6. Đóng góp của luận văn
3.3.2.2. Độc thoại nội tâm
“Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý, nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [43, 122].
Độc thoại nội tâm là biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà văn sử dụng khi cần phân tích thế giới nội tâm nhiều day dứt, trăn trở của nhân vật. Trước đây, Nam Cao, Thạch Lam… đã rất thành công với thủ pháp này. Nguyễn Ngọc Tư cũng vận dụng nó một cách hiệu quả trong nhiều truyện ngắn.
Chiều vắng là một truyện ngắn xúc động về tình yêu đơn phương của dì Thu Lý với người anh rể mấy chục năm trời. Dù không được đáp lại nhưng dì vẫn muốn làm một điều gì đó để trả món nợ cho cậu Tư Nhớ mà nhà dì đã vay. Đó là giúp cho anh rể gặp lại chị gái mình sau bao năm chị biền biệt ở xứ người. Đây là những ý nghĩ của dì: “Chiều nay ngồi trong nhà cậu Tư Nhớ, dì út lại nhớ chị mình. Dì chợt nghe lòng quang quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp lại nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ, dù bây giờ tóc xanh đã phai màu, gặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết. Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc còn đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương làm chi… Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy” [66, 49]. Những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật ở đây cho thấy một tấm lòng vị tha, nhân hậu, nó nói lên một cách chân thành nhất, giản dị nhất sự hi sinh cho hạnh phúc của người mà dì Thu Lý đã yêu.
Độc thoại nội tâm là phương tiện cơ bản và hữu hiệu nhất để soi sáng nội tâm nhân vật. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, độc thoại nội tâm thường xuất hiện khi có những tác động bên ngoài khiến nhân vật suy nghĩ, liên tưởng.
Đây là khao khát thầm kín của nhân vật “Tôi” trong Một mối tình: “Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau cái bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ thành kính, nâng niu. Lúc đó, tôi ước thầm, phải chi Trọng ngỏ lời thương, tôi sẽ làm hết thảy công việc đó thay Trọng đến suốt đời, đến khi trở thành bà già cóc kiết, tôi giữ lửa thì hay phải biết” [64, 117]. Hay đoạn độc thoại nội tâm của Điệp khi Hồng Lý (Chuyện của Điệp) than “vì đeo đuổi nghiệp ca hát nên phải nhờ Điệp vất vả nuôi con giùm, hứa sau này thành danh sẽ đền đáp” vừa là những chua xót cho nghề nghiệp, vừa là sự cảm thông với cảnh ngộ của người nghệ sỹ: “Điệp đâu có mong gì cái chuyện đó, mà thấy buồn quá. Điệp tính đâu làm nghệ thuật là giống như xây cái nhà lầu, sức mình bao nhiêu thì xây bấy nhiêu, để thành công mà đánh đổi nhiều như vậy thì tội nghiệp cho nghệ sỹ biết bao” [66, 55].
Độc thoại nội tâm trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cũng thường xuất hiện khi nhân vật ở trạng thái xúc động mạnh. Thường được bộc lộ dưới dạng các câu hỏi tu từ. Nhân vật đặt ra các câu hỏi tu từ để tự vấn, tự phân tích mổ xẻ cõi lòng mình. Sự đau đớn, oan khuất của ông già Tư Nhỏ (Đau gì như thể) được bật lên bằng những câu hỏi đầy day dứt, uất nghẹn: “Ông già nghe thất vọng quá, các người đòi thêm gì nữa, các người muốn gì nữa, muốn éo le như thế nào, oan khuất bao nhiêu năm mới đủ?” [66, 129]. Hay tâm trạng ngổn ngang của Huệ (Huệ lấy
chồng) khi sắp lấy chồng cũng được bộc lộ ra bằng những lời tự vấn: “Huệ cười, thấy đâu có chê Thuấn được cái gì, Thuấn biết Huệ từng thương Thi mà anh cũng bước tới, Huệ bây giờ, còn chờ ai nữa?” [66, 81]. Lời giãi bày tâm can, khó nói ra thành lời cũng được anh Hết (Hiu hiu gió bấc) nhủ thầm: “Đâu có biết, chỉ tại chưa quên được. Anh chưa dám nhìn thẳng vô mắt chị Hoài để cười, chưa dám nựng nịu con chị Hoài mỗi khi chị bồng nó đi tiêm ngừa. Chưa thanh thản để chào nhau như một người bạn gặp một người bạn. Hảo có hiểu không?” [66, 28].
Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật chiếm một số lượng lớn, đặc biệt trong những truyện ngắn có cốt truyện tâm lý; qua đó cho thấy thế mạnh, sở trường của chị trong nghệ thuật viết truyện là miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật.