Những con người đầy tính thiện

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 82)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.4.1. Những con người đầy tính thiện

Tiếp nối trang viết của những nhà văn Nam Bộ đi trước, Nguyễn Ngọc Tư cũng khắc họa hình ảnh những con người Nam Bộ đầy tính thiện: chan hòa, cởi mở, trượng nghĩa, chung thủy, giàu lòng vị tha…

Đọc Thương quá rau răm ta luôn cảm động vì tình nghĩa của người dân Mút Cà Tha với những người đến làm việc ở mảnh đất này. Ngay từ lần đầu tiên gặp Văn, ông Tư Mốt đã nghĩ rằng cách duy nhất để giữ Văn lại chính là “không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người” [67, 17]. Lấy tình người để đối đãi với nhau, dù đó là người không quen biết, đó là phẩm chất của đa số người lao động nói chung.

Đọc Giao thừa ta luôn có cảm giác ấm áp khi cảm nhận được tính cách cởi mở, tình nghĩa của người lao động Nam Bộ. Dù buôn bán khó nhọc, vất vả nhưng họ luôn quan tâm, giúp đỡ nhau, trước lúc về ăn tết còn tặng nhau những thứ họ bán làm quà. Biết Quý thích Đậm nhưng còn e ngại, ông Chín đã nhắc nhở Quý: “ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta. Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm, thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng”. Biết Đậm từng lỡ lầm nhưng Quý vẫn một lòng thương mến, gắn bó. Tình cảm trượng nghĩa, vị tha ấy không phải ai cũng có được; nhưng ta lại thấy điều này ở nhiều nhân vật nam trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Ông Hai trong Cái nhìn khắc khoải chỉ có độc một chiếc ghe cũng không ngần ngại cho cô Út quá giang một đoạn đời mình. Ông Tư Nhỏ trong Đau gì như thể… không những cưu mang cô Cúc lúc bụng mang dạ chửa mà khi Cúc bỏ đi, ông lại yêu thương chăm sóc Nga dù nó không phải con gái ông. Năm Nhỏ (Cải ơi!) cũng yêu thương con riêng của vợ như con mình, gần 12 năm ông đi tìm con không phải để thanh minh tội giết con với mọi người mà là để tìm con nhỏ về cho vợ. Ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc sẵn sàng giang rộng vòng tay che chở cho mẹ con Đào Hồng dù biết trái tim bà đặt nơi khác. Gặp nhau ở tuổi xế bóng, khi nhan sắc đã cuối mùa, ông vẫn “muốn đỡ đần cho bà một đoạn đời” [67, 93]. Khi bà qua đời, ông còn đóng vai con của bà, gọi “Má ơi!” cho bà đỡ tủi, nhắm mắt thanh thản. Lương (Bến đò xóm Miễu) cũng nghĩa hiệp “cưu mang

một đứa con gái đã lỡ lầm còn thêm chuyện không có khả năng làm vợ” [66, 92] là Bông chỉ vì quá yêu thương. Cả người cha trong Cánh đồng bất tận cũng chỉ vì sẵn lòng cưu mang, cho một cô gái quá giang đi nhờ mà cuộc đời của ông hoàn toàn chuyển sang hướng khác. Rồi đến những đứa con ông, Nương và Điền cũng che chở giúp đỡ cho Sương trước trận đòn ghen thảm khốc. Và ngay cả Sương, một cô gái điếm, tưởng không có lòng tự trọng mà cũng biết trả ơn bằng cách đánh đổi thân mình để giữ lại đàn vịt cho bọn trẻ… Dường như với người Nam Bộ, sống tình nghĩa, có trước có sau đã trở thành phép ứng xử thường nhật giữa con người với con người.

Những người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cũng sống rất tình nghĩa, nhân hậu, vị tha. Hiếm có người phụ nữ nào như “Má tôi” trong Dòng nhớ. Bà đi khắp các bến sông để tìm lại người vợ cũ cho chồng mình “để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mày có đỡ hơn không… để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được, chừng nào chết mời dì nằm trên đất vườn tôi” [67, 133]. Tiên (Nửa mùa) đã cưu mang Sỹ những ngày Sỹ còn hàn vi, chưa nổi tiếng, đến khi Sỹ bỏ đi rồi, cô vẫn biện minh, nghĩ tốt cho anh. Biết tha thứ, nén chặt lòng mình cho người khác được vui, ngậm ngùi nhưng lại vun đắp hạnh phúc cho người khác, đó cũng là một trong những phẩm chất đáng quý mà ta không thể quên được của con người Nam Bộ.

Người đọc cũng không thể quên mối quan hệ gắn bó giữa gia đình Tứ Hải và má Tôi trong Nhà cổ. Nó thể hiện sự gắn bó, thân thiết của tình làng nghĩa xóm: “Nửa đêm, cả nhà tôi tốc mùng ngồi nghe tiếng ngói dịch lắc cắc trêm mái nhà phía đông Nhân Phủ. Má tôi mở cửa sổ, kêu vọng qua bên đó: “Thằng Tứ Hải đem mấy đứa nhỏ qua ngủ với má con tao nì. Để không may ngói rớt trúng đầu, tội nghiệp tụi nó lắm nghen”” [67, 63]. Trong Biển người mênh mông là tình cảm gắn bó, thân thiết của hai người đàn ông cô đơn trong xóm trọ nghèo, một già một trẻ: “Trời trở chướng, ông Sáu than đau nhức mình. Phi qua nhà cạo gió cho ông. Lần theo những chiếc xương gồ ra trên thân mình nhỏ thó, ốm teo, Phi buột miệng: “Bác Sáu ốm quá!” [67, 107]. Ông Sáu Đèo cũng thường xuyên quan tâm đến Phi, nhắc nhở

Phi cạo râu, cắt tóc, việc mà trước đây chỉ có ngoại nhắc Phi khiến anh rất cảm động. Cái tình còn thể hiện ở chỗ ông già trân trọng Phi, trân trọng những người làm nghệ thuật: “lần nào ông cũng đứng nghe anh hát, hết bản, vỗ tay xong, ông cũng “boa”, không phải cái kiểu kẹp giữa hai ngón tay rồi phe phẩy trước mặt anh, ông từ tốn rút trong túi ra tờ giấy bạc hai ngàn, nhét vào túi Phi rồi cài nắp túi cẩn thận” [67, 107]. Ông tặng lại Phi con bìm bịp cho đỡ cô đơn giữa “biển người mênh mông” để rồi lại một mình lủi thủi ra đi tìm người vợ không biết lưu lạc phương nào nơi chân trời góc bể.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, có nhiều người tốt, tình nghĩa nhưng lại chịu thiệt thòi, bị lừa gạt, ức hiếp nhưng họ đã luôn tha thứ với một tấm lòng rộng mở. Trong nhiều truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã nói lên thông điệp của sự tha thứ:

Cánh đồng bất tận, Chuyện của Điệp… như con đường duy nhất để cứu vớt con người khỏi đau khổ, bất hạnh.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 82)