Cách diễn đạt Nam Bộ

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 102)

6. Đóng góp của luận văn

4.1.1.2. Cách diễn đạt Nam Bộ

Nguyễn Ngọc Tư không chỉ sử dụng nhiều phương ngữ Nam Bộ trong tác phẩm của mình, chị còn sử dụng khá đậm đặc những cách nói, cách diễn đạt kiểu Nam Bộ khiến người đọc ngạc nhiên, thú vị: vui muốn chết, buồn vô phương, buồn vô địch cấp huyện, buồn ác, buồn ác liệt, buồn xanh xương, buồn nẫu nê, cười nôn, tiếc hùi hụi, tủi vô phương, cười hì hịch, cười nôn, cười ngắt nga ngắt ngẻo, cà lơ phất phơ,

cà xình cà xang, già câng già cấc, già cóc thùng thiếc, mát trời ông địa, mùi rụng rún, mừng húm, tỉnh bơ ba khía, nói dèm, tù ti tú tí, ốm sát chiếu, chết ngoẻo cù nèo, chết ngắc, khờ ịt, hụ hợ, dơ èm, xửng vửng,…

Đó không chỉ là vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc của chị về tiếng nói Nam Bộ mà còn là sự am hiểu thấu đáo về cách nói của người dân quê hương. Trong một lần phỏng vấn, Nguyễn Ngọc Tư đã không ngần ngại nhận rằng, bản thân chị khi viết còn phải “kè kè” theo bên mình quyển từ điển phương ngữ Nam Bộ. Điều đó cho thấy ý thức, sự nghiêm túc của nhà văn trong công việc văn chương vốn nhiều nặng nợ. Thiết tha với tiếng nói quê hương, với cách nói mộc mạc của những ông hai, dì ba nơi miệt vườn, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên những trang văn đậm chất Nam Bộ, gây xúc động mạnh cho không chỉ những người con của đất này mà còn rung động cả những người đọc ở vùng miền khác. Sức “lây nhiễm”, lan tỏa của nó thật lớn. Đúng như có người đã nhận xét: “Tất sẽ có người không hiểu được hết phương ngữ tác giả sử dụng. Nhưng khi thật sự trải nghiệm cùng nhân vật và ngụp lặn trong bầu không khí đặc quánh chất Nam Bộ trong truyện của tác giả thì một vài mắc mớ về phương ngữ, trong sự mê hoặc của quy luật lây lan tâm lí, nghĩa là người đọc cảm nhận bằng tâm lí nhân vật, sẽ tự được giải tỏa hoặc bị đẩy xuống hàng thứ yếu” [8].

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 102)