Những con người là nạn nhân của sự nghèo đói, dốt nát, mê muội tầm

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 81)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.3.3. Những con người là nạn nhân của sự nghèo đói, dốt nát, mê muội tầm

thường, mang tính bản năng

Những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đều phản ánh chân thực đời sống nên trong thế giới các nhân vật của chị có đủ cả tốt lẫn xấu, có những người phụ nữ “tham vàng bỏ ngãi”, có những người đàn ông ít học, nhiều mê muội với những tình huống, hoàn cảnh éo le khác nhau. Những con người đó luôn phải tự vật lộn với chính bản thân mình, vừa ngậm ngùi vừa đau đớn, vừa dữ dội vừa sâu lắng, để vượt thoát khỏi cái Tôi vị kỉ của chính mình, nhưng không phải ai cũng thành công nên có khi cuộc đời họ rơi vào bi kịch vì không được tha thứ và tự tha thứ cho mình.

Văn (Thương quá rau răm) không thể từ bỏ cuộc sống sôi động, hoa lệ của chốn thị thành nên đành phụ tấm lòng trìu mến của bà con nơi cù lao Mút Cà Tha xa xôi. Thi (Huệ lấy chồng) bội ước với người yêu vì không cưỡng lại được những ham muốn, cám dỗ vật chất tầm thường. Thường (Một trái tim khô) thuê người giết vợ vì muốn chiếm đoạt tài sản và vì đã có một người tình trẻ trung xinh đẹp hơn. Bảo (Ngổn ngang), ông Tư Đờ (Nỗi buồn rất lạ) vì đồng tiền mà sa ngã, tha hóa, kiếm tiền bằng cách bất chính. Những người đàn ông trong Cánh đồng bất tận, Sầu trên

đỉnh Puvan, Tình thầm, Gió lẻ… đến với những người phụ nữ (dù họ làm điếm hay không) cũng đều như nhau, đều để thỏa mãn bản năng con đực mà không hề có tình yêu, sự trân trọng, chia sẻ; bởi thế cho nên họ không bao giờ có được tình yêu đích thực, cũng như không thể tìm lại được tình yêu đã mất của mình. Sự trả giá đến với họ là lẽ tất nhiên: sự cô đơn, trống rỗng, chai cứng dẫn đến cái chết của tâm hồn mà không ai có thể cứu vớt được trừ chính bản thân họ.

Một số người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cũng “tham vàng bỏ ngãi”, chạy theo vật chất tầm thường mà phụ nghĩa: Ái (Một mối tình) vì những

“áo đỏ”, “guốc cao”, vì một người đàn ông khác mà bỏ lại cha con Trọng trong nỗi

hờn tủi của người mẹ: “Biết nó hư thân vậy, má thà sanh cái hột gà, hột vịt còn

hơn”. Người mẹ của Nương, Điền (Cánh đồng bất tận) vì sự cám dỗ của những

mảnh vải đủ màu sắc mà chấp nhận “oằn oại dưới tấm thân trần như nhộng” của gã buôn vải rồi sau đó bỏ đi (một phần vì mặc cảm) khi biết các con đã nhìn thấy tất cả. Những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin đã lao theo những cuộc tình ngắn ngủi, chỉ để thỏa mãn dục tính và nỗi hận thù của Út Vũ (Cánh đồng bất tận), cuối cùng lại bị ném trả lên bờ một cách phũ phàng, cay đắng với “con đường quay về bị bịt kín” [67, 190].

Vì nghèo đói, tăm tối, vì những cám dỗ vật chất tầm thường nên bao cô gái miệt vườn chân lấm phèn đã bị đẩy vào những quán bia đèn màu lấp lánh, làm điếm, làm gái bao với biết bao tủi nhục, cay đắng: Sương (Cánh đồng bất tận), Diễm Thương (Cải ơi!), Bông (Bến đò xóm Miễu), San (Bởi yêu thương), Miên (Cỏ xanh), Dịu (Sầu trên đỉnh Puvan)… Tất cả họ không một ai sống hạnh phúc mà đều dằn vặt, tủi buồn với khao khát được sống bình yên bên một mái nhà bé nhỏ, có một gia đình để yêu thương, vun đắp. Nhưng dường như với họ những điều ấy còn lâu mới đến. Sương hi sinh thân mình trong cuộc trao đổi lấy đàn vịt, yêu thực sự nhưng được ném trả bằng một ít tiền cùng sự “khinh miệt và đắc thắng no nê” [67, 165] của người cha. Diễm Thương không thể có một gia đình vì Thàn quá nghèo khó…

Viết về những nhân vật này, Nguyễn Ngọc Tư như muốn nói với người đọc rằng: cái ác và cái xấu không tồn tại ở đâu xa mà ở trong chính bản thân mỗi con người khi họ không chiến thắng được sự cám dỗ của bản năng, dục vọng và vật chất. Đó là nguyên nhân dồn đuổi số phận con người đi vào bi kịch không lối thoát. Viết về họ, Nguyễn Ngọc Tư vừa phê phán, vừa thông cảm, chiêu tuyết trong nỗi ngậm ngùi, xót xa của một tấm lòng nhân hậu, bao dung, rất mực yêu thương con người.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)