “cốt truyện tâm lý”, nhằm diễn tả những tâm trạng điển hình của nhân vật. Có quan niệm cho rằng những truyện ngắn dạng này gần với thơ, đọc loại tác phẩm này ta chỉ “cảm” được cuộc sống hơn là “biết” nó. Vì yếu tố tự sự (kể) trong những truyện này giảm dần và yếu tố biểu hiện, tả tăng lên, chúng được xếp vào phạm trù “tự sự - trữ tình” (phối hợp hài hòa giữa kể chuyện và biểu hiện cảm xúc). Ở những truyện ngắn này, chi tiết và sự kiện lên ngôi, thậm chí không cần sự kiện mà chỉ còn là ngôn ngữ, là cách hành văn, là “bóng chữ” chứ không phải là chữ. Viết theo dòng suy tưởng hoặc theo lối phân mảnh, rời rạc, lộn xộn một cách có chủ ý, hướng về những cảm nhận riêng tư, những uẩn khúc, dồn nén, buông thả của nội tâm, tiềm thức, dục tính… Nhân vật không còn có thể hình dung hay “sờ mó” như kiểu Chí Phèo của Nam Cao, không tuân theo logic thông thường. Truyện đôi khi chỉ gồm một sự việc gì đó rất nhỏ bé, bình thường, đời thường, không có xung đột gay cấn, căng thẳng nhưng với những suy tư, chiêm nghiệm của tác giả vấn đề trong tác phẩm lại trở nên sâu sắc, ám ảnh người đọc bởi ý nghĩa nhân sinh hàm chứa trong đó. Truyện cũng có khi chỉ là dòng tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật với những biến thái tinh vi, phức tạp của nó trước một sự việc, hành động nào đó. Ở loại truyện này, các sự kiện quan trọng được lược bỏ tối đa, không chú trọng miêu tả hành động hay sự phát triển tính cách nhân vật mà chủ yếu trình bày những suy ngẫm, cảm nhận của nhân vật về thế giới xung quanh với đời sống nội tâm phong phú, vi diệu. Các nhà văn dường chỉ chớp lấy một khoảnh khắc đặc biệt nào đó của cuộc sống, bỏ qua sự phát triển cốt truyện, tính cách, con đường đời nhân vật. Trong những truyện ngắn này, yếu tố tự sự và trữ tình được đan cài với nhau hết sức khéo léo. Cấu trúc truyện lỏng lẻo - sự lỏng lẻo cố ý để làm cho truyện co dãn linh hoạt phù hợp với việc thể hiện các sắc thái tâm lí, tình cảm con người trong các trạng huống hết sức khác nhau. Lại có truyện được viết theo phương pháp dòng ý thức, tất cả có vẻ như trôi nổi, đứt đoạn, nhiều khúc gãy, thậm chí phi lý. Vì sự lỏng lẻo cố ý của tác giả mà người đọc phải quan tâm hơn đến văn bản, đến mạch ngầm của nó. Mỗi truyện như là dòng

suy tư, chiêm nghiệm đời sống của nhà văn, vì thế cần một lối kể chuyện tự do. Nhà văn Pautốpxki từng nhấn mạnh: “Đây không phải là các truyện ngắn với ý nghĩa nghiêm túc của mấy chữ ấy… Đơn giản đây là bản ghi những suy nghĩ của tác giả, những cuộc nói chuyện với bạn bè”. Vì thế trong loại truyện này có thể có nhiều đường dây rẽ ngang, nhiều chủ đề phụ, nhiều liên tưởng, nhiều trữ tình phụ đề, sự thụ cảm thiên nhiên trong toàn bộ tác phẩm là một đặc điểm trong cách miêu tả của nhà văn. Truyện được hình thành và tạo nghĩa bởi thái độ, ý thức và tâm lý của người kể chuyện, các chi tiết trong truyện được lấy không phải từ hiện thực bên ngoài mà là từ những ấn tượng được tạo nên bởi các sự kiện trong tâm trí của nhân vật. Để viết được loại truyện ngắn này, đòi hỏi các nhà văn phải thật sự tài năng để biến những truyện-chẳng-có-gì thành những câu chuyện hấp dẫn, gợi nhiều suy tưởng; nhưng nếu non tay, thiếu đi chiều sâu trí tuệ, xúc cảm nó sẽ trở thành truyện- chẳng-ra-gì vì chỉ là những mẩu chuyện vụn vặt của cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tập Trang giấy trước đèn đã chỉ ra đặc tính của loại truyện này như sau: “Có những người viết truyện ngắn sau khi đã diễn tả cái diễn biến bên ngoài, hoặc tả hết sức tiết kiệm mà chỉ chuyện chú vào cái bên trong, vào cái mà nhân vật thu nhận được ở bên trong tâm hồn họ, bằng những câu đối thoại, bằng những phản ứng tâm lý rất tinh tế. Vì thế đã đẻ ra một loại truyện ngắn mà ta thường gọi là truyện ngắn không có chuyện. Chẳng qua chỉ là một thủ đoạn văn học cốt để nhân vật và phần nội tâm của nhân vật trực tiếp tiếp xúc với người đọc”.

Những truyện ngắn có cốt truyện phi truyền thống thực ra không mới. Các nhà văn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã thử nghiệm và thành công với loại truyện ngắn phi cốt truyện này, tiêu biểu như Nam Cao, Thạch Lam. Tiếp đến là Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu, Nguyễn Bản, Lý Biên Cương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hồng Nhu…

Hiện nay, những truyện ngắn phi cốt truyện ngày càng được ưa chuộng, cả với người viết lẫn người đọc. Loại truyện ngắn này ta bắt gặp nhiều trong sáng tác của hầu hết các cây bút trẻ hiện nay: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Thiều Quang… Với thói quen thưởng thức và lối sống vội vã thời hiện đại, người ta

dường như ít kiên nhẫn dõi theo những bước phát triển gấp gáp, căng thẳng của xung đột truyện với những vấn đề lớn lao, vĩ mô, đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn, “đau đầu” hơn. Họ thích những gì đời thường hơn, những gì vốn có ở khắp xung quanh mình, đem đến những sự suy tư nhẹ nhàng, những chiêm nghiệm mới mẻ rồi quên ngay, để lại hối hả với cuộc sống đang cuộn cuộn chảy ngoài kia. Khi văn học mạng ngày càng phát triển thì những truyện ngắn không có cốt truyện nhẹ nhàng như những entry ngập tràn trên các blog lại cũng càng được ưa chuộng bởi chiều sâu suy tư triết lí trong đó. Khi thế giới xung quanh không có nhiều điều mới mẻ thì thế giới tâm hồn con người với những tầng vỉa sâu kín vẫn luôn hấp dẫn người ta tìm tòi, khai phá và khi phát hiện ra rồi người ta vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi biết bao những khía cạnh lung linh chưa được nhận ra trong đó.

Sở trường của Nguyễn Ngọc Tư là truyện ngắn tâm lý và tạp văn. Sở trường này cũng phù hợp với thiên hướng giới tính. Nhà nghiên cứu Phương Lựu trong bài viết

Suy nghĩ về đặc điểm của nữ văn sỹ đã dẫn ra một nhận định khá lí thú: một số nhà

giải phẫu học đã chứng minh được rằng nữ giới thường tư duy thiên về phía bán cầu não bên trái, tức là bộ phận nặng về tình cảm, tưởng tượng và hồi tưởng, vì thế phụ nữ thường bị cảm xúc lấn át, thiên về hướng nội hơn hướng ngoại, điều này ít nhiều cũng chi phối đến tư duy nghệ thuật cũng như cách thức triển khai và thể hiện ý tưởng trong mỗi tác phẩm của các cây bút nữ. Trên thực tế, kiểu cốt truyện tâm lý đã được nhiều cây bút nữ sử dụng trong sáng tác, theo đó các tác giả có điều kiện đi sâu vào khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật, nhất là nhân vật nữ. Điều này cũng đúng với Nguyễn Ngọc Tư.

Đôi khi chúng tôi nhận thấy những tạp văn và truyện ngắn của chị không khác nhau là mấy, chúng đều đề cập đến những câu chuyện đời thường nhỏ bé, vụn vặt, hoặc một mảnh tâm trạng, suy cảm của nhân vật trước một hiện tượng nào đó của đời sống thường nhật. Sức thu hút, hấp dẫn của những câu chuyện này chính là sự giản dị, sâu sắc của vấn đề được đặt ra trong đó, những trạng thái, suy cảm mà mỗi chúng ta có thể đã có nhưng lại chưa bao giờ nói ra được một cách rõ ràng, sắc sảo như Nguyễn Ngọc Tư, nên chúng ta ngạc nhiên, yêu thích là vì thế.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 35)