Nhiều địa danh gợi đặc trưng miền sông nước Nam Bộ

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 103)

6. Đóng góp của luận văn

4.1.1.3. Nhiều địa danh gợi đặc trưng miền sông nước Nam Bộ

Chất Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư không chỉ được gợi lên từ những tên người, cách nói của con người nơi đây mà nó còn hiện lên qua tên các địa danh đặc trưng cho miền sông nước Nam Bộ. Là những tên sông, tên vàm, tên kinh, rạch chằng chịt: sông Cái Lớn, sông Bìm Bịp, sông Ba Bẩy, vàm Cỏ Xước, Vàm Mấm, Vàm Lẽo, kinh Cỏ Chát, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao, mũi So Le, Vịnh Dừa… Những tên làng, tên ấp, tên chợ nghe đã thấy Nam Bộ: ngã ba Vàm, ngã ba Sương, xóm Xẻo, xóm Bàu Sen, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, xã Xiệu, chợ Ba Bảy Chín, Chợ Cỏ, chợ Hội, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Cỏ Cháy, Đập Sậy, Đập Bàu Mốp, Đầm Sầu, Mút Cà Tha, Chây Khô, Giồng Mới …

Cùng với đó là một loạt những từ chỉ địa hình, sản vật gắn liền với một vùng sông nước: “áo bà ba, bà chằn, bình bát, bông, bông súng, bông trang, cà ràng, cải lương, cây còng, cây tra, chàng tằm, chợ nổi, cò cò, dây thun, dừa nước, đất nẻ, đậu hũ, đậu phộng, chong đèn, đờn, đùng đình, hàng bông, hàng lơn, hột, kinh, lồng đèn, lức dại, mẻ ung, mền, miệt, mồng gà, mùng, nạng thun…” [58, 1].

Đó là một không gian Nam Bộ phóng khoáng, rộng rãi, thơ mộng và quyến rũ đến lạ lẫm, hấp dẫn đến say mê với những người đọc chưa bao giờ được chạm chân lên mảnh đất này, với những bờ kênh, con rạch, miệt vườn, những cù lao xanh hút tầm mắt và những thú vui điền dã mang đậm đặc trưng vùng miền. Nó đã bắt nguồn từ rất lâu trong văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, rồi đến Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng… và tới những Trang Thế Hy, Mạc Can, Nguyễn Thị Diệp Mai, Trầm Nguyên Ý Anh… tất nhiên cả Nguyễn Ngọc Tư nữa, nhưng vẫn đầy mới mẻ, nguyên sơ. Viết về đất và người Nam Bộ cũng là cái say mê của Nguyễn Ngọc Tư: “Đất và người ở đây luôn làm tôi thấy mới mẻ hoài” [73, 1]. Tuy vậy, việc sử dụng nhiều từ địa phương, thổ ngữ khi sáng tác cũng tạo ra những ý kiến trái chiều, có người cho rằng điều này sẽ gây trở ngại cho người đọc, hạn chế độc giả. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng như thế là “lạm dụng từ ngữ địa phương”, hay “Nguyễn Ngọc Tư còn thiếu sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, kĩ lưỡng đối với câu chữ” [54, 134]. Có người thì thích thú với điều này, coi đó là bản sắc riêng, đặc sản của Nam Bộ. Trả lời về việc này, Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: “Tôi không cố ý sử dụng nhiều những phương ngữ, từ địa phương. Tôi viết như vậy vì chỉ có ngôn ngữ ấy mới giúp tôi lột tả hết được cái tình của người dân quê” [73]. Và: “Có thể giọng văn Nam Bộ của tôi giống nhiều người khác, nhưng không hề gì, tôi rất tự hào về dòng văn học Đồng bằng sông Cửu Long, hiền hòa, nhân hậu. Ai chê nó không sâu sắc, không sang trọng, tôi thấy hơi giận…”

[23].

Có thể nói rằng, đúng là việc sử dụng từ ngữ, cách nói Nam Bộ đã tạo cho Nguyễn Ngọc Tư một giọng văn riêng, khó lẫn, cùng với giọng miền núi phía Bắc độc đáo của Đỗ Bích Thúy, đã bổ sung thêm một chất giọng mới lạ cho văn đàn vốn

trung dung, ít cá tính vùng miền. Nó mang đến cái mới lạ cho văn chương và thói quen thưởng thức của người đọc. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, việc sử dụng như thế phù hợp với ý đồ nghệ thuật của tác giả trong việc thể hiện sao cho chân thật nhất, sống động nhất hình ảnh con người và vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nếu chỉ sử dụng một cách nói ấy thì cũng sẽ ít nhiều hạn chế, khu biệt nguồn đề tài sáng tác của chị. Có thể thấy điều ấy trong những sáng tác về đề tài cuộc sống nơi đô thị hiện đại, với những con người không phải là “hai lúa”, tự nhiên văn của Nguyễn Ngọc Tư cũng trở nên “thiếu quê hương”, ít Nam Bộ đi. Nhưng dù có “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” như một số người đã nhận định thì thật mừng biết bao ta vẫn nhận ra đó là Nguyễn Ngọc Tư với chất nhân hậu, mộc mạc, hồn nhiên trong từng câu chữ, hình ảnh.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 103)