6. Đóng góp của luận văn
2.3.2.2. Mở đầu bằng cảnh thiên nhiên
Rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được mở đầu bằng cách vẽ ra một khung cảnh thiên nhiên mang đậm bóng dáng của vùng sông nước Nam Bộ: Thổ Sầu, Cánh đồng bất tận, Một chuyện hẹn hò, Gió lẻ, Giao thừa, Khói trời lộng lẫy…Truyện có thể mở đầu bằng gió, mưa, cánh đồng, dòng sông… những khung cảnh vốn có quá nhiều ở vùng đất này, nhưng với nhiều người đọc ở những nơi khác thì đó lại là một cái gì đó mới lạ, hấp dẫn. Hơn thế nữa, nó lại là cái nền để cho nhân vật xuất hiện. Khung cảnh thiên nhiên thường có gì đó đặc biệt, báo hiệu cho một cuộc đời, một số phận có nhiều biến cố ở sau này.
Khói trời lộng lẫymở ra bằng khung cảnh một đêm mưa: “Nghe tiếng mưa khi mưa hãy còn xiêu xiêu ngoài sông, rồi mưa băng qua bờ lá có căn chòi hoang ở phía Nam cồn, ào vào bãi đất xơ rơ những thân lau sậy cháy, giờ thì mưa đã dội trên mái nhà, trượt theo những đuôi lá mục mưa thả mình vào đất. Khe vách rách rã chẻ mỏng những ngọn gió ướt, chém ngọt qua người, lạnh rởn từng lỗ chân lông”. Cơn mưa đó ở ngay trước mặt nhưng cũng có thể là cơn mưa của bao nhiêu đêm trong cuộc đời lang bạt của hai chị em, nó là cái nền cho sự xuất hiện đơn độc, bơ vơ của hai nhân vật trước sóng gió cuộc đời.
Một chuyện hẹn hò cũng mở đầu bằng cảnh mưa bão dữ dội qua cái nhìn của một con Cóc: “Mưa rồi… mưa hơi rát, trơ như một tiếng cười khan. Gió cũng lạ lẫm, chúng rào rào đuổi nhau trên cao, trên ngọn cây, mái nhà… Mưa tạt ướt mặt. Đầm Sầu lặng ngắt. Trong màn mưa đục ngầu ngầu, những cái chòi lá nằm rải rác,
thưa thớt, đờ đẫn…” [69, 111]. Trong khung cảnh ấy đã diễn ra cuộc hẹn hò tội lỗi của một đôi người, họ đã trốn gia đình đến gặp nhau trên một căn chòi bỏ hoang giữa đầm trong bão. Khung cảnh ấy đã gợi một điều gì đó không lành. Và tất nhiên, không có bối cảnh đó thì câu chuyện không thể phát triển được, sẽ không thể có chuyện gió to làm đôi xuồng trôi mất khiến người phụ nữ hoảng hốt lo sợ khi bão tan người ta sẽ phát hiện ra chỉ có hai người ở bên nhau giữa đầm trong bão, tất cả đều sẽ hiểu vì sao; cũng sẽ không có chuyện người phụ nữ bất hạnh đó vì quá tuyệt vọng nên đã nhảy ào xuống đầm và mãi không quay trở về, để lại nỗi đau cho đứa con sau này.
Ở một vài truyện khác, Nguyễn Ngọc Tư hay mở đầu bằng khung cảnh thiên nhiên khi gió bấc, gió chướng về, những cơn gió lẻ, gió bầy đó thường làm nền cho sự xuất hiện của những số phận cô đơn, những trái tim đơn lẻ: Lý con sáo sang sông, Nhà cổ, Gió lẻ...
Các truyện ngắn trong tập Cánh đồng bất tận - những truyện hay và mới nhất đều có lời đề từ dẫn vào truyện. Nó có thể hé mở cho ta thấy một phần nào hoàn cảnh sáng tác, những suy nghĩ bên lề truyện của tác giả, từ đó có thể giúp người đọc hiểu rõ tác phẩm cũng như tác giả hơn.
Nguyễn Ngọc Tư có nhiều sáng tạo trong cách mở truyện, nhưng ta không thấy bóng dáng của sự dụng công tỉ mỉ, kĩ thuật trong đó; ngược lại, ta cảm thấy chị vào đề rất gọn ghẽ, đơn giản như kể chuyện thường ngày. Đó cũng là cái duyên kể chuyện riêng của chị.