Truyện kể về những chuyện đời thường vặt vãnh

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 39)

6. Đóng góp của luận văn

2.2.2.1. Truyện kể về những chuyện đời thường vặt vãnh

Số lượng những truyện ngắn kể về những chuyện đời thường vặt vãnh chiếm một tỉ lệ tương đối lớn trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Cải ơi!, Người năm cũ, Giao thừa, Ngày đùa, Cỏ xanh, Thương quá rau răm, Nỗi buồn rất lạ, Thổ Sầu, Chuồn chuồn đạp nước, Một chuyện hẹn hò…

Cải ơi! là một câu chuyện nhỏ cả về số lượng từ lẫn vấn đề đặt ra trong đó. Không có cốt truyện lắt léo, phức tạp, chỉ là một tình huống đời thường nhưng lại gợi biết bao suy tưởng của người đọc với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Truyện kể về ông già Năm Nhỏ đi tìm con. Con Cải làm mất đôi trâu, sợ đòn nên bỏ trốn, để lại tiếng oan giết con riêng của vợ cho ông già Năm Nhỏ. Ông già nhắn tìm con gần mười hai năm mà chưa thấy đâu. Sau ông nghĩ ra cách ăn trộm trâu để được lên truyền hình nhắn tìm con, nhưng xót xa thay lời nhắn lại không được phát đi… Chuyện chỉ có thế nhưng để lại bao day dứt cho người đọc. Cái hài hước đến vô lí, cường điệu của cốt truyện không làm ta khó chịu mà lại khiến ta vô cùng xúc động trước tấm chân tình phụ tử của ông già Năm Nhỏ.

Thương quá rau răm cũng là một câu chuyện-chẳng-có-gì nhưng để lại một nỗi

buồn xao xác cho người đọc khi đọc xong. Truyện kể về cuộc sống, số phận những con người nơi cù lao Mút Cà Tha hẻo lánh, xa xôi, thèm người. Biết bao người đã đến đây rồi lại ra đi vì không chịu nổi cảnh buồn tẻ ở xứ này. Văn cũng là một người như thế, ra đi không lời từ biệt, ra đi như chạy trốn, phụ tấm lòng tử tế của con người nơi đây. Văn là một bác sĩ, một người rất cần cho cù lao. Trưởng ấp Tư Mốt làm mọi cách để giữ anh lại đất này: bảo mọi người đến khám bệnh cho anh có việc, đến nói chuyện cho anh đỡ buồn những khi hết giờ làm việc, cho con gái ra giúp đỡ Văn việc nhà… Ông tin rằng, sự tử tế, “không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người” [67, 19] sẽ níu kéo được Văn ở lại đất này cũng như ông

từng bị ràng rịt bởi tình yêu thương của những con người nơi đây. Nhưng Văn vẫn cứ đi, không từ biệt dù bằng một lời nói dối để lại nỗi đau tiếc, chờ mong cho người

ở lại: “Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng

nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn” [67, 25]; “Thí dụ con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” [67, 25].

Người đọc khó có thể tìm thấy trong truyện ngắn này những sự kiện lớn lao của một cốt truyện lắt léo, phức tạp. Cốt truyện truyền thống cần có một trục vận động cho các sự kiện, những tình tiết, có ảnh hưởng đến diễn tiến câu chuyện và phát triển tính cách nhân vật. Trong truyện ngắn này, thời gian vận động của cốt truyện bị cắt ngang, ghép nối bởi cách chiếm lĩnh đời sống theo khoảnh khắc. Tính cách nhân vật cũng vậy, nó không “mở ra”, không có quá trình bộc lộ, phát triển mà dường như tồn tại sẵn có trong đời sống. Truyện ngắn này đã đề cập đến một vấn đề rất đời thường của cuộc sống: đi hay ở, tình nghĩa và khát vọng…

Chuồn chuồn đạp nước cũng là một kiểu truyện ngắn không có cốt truyện. Truyện kể về một chuyện tưởng như chẳng có gì lớn lao, to tát: khi cứu trợ cho cô con gái trong một gameshow truyền hình, người cha đã không trả lời đúng câu hỏi chuồn chuồn đạp nước nghĩa là nó đang làm gì. Người cha lại trả lời nó đang tìm kiếm bạn tình thay vì phải trả lời theo đáp án đúng là nó đang đẻ trứng. Người con không chọn theo và cuối cùng đã chiến thắng và giành được phần thưởng lớn. Người cha cảm thấy xấu hổ và cứ dằn vặt vì điều đó, lo sợ mình sẽ như thế nào trong mắt vợ con, bạn bè đồng nghiệp, vợ chồng người em trai… đến khổ sở, rầu rĩ, lúc nào cũng thấy “chuồn chuồn vẫn bay rợp lòng” đầy ám ảnh [69, 31].

Truyện ngắn trên phản ánh đúng tâm lý con người, lúc đầu nó khiến ta buồn cười vì làm sao lại có người cả nghĩ đến thế nhưng rồi lại thấy hình như nó nói đúng tim đen chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều mang một chút sĩ diện nào đó, luôn muốn giấu rằng “đâu phải cái gì người ta cũng biết hết”, luôn “mệt mỏi vì chuyện

mình như thế nào trong mắt người ta” [69, 23]. Truyện kể như không, có chút hóm

Thổ Sầu lại đem đến cho ta một cảm nhận khác về con người xung quanh mình.

Câu chuyện đơn giản, không có gì gọi là biến cố xung đột hay kịch tính. Chợt một ngày, cái nghèo đói, cái buồn vắng quay quắt lại trở thành tiềm năng để Thổ Sầu phát triển du lịch. Khách tứ phương đến đây để được trầm trồ trước cái đói, cái nghèo, cái buồn rồi thấy lạ vì người Thổ Sầu “ai cũng thấy buồn buồn hết. Làm du

lịch phải vui chớ”. Hóa ra họ thấy “vui, nhưng mà nhục” [69, 94]. Và cũng chỉ có

đám trẻ con thành phố đi du lịch thấy “hổng vui gì hết” vì “nhìn người ta nghèo hổng vui gì hết”. Biết thế nhưng người Thổ Sầu “không bỏ Thổ Sầu được… Vì sau vườn, cỏ lại đang mon men bò lên mộ má tôi, ông bà tôi” [69, 97]. Bao đời họ đã

sống ở đó, xương thịt cha ông vùi ở đó, dễ gì bỏ đi đâu được.

Câu chuyện nhỏ bé nhưng lại đánh thức ta bởi sự vô cảm, vô tâm đến tàn nhẫn của con người với chính đồng loại của mình: “Khách sẽ bực lắm, thất vọng lắm nếu

giữa Thổ Sầu đìu hiu lại có ti vi màu” [69, 97].

Lỡ mùa cũng đề cập đến một dạng vô tâm khác: sự vô tâm của những người có

chức quyền gây nên bao khổ sở cho dân. Một dự án quy hoạch treo đã biến Trảng Cò thành vùng đất hoang hóa mấy mùa liền. Người dân chờ mãi chẳng thấy chính quyền làm gì, nhìn đất hoang mà xót xa nên quyết cử người lặn lội lên tỉnh hỏi cho ra nhẽ. Chuyến đi gặp bao vất vả khó khăn mà cuối cùng vẫn không gặp được đúng người có thẩm quyền có thể trả lời cho dân. Mà có gặp được theo đúng cái hẹn ngày mai ấy thì dân Trảng Cò cũng lại đã lỡ một mùa nữa rồi… Đây là một câu chuyện rất đời, ta đã từng gặp ở đâu đó, nghe ở đâu đó, nhưng khi đọc Nguyễn Ngọc Tư, ta lại thấy trong đó một chiều sâu mới, đặc biệt là ở tấm lòng cảm thông chân thành của tác giả với người nông dân quê hương chị.

Những truyện ngắn không có cốt truyện thường hướng người đọc suy ngẫm về những điều ẩn giấu sau mỗi số phận, mỗi cảnh đời. Các sự kiện và hành động của nhân vật đã mất dần vai trò thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện mà chỉ còn biểu hiện những trạng thái tình cảm, tâm lí thuần túy, mạch truyện không đi theo luật nhân quả. Nguyễn Ngọc Tư thường viết về những câu chuyện nhỏ xíu quanh mình với những điều tốt lành nho nhỏ như chính cuộc đời bình dị của con người Nam Bộ.

Tìm hiểu các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, ta nhận ra có những câu chuyện giản dị như chính cuộc sống, nó luôn xoay quanh số phận đời tư của mỗi con người. Cốt truyện không một cao trào, biến cố hay xung đột dữ dội, nó trầm lặng, đều đều nhưng để lại những bài học nhân sinh lớn lao. “trong dạng cốt truyện này, tình huống có vấn đề nằm bên ngoài tác phẩm, ở những suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả và người đọc, còn nhân vật cứ mặc nhiên hành động và cư xử, hành động theo thói quen với một niềm tin ngây thơ vào chính mình” (Trịnh Thu Tuyết).

Với một số nhà văn, chẳng hạn như Nguyễn Minh Châu, thông qua những câu chuyện đời thường, ông muốn khám phá những “vương quốc tình đời”, những thang giá trị của cuộc sống và cả những vết xước, vết nhơ trong nhân cách mỗi con người hiện đại. Sự quan tâm tới những vấn đề nhân thế, để mắt đến những cảnh đời thường chính là cách Nguyễn Minh Châu “muốn nhắc nhở tới nhiều chuyện không

bình thường”.

Đến Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy chị thường viết về những điều nhỏ bé, vặt vãnh rất bình thường ở xung quanh mình, với những con người và sự kiện của thời hôm nay, liên quan đến cuộc sống của ngày hôm nay. Đó là những mối “tình thầm” đầy trắc trở, một người lặng lẽ yêu một người mà mãi vẫn chưa được đền đáp vì người kia còn mãi tưởng nhớ một bóng hình trong quá khứ. Mô típ này có thể gặp trong khá nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như: Ái - Trọng - Tôi (Một

mối tình), Thu Lê - Tư Nhớ - Thu Lý (Chiều vắng), Tiên - Sỹ - May (Nửa mùa),

Thúy - Nhiên - Diệp (Nước chảy mây trôi), Hoài - Hết - Hảo (Hiu hiu gió bấc), Chín Vũ - Đào Hồng - Thường Khanh (Cuối mùa nhan sắc), Tôi - Tứ Phương - Thể - Tứ Hải (Nhà cổ), Thủy - Hiện - Giang (Nhớ sông)… Hoặc có khi truyện viết về nỗi đau của con người trước lối sống tha hóa, sự xuống cấp đạo đức của con người: Núi lở, Nỗi buồn rất lạ, Ngổn ngang… Hay ở một vài truyện lại là một sự hiểu lầm, một trò đùa vô ý khiến người khác phải đau đớn: Cải ơi!, Vết chim trời,

Ngày đùa, Duyên phận so le, Một dòng xuôi mải miết…

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư thường giản dị với những con người và sự kiện như những góc nhỏ của hiện thực đời sống vốn đầy ắp sự kiện, hành động. Truyện ngắn

của chị không hề có những xung đột xã hội căng thẳng hay những bước ngoặt của một cốt truyện li kì nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống với những suy tư sâu sắc, đem đến cho người đọc một trải nghiệm mới mẻ về cách nhìn cuộc sống và con người. Đó cũng chính là lí do vì sao nhiều người yêu thích văn của chị, bởi nó gần gũi với đời sống và không xa lạ với mỗi con người.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 39)