Những chi tiết ám ảnh

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 50)

6. Đóng góp của luận văn

2.3.1.1. Những chi tiết ám ảnh

Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có thể thấy một điều là chị rất coi trọng chi tiết trong xây dựng cốt truyện. Nguyễn Ngọc Tư không phải là người “tham” chi tiết, các sáng tác của chị không ngồn ngộn các chi tiết mà rất chú ý chọn lọc để tìm ra những chi tiết đắt giá, giàu sức gợi, đem đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về nhân vật.

Trong truyện ngắn Núi lở có một chi tiết ám ảnh người đọc, đó là hình ảnh ngọn núi “chỉ sau một buổi chiều mà núi lở đến cụt ngọn” [69, 75]. Hình ảnh đó có thể không thật nhưng nó lại là biểu tượng cho một cái gì đó đang sụp đổ, mất mát, mà cụ thể ở trong truyện ngắn này nó là đạo đức, là tình người, là niềm tin, là những gì thuộc về truyền thống đáng quý đang bị hao mòn và băng hoại bởi đồng tiền và lòng tham. Câu chuyện kể về một gia đình sống dưới chân núi. Cha mẹ Vĩnh sống bằng nghề chứa gái mại dâm. Một lần núi lở, cha mẹ Vĩnh đã không cứu ông nội Vĩnh đi cùng mà chỉ cứu người khách thuê trọ vì: “Ba già rồi. Còn để con nhỏ đó chết ở đây, anh sẽ ngồi tù” [69, 85]. Vĩnh đã chứng kiến tất cả những điều đó và hình ảnh

ngọn núi lở “trọc lóc, trụi trơ” [69, 88] đã ám ảnh tuổi thơ cậu, trở thành một vết thương tâm hồn mãi không lành sẹo. Nó cũng ám ảnh người đọc bởi sự sụp đổ của những giá trị đạo đức, tình người ấy là có thật trong cuộc sống hiện nay, và những kẻ “đang rú lên mừng thoát nạn mà đã-chết-rồi” [69, 89] vẫn đầy rẫy, nhởn nhơ

khắp nơi khiến ta không khỏi ghê sợ.

Để diễn tả nỗi cô đơn của nhân vật, trong mỗi một truyện ngắn khác nhau, Nguyễn Ngọc Tư lại tìm ra các chi tiết đắt giá khác nhau để thể hiện. Trong Cái nhìn khắc khoải đó là chi tiết ông Hai hàng ngày nói chuyện với con Cộc - một con

vịt xiêm rất thông minh - cho đỡ trống trải, cô đơn khi vợ ông mất đã lâu, con trai thì ở chợ lâu lắm mới về. Đến nỗi bạn nhậu của ông bảo: “Cha nội nầy sống thấy

rầu quá trời đất, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, để coi ông sống với ai?” [67, 51]. Trong Biển người mênh mông là chi tiết ông già Sáu Đèo yêu thương, gắn bó với con bìm bịp như tía với con. Ông bảo với Phi, cũng là một tâm hồn cô độc:

“Sống một mình buồn lắm, chú em nên nuôi con gì đó, con… vợ thì tốt nhất, nếu chưa tính chuyện đó được thì nuôi chó, mèo, chim chóc…. Như qua, nhiều lúc phò con bìm bịp này như phò bà già vợ vậy mà vui” [67, 108]. Những chi tiết ấy khiến

người đọc cũng như khắc khoải với nỗi cô đơn của các nhân vật, sao biển người thì mênh mông thế mà không có lấy một tâm hồn đồng điệu, một người tri kỉ để hờn giận, gắn bó và yêu thương, đến nỗi phải dành hết tình yêu thương cho các con vật? Trong Cánh đồng bất tận là chi tiết những đứa trẻ dường như đã ở quá lâu ngoài đồng khơi, cách xa con người nên dần quên đi tiếng nói của loài người, chúng hiểu và nói tiếng vịt, “chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là

tạm quên nỗi buồn của cõi - người)” [67, 195]. Hay chi tiết hai chị em bảo nhau:

“Phải chi ông này là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?” [67, 188] khi gặp

cảnh một ông già ngồi chơi với cháu. Hoặc khi Nương “một mình trở lại gò đất nhưng chờ hoài không thấy ma hiện ra” để được con ma “thiệt hiền” đó “đau đáu vuốt tóc nó và ánh nhìn chan chứa thương yêu” [67, 175] như Điền. Đó là nỗi thèm

khát được yêu thương con người, thèm khát một mái nhà và những thâm tình, sự gắn bó mà hai đứa chưa bao giờ có được trong cuộc sống lang bạt, bị dứt lìa khỏi

thế giới con người của mình. Hay trong Gió lẻ, ta cũng gặp một chi tiết tương tự. Cô gái trong truyện sống với thế giới cô độc của mình quá lâu, cách xa thế giới loài người theo cô vốn đầy giả dối, phản trắc nên quên mất cách nói tiếng người, mà nói

“bằng kiểu của chuột, của chim, của những con bướm, con kiến, của những sợi nước dưới suối, của những cái lá trên cành…” [69, 172]. Cô không nói theo kiểu

người bình thường nói bởi vì “ nói-giống-người thì em cũng phải nói những lời nói

dối, gây đau, nói để giày vò nhau… Biết đâu, em sẽ vừa nói vừa nôn thốc tháo. Biết đâu em sẽ vừa nói vừa khóc” [69, 161]. Những chi tiết trên ám ảnh người đọc vì số

phận buồn thảm của mỗi nhân vật, họ không có cơ hội để sống như những người bình thường, để làm một người bình thường dù họ thật sự thèm khát điều đó. Những chi tiết ấy không ngẫu nhiên mà đều có sự chọn lựa rất đắt của tác giả. Nó như một tiếng kêu thương, một lời cảnh tỉnh: Con người sẽ ra sao, tình yêu thương sẽ đi về đâu khi con người bị loại ra khỏi cộng đồng, bị cái ác và cái xấu đày đọa đến nỗi buộc phải đơn côi đến đánh mất cả tiếng người, nghĩa là phương tiện để giao tiếp, giúp người ta hiểu nhau, cảm thông và chia sẻ với nhau, cũng đồng nghĩa với việc con đường hòa nhập vào cõi người đã bị bịt kín? Đọc để cảm thương, để xót xa nhưng cũng để thấy mình may mắn vì vẫn còn có thể chia sẻ được với con người, làm bạn được với con người.

Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã khá mạnh tay khi lựa chọn một số chi tiết gây “sốc” cho độc giả, những chi tiết này làm nổi bật lên ý nghĩa và giá trị tác phẩm, khắc họa đậm nét tính cách các nhân vật trong truyện: chi tiết Sương bị đánh ghen bằng cách đổ keo dán sắt vào cửa mình; chi tiết người cha trả tiền làm điếm cho Sương ngay trước mặt những đứa con; chi tiết Điền nổi loạn, đánh những đôi chó đang yêu nhau; chi tiết Nương bị làm nhục ngay trước mắt người cha… Trong tác phẩm này, dường như không thể tìm thấy những chi tiết thừa, chúng đều được đặt rất đúng chỗ với dụng ý nghệ thuật sâu xa. Chúng cho thấy một cách đầy đủ cuộc sống mê muội, không có lối thoát của những con người luôn khép lòng mình vào trong nghèo đói, dốt nát và hận thù. Những chi tiết đó ám ảnh người đọc

đến xót xa, khép sách lại rồi vẫn thấy lòng buồn hoang hoải trước bi kịch tưởng không thể có trên đời của con người ở đâu đó quanh ta.

Khi đọc tác phẩm Sầu trên đỉnh Puvan độc giả cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh của những bông hoa sầu - loài hoa chỉ nở sau 13 tháng ròng không hề có một giọt mưa, khi giọt mưa đầu tiên rơi xuống sau 13 tháng khô hạn những bông sầu sẽ nở. Những bông sầu đó là nỗi đợi chờ, là khát vọng, là mục đích sống của Vĩnh trong cuộc sống đủ đầy, hoan lạc nhưng cô đơn, mất mát; nhưng nó lại là nỗi sợ hãi, sự căm ghét của Củi, của những con người đang ngày đêm mong mưa; là sự thờ ơ, vô cảm đến “hèn mọn” của Dịu vì cô không hề quan tâm đến chúng… Khi được chiêm ngưỡng những bông sầu nở trên đỉnh Puvan, Vĩnh đã thắt cổ tự tử, không phải do lời nguyền ác nghiệt mà bởi vì anh không còn tìm ra mục đích sống của mình nữa, Vĩnh “thấy sợ hãi ngày mai trống rỗng” [69, 59], và vì “trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi, và Vĩnh không muốn xuống núi, chẳng có gì chờ đợi anh, ở đó” [69, 60]. Những chi tiết ấy cho thấy một thực trạng đáng giật mình trong lối sống của những người trẻ, sự mất phương hướng, thiếu lí tưởng, mục đích sống đúng đắn dẫn đến việc tự hủy hoại mình. Nhà văn không tự mình phát ngôn những điều ấy mà tự các chi tiết trong tác phẩm đã nói hộ chị.

Không cần nhiều lời diễn đạt, diễn giải dài dòng, những chi tiết tự nó đã nói lên ý nghĩa của tác phẩm, truyền đạt triết lí nhân sinh, cách cảm nhận, lí giải của tác giả về cuộc sống và con người. Qua những chi tiết nhỏ nhưng ám ảnh, Nguyễn Ngọc Tư đã cho thấy tài năng của mình trong việc làm sáng tỏ tư tưởng chủ đề của truyện, tạo được sức hấp dẫn với người đọc từ chính những chi tiết đáng nhớ đó.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)