6. Đóng góp của luận văn
3.3.1. Cách đặt tên nhân vật
Tên gọi là một yếu tố tạo nên nhân vật, dùng để định danh, phân biệt, có thể ngẫu nhiên hoặc chứa đựng một ẩn ý nghệ thuật của tác giả. Với Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy trong truyện ngắn của chị thường có sự trùng lặp về tên nhân vật. Một cái tên được đặt cho nhiều nhân vật, trong nhiều tác phẩm. Những cái tên như: San, Điệp, Thi, Phi, Xuyến, Diệu, Tâm… xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Qua thống kê chúng tôi nhận thấy: tên Điệp xuất hiện trong các tác phẩm Chuyện của
Điệp, Bởi yêu thương; San (Bởi yêu thương, Ngày đùa, Làm má đâu có dễ, Tình thầm); Phi (Biển người mênh mông, Lý con sáo sang sông); Diệu (Làm má đâu có dễ, Làm mẹ); Sáng (Một dòng xuôi mải miết, Đau gì như thể, Của ngày đã mất); Vĩnh (Vết chim trời, Sầu trên đỉnh Puvan, Núi lở); Thi (Huệ lấy chồng, Ngày đã qua); Xuyến (Duyên phận so le, Một dòng xuôi mải miết); Nga (Thương quá rau răm, Đau gì như thể). Kiên (Cỏ xanh, Lý con sáo sang sông); Tâm (Bởi yêu thương, Gió lẻ); Hai Giang (Dòng nhớ, Nhớ sông)…
Tên nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư không cầu kì, hoa mĩ, nhưng cũng không quá nôm na. Tên nhân vật của chị, dù là nông dân hay nghệ sỹ cũng đều giản dị, quen thuộc và mang một ý nghĩa nào đó, gợi mối dây liện hệ với tính cách, phẩm chất, nghề nghiệp và đặc điểm vùng miền.
Những nhân vật gắn liền với ruộng đồng, sông nước thường mang những cái tên gắn với cuộc sống ấy như: Giang, Thủy (Nhớ sông); Hai Giang (Dòng nhớ); Nương, Điền (Cánh đồng bất tận), Đất Em (Lỡ mùa). Những người nghệ sỹ thường có cái tên như Hồng, Lý, Điệp, Sỹ, Phi gợi liên tưởng đến những kiếp hồng nhan bạc phận, tài tử đa cùng.
Kết thúc tác phẩm Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã để cho Nương nghĩ đến những cái tên hay, đẹp, đầy yêu thương cô sẽ đặt cho con mình, chứ không phải là những cái tên Hận, Thù, Thất học: “Đứa bé đó… sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường…” [67, 213]. Có lẽ vì thế nên Nguyễn Ngọc Tư cũng đầy
yêu thương, trìu mến khi đặt cho nhân vật của mình những cái tên thể hiện tính cách nhân hậu, nghĩa tình như chính con người họ: Quý, Đậm (Giao thừa); Diệu, Lành (Làm mẹ); Tâm, San (Bởi yêu thương); Lương (Bến đò xóm Miễu); Tư Nhớ (Đau
gì như thể…); Hảo, Hết (Hiu hiu gió bấc); Ái, Trọng (Một mối tình), Thảo, Thấm
(Mối tình năm cũ)… Hay những cái tên gợi lên niềm vui, niềm hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn, nối liền truyền thống với hiện tại và tương lai của gia đình ông Hai Tương trong truyện ngắn Ngọn đèn không tắt: Tương - Lai - Tươi - Sáng. Hay một số cái tên khác cũng nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả: Sương (Cánh đồng bất tận) - cái tên đã gợi lên nghề nghiệp “làm đĩ” (gái ăn sương) của cô. Út Vũ (Cánh đồng bất tận) - cái tên như đã gợi lên tính cách cộc cằn, độc đoán, cay nghiệt, thù hận, phũ phàng… Trong truyện ngắn Cải ơi!, Cải chính là tên đứa con gái bao năm ông già Năm Nhỏ nhắn tìm nhưng đồng thời nó cũng gợi nhớ đến câu ca: “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Bởi cũng chính vì con Cải bỏ đi đã để lại bao điều tiếng đắng cay không thể thanh minh cùng ai cho ông (xua đuổi, hắt hủi, giết con)…
Dấu ấn Nam Bộ cũng được gợi lên từ những cái tên gọi theo thứ tự trong gia đình: Ông Hai, Ba Già, Tư Mốt, Tư Nhỏ, Tư Đờ, Năm Nhỏ, Sáu Đèo, anh Tám, Ông Chín, ông Mười, chú Mười Ba, Út Vũ, Út Nhỏ…
Đôi khi Nguyễn Ngọc Tư đặt tên cho nhân vật của mình như để gửi gắm sự thức nhận về những nghịch lý, trớ trêu ở đời. Như tên các nhân vật dì Hên, Tiên, May trong Nửa mùa: “cái tên nhiều khi cũng trớt, như tên dì, hay của cậu May, em dì chẳng ứng với cuộc đời chút xíu nào. Tiên cũng vậy, Tiên gì mà xấu hì…” [66, 62]. Hay tên các nhân vật Đời, Như, Ý trong truyện ngắn Đời Như Ý, tên vậy mà cuộc đời họ đầy vất vả, khổ sở, chia li bởi vì “làm gì có chuyện đời như ý” [64, 66]. Hoặc như Hậu (Một trái tim khô) mà cái kết cuộc đời lại chẳng có hậu chút nào…
Mỗi cái tên nhân vật đều được Nguyễn Ngọc Tư chăm chút, gửi gắm những dụng ý nghệ thuật và niềm thương mến với cuộc sống và con người. Nó không chỉ tạo nên nét riêng phân biệt các nhân vật mà còn làm nên nét đặc sắc riêng cho truyện ngắn của nhà văn hồn hậu của đất Mũi mến thương.