Kết thúc mở, gợi nhiều suy tưởng

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 66)

6. Đóng góp của luận văn

2.3.3.3. Kết thúc mở, gợi nhiều suy tưởng

Nguyễn Ngọc Tư có một số truyện ngắn được kết thúc theo lối bỏ lửng, kết thúc như không kết thúc, đặc biệt là ở những truyện viết theo phương pháp dòng ý thức, đào sâu tâm lý để phơi bày thế giới tinh thần của nhân vật. Ở những tác phẩm này nhà văn đã dành cho người đọc cái quyền được rút ra những kết luận của mình, làm cho tác phẩm văn học để lại những dư âm sâu xa mãi mãi. Đó là những “khoảng trống” ở cuối truyện cho phép người đọc tự do suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề tác giả đề cập đến trong tác phẩm.

Cỏ xanh là một trong những truyện ngắn như thế. Miên tự nhận mình là một đứa

con gái hư, bị công an phường phạt giáo dục lao động công ích bằng cách đi nhổ cỏ cạnh một sân bóng. Trong một buổi lao động như thế thì Miên gặp Kiên - một thanh niên nhận nhầm Miên là Bé Hai nào đó. Người đó tin Miên chính là Bé Hai, người mà “hồi nhỏ nó hiền lắm… bắt thằn lằn nhát, nó còn khóc, kiến hôi đái vô mắt, xót

gần chết nó còn không giết”, chứ không phải là Miên - “bà chằn của phường” bây

giờ. Mặc Miên phủ nhận, Kiên cứ kể lại những chuyện ngày xưa về Bé Hai và cuối cùng nhắn nhủ: “thôi đừng ra đây làm cỏ nữa nghen, em coi, cỏ nó bị chặt rồi mà

bữa nay tốt thấy đẹp luôn, cỏ còn muốn sống đẹp hơn, tốt hơn nữa, huống chi mình... Ráng nghe cưng...”. Truyện kết thúc rồi mà người đọc vẫn băn khoăn, ngơ

ngác y như những nhân vật khác trong truyện, không hiểu Miên có đúng là Bé Hai đó không, nếu không thì sao khi nghe những lời đó Miên lại khóc, sau đó còn dọn đi? Người thanh niên kia nhận nhầm thật hay cố tình làm thế để “cứu vớt” một con người đang dần sa ngã? Nhưng có lẽ ai cũng tin rằng rồi Miên sẽ sống tốt hơn, như cỏ xanh kia vẫn xanh hoài xanh hủy dù bị bao giày xéo, bầm dập của những dấu chân người…

Vết chim trời cũng kết thúc với một loạt những câu hỏi đặt ra trong lòng người

đọc. Có thật bác và cha của Vĩnh đã bắn nhầm nhau trong chiến tranh khi xưa, lúc hai người ở hai đầu chiến tuyến như trong giấc mơ của bà nội? Tình huống ấy rất có thể đã xảy ra, không ai dám chắc. Chỉ biết rằng, lời nói trong lúc mê sảng, trong cơn ác mộng phũ phàng của bà đã phá hủy và làm đổ vỡ tình cảm của những người đang sống. Câu chuyện làm ta day dứt mãi vì những nỗi đau mà chiến tranh có thể gây ra cho con người. Khi ta tưởng nó đã qua lâu rồi, đã thật sự kết thúc rồi thì hóa ra nó vẫn còn dai dẳng, dằn vặt và “tàn phá sự sống” của những người đang sống.

Hai truyện ngắn Làm má đâu có dễ và Làm mẹ đều là những truyện gợi cho ta nhiều suy nghĩ về tình mẫu tử, cùng theo đó là lòng vị tha, bao dung rất cần có để mọi người xích lại gần nhau hơn.

Sức sống của mỗi tác phẩm có sự đóng góp không nhỏ của phần kết. Nên viết kết truyện thế nào không hề đơn giản với mỗi người cầm bút. Cách kết thúc nào cũng

nhằm khám phá nghệ thuật đời sống. Tác phẩm có thể dừng lại ở câu cuối, dấu chấm cuối cùng nhưng dòng đời vẫn tiếp tục chảy. Mỗi cách kết thúc là một giả định nghệ thuật về đời sống vốn luôn phức tạp và bí ẩn, nhiều khi ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng kết truyện hay phải gợi cho người đọc những suy tư, trăn trở về cuộc sống, phải gieo sự nhận thức, niềm tin của con người với cuộc đời và tình người. Những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, dù có cái kết không có hậu nhưng nó vẫn đầy ý nghĩa nhân văn, gieo niềm tin, hi vọng vào cuộc đời. Nên sau tất cả những bất hạnh, khổ đau mà mỗi nhân vật phải gánh chịu trong cuộc đời, họ vẫn không thôi nghĩ về những điều tốt đẹp.

Cốt truyện trong văn học đương đại không gò bó theo hướng đi của văn học truyền thống. Trong nghệ thuật tự sự, cốt truyện có vai trò không nhỏ làm nên thành công cho mỗi tác phẩm. Cốt truyện chính là phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn chiếm lĩnh đời sống. Vì vậy mà các nhà văn không ngừng tìm tòi, thể nghiệm những cái mới, sáng tạo những cốt truyện hay. Với Nguyễn Ngọc Tư, phần nhiều các sáng tác của chị không có cốt truyện, nó lôi cuốn độc giả bởi những dòng chảy tâm trạng, xúc cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng. Người đọc khi đến với những sáng tác của chị thường được đắm mình trong những ưu tư, trăn trở, những ao ước rất đời, qua cách lựa chọn chi tiết đắt giá và xây dựng kết truyện mở. Nhà văn Mạc Can cho rằng: “Một tác phẩm văn học có thể thu hút được độc giả thì tác phẩm đó không chỉ cần có một cốt truyện hấp dẫn mà còn phải có những điều đọng lại… toát lên một bức thông điệp, một giá trị nhân văn về cuộc sống”. Nguyễn Ngọc Tư đã làm được điều này.

Chương 3

THẾ GIỚI NHÂN VẬT

TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ

3.1. Khái niệm nhân vật

Nhân vật xuất phát từ tiếng Latinh “persona” - chiếc mặt nạ đeo vào mặt diễn viên khi biểu diễn. Trải qua thời gian nó dần được gọi là nhân vật trong tác phẩm. Có nhiều quan niệm về nhân vật.

Theo cuốn Từ điển tiếng Việt thì “nhân vật là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật” [46, 711].

Giáo trình Lý luận văn học do GS. Hà Minh Đức chủ biên thì quan niệm: “Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…” [42, 159]. Ở đây khái niệm nhân vật cũng được hiểu trong một phạm vi rộng, nhân vật có thể là con người hoặc không phải con người nhưng mang bóng dáng của con người, có thể có tên, tính cách hoặc không.

Từ điển thuật ngữ văn học cũng có quan điểm tương tự như ý kiến trên, đồng

thời khẳng định: “Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề tác phẩm” [43, 236].

Nhân vật văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn. Cốt truyện có thể vay mượn, có thể không nhất thiết phải kinh qua kinh nghiệm của bản thân tác giả, nhưng nhân vật phải là đứa con tinh thần, là sản phẩm vốn sống trực tiếp của nhà văn. Nhà văn Vũ Thị Thường cho rằng: “Truyện ngắn sống bằng nhân vật” [38, 35]. Điều này không sai vì nhân vật trong truyện ngắn ít nhưng sức dồn nén lại lớn vì mỗi truyện ngắn chỉ là một lát cắt của đời sống, chỉ miêu tả một đoạn đời nào đó của nhân vật nên đòi hỏi phải chọn lọc chi tiết, bộc lộ rõ quan điểm. Thông qua việc tìm hiểu thế giới nhân vật của nhà văn, ta có thể thấy được quan niệm nghệ thuật về

con người của nhà văn đó. Mỗi nhà văn có quan niệm nghệ thuật riêng, một cái nhìn riêng về con người nên thế giới nhân vật của họ cũng có những đặc điểm riêng. Nguyễn Ngọc Tư cũng có một thế giới nhân vật riêng, tạo được ấn tượng sâu sắc với người đọc, thể hiện cái nhìn tinh tế, sự thấu hiểu khá tường tận của nhà văn về con người.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 66)