6. Đóng góp của luận văn
4.2.2.1. Giọng điệu trong trẻo, hồn hậu
Ở những tập truyện ngắn đầu tay như Ngọn đèn không tắt và Giao thừa, ta thấy giọng điệu đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư là giọng trong trẻo, hồn hậu của một tâm hồn tuổi trẻ còn nhiều lạc quan, tin tưởng vào cuộc đời và con người. Chính Nguyễn Ngọc Tư cũng tự nhận như thế. Về sau chị cho rằng mình không còn có thể viết được những cái “đèm đẹp, buồn buồn và hồn nhiên” như thời kì đầu được nữa. Thậm chí đến “hai mươi bảy tuổi vẫn yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về người tốt” [11] nhưng từ sau Cánh đồng bất tận ta thấy cách nhìn của Nguyễn Ngọc Tư về cuộc
đời và con người có chút đổi khác.
Sự trong trẻo, hồn hậu trong văn Nguyễn Ngọc Tư thời kì đầu có thể thấy ngay trong cách xây dựng hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả. Trong Ngọn đèn
không tắt và Giao thừa ta ít gặp người xấu và các câu chuyện hầu như đều kết thúc
có hậu, kết thúc bi kịch ít có, nếu có cũng không gợi cảm giác bi lụy, day dứt đến xót xa, chán nản như sau này.
Đó là thế giới của những người tốt, thậm chí tốt đến mức khó tin. Những người đàn ông như Lương (Bến đò xóm Miễu), Quý (Giao thừa) đều nhân hậu, vị tha khi đón nhận những người con gái đã từng lầm lỡ như Bông, như Đậm và những mối tình của họ, như kết thúc trong tác phẩm, đều là hạnh phúc, yêu thương. Ở đó cũng có những con người hết lòng hi sinh cho người mình yêu thương mà không đòi hỏi, toan tính gì, khiến ta thấy tin tưởng, yêu đời hơn khi trên đời vẫn còn có những con người như thế, một tình yêu như thế: Phi (Lý con sáo sang sông), “Tôi” (Một mối
tình), Sáu Tâm (Bởi yêu thương)… Và còn có những con người nhân hậu, luôn sẵn
sàng giúp đỡ người khác, sống trọn nghĩa vẹn tình: Diệu, Lành (Làm mẹ), Điệp (Chuyện của Điệp), Sáng (Lý con sáo sang sông)…
Thế giới trong trẻo, hồn hậu ấy cũng ít có người xấu, nếu có thì dường như trong cái nhìn của tác giả, họ đều có khả năng phục thiện, bởi bản chất của họ là tốt, quá
khứ của họ nói lên điều ấy. Là Miên trong Cỏ xanh, một cô gái bán bia ôm, hay say rượu, đánh lộn, bị phạt lao động công ích đã khóc và rời bỏ nơi cũ khi được nghe những lời động viên trìu mến của Kiên - một người đã nhận lầm Miên là bạn thời niên thiếu. Là ông Tư Đờ, một người đã kinh qua lửa đạn chiến tranh, nhưng trong kinh doanh thì “công ty ông ta thâm hụt mấy tỉ mà ổng thì một ngày một giàu” khiến cho những người bạn cùng chiến đấu cũ với ông cảm thấy hụt hẫng, phải tìm đến tận nơi để hỏi cho ra lẽ. Ở đó con người không dửng dưng, đồng lõa với cái xấu, cái ác mà họ đấu tranh với nó. Nhân vật Tôi trong Ngổn ngang đã dám tát Bảo vì anh ta ăn bớt vật liệu xây dựng và thuê lao động không đóng bảo hiểm cho rẻ dẫn đến cái chết tức tưởi của một người làm thuê. Ở đó, cái ác, cái xấu vẫn khiến người ta ngạc nhiên, bàng hoàng, đau đớn, xót xa chứ chưa vô cảm. Và ở đó chính sự vô cảm mới là cái xấu: “Thôi, buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ con trẻ trai mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này” (Nỗi
buồn rất lạ).
Ở mỗi trang văn của mình, Nguyễn Ngọc Tư hiện ra là một con người nhẹ nhàng, kín đáo mà sâu sắc. Chị không viết bằng lời chua chát, đao to búa lớn mà bằng lời thủ thỉ, tâm tình cứ lôi cuốn người đọc đi đến hết khung cảnh này đến số phận khác mà người đọc cũng không hay biết. Một lối kể chuyện nhẹ nhàng, thấm thía mà lại rất có duyên. Thủ thỉ tâm tình nên trước các sự kiện, các hiện tượng tiêu cực cũng được miêu tả với thái độ điềm tĩnh, nhẹ nhàng:
“Kẹt quá chú ơi, bữa nay chủ tịch phải dự triển khai gì đó, chú hẹn cuối giờ chiều. Chủ tịch dặn mấy chú vô Ủy ban ngồi nghỉ đỡ.
Và Ba Già, trưởng đoàn Trảng Cò, ông già có khuôn mặt khắc khổ, nhăn nhó nhất, mạnh giỏi nhất, ăn nói có vẻ trơn tru bỗng dưng hức lên khóc ngon lành:
Vậy là đất Trảng Cò trễ thêm một mùa nữa rồi mấy chú ơi.” [66, 39].
Ngôn ngữ trong những truyện ngắn này mang đậm tính khẩu ngữ, phương ngữ, chân phương, mộc mạc, gần gũi với người quê và tình quê với những chế, má, tụi bây, ủa, bi nhiêu, thiệt tình, lãng xẹt, hà, như vầy nè… Các câu chuyện đều đơn giản, cách kể cũng đơn giản, có gì nói nấy, thường thuận chiều thời gian, các nhân
vật cũng có tính cách đơn giản, ít hành động, tâm lí cũng không quá phức tạp… tạo nên những câu chuyện nhẹ nhàng, đọc xong thấy nhẹ nhõm, thanh thản chứ không trĩu nặng đau đớn như những truyện ngắn về sau của Nguyễn Ngọc Tư.
Tôi thích một Nguyễn Ngọc Tư như thế, nói những câu chuyện đơn giản như cuộc sống hàng ngày, những câu chuyện, sự việc nhỏ bé ít người để ý nhưng khi chị viết lên người ta vẫn thấy ngỡ ngàng bởi cái nhìn hồn hậu của một tâm hồn trẻ đầy tin yêu, lạc quan. Khi văn trẻ đầy rẫy những đề tài gai góc, nhức nhối hay nhạy cảm thì Nguyễn Ngọc Tư có riêng một lối đi cho mình: “Nguyễn Ngọc Tư có một lối viết văn tự nhiên, không màu mè, không gượng ép, không làm dáng như những người hay quen thói khoe chữ theo khuynh hướng gọi là “hiện đại” để tỏ ra mình “tinh tế” [32].
Nguyễn Ngọc Tư có giọng văn giàu nữ tính, thủ thỉ tâm tình những chuyện nhân, chuyện nghĩa ở đời. Trong khi hầu hết các nhà văn trẻ cố mài giũa để có được giọng văn chững chạc, có phần quyết liệt, triết lí cay nghiệt trước cuộc đời thì Nguyễn Ngọc Tư lại chọn cho mình một giọng văn khá truyền thống nhưng vẫn hấp dẫn người đọc.