Kết thúc thường bi kịch, gợi nhiều day dứt nhưng không bi lụy

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 64)

6. Đóng góp của luận văn

2.3.3.2. Kết thúc thường bi kịch, gợi nhiều day dứt nhưng không bi lụy

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường kết thúc không có hậu, nhiều khi bằng cái chết của nhân vật chính (thể xác hoặc tinh thần), gợi nhiều day dứt cho người đọc. Nhưng cái kết mà có người bảo là “buồn nhưng không sến” đó không tạo cho người ta cảm giác bi lụy, ngược lại nó vẫn hé mở ra một cái gì đó như là niềm tin và hi vọng vào những điều tốt đẹp sẽ tới. Chính chị cũng tự nhận như thế: “nhiều khi cũng cố để viết vui vui nhưng viết một hồi cuối cùng vẫn thấy ngậm ngùi. Xét về mặt thẩm mỹ thì nỗi buồn để lại cho người ta cảm xúc sâu sắc hơn và những cái kết không có hậu luôn để lại cho bạn đọc sự tiếc rẻ một chút, day dứt một chút. Cũng bù lại là Tư luôn viết với một giọng văn và ngôn ngữ đối thoại tưng tửng, hóm hỉnh nên nói chung là không bị bi lụy hay sến quá.” [72]. Điều đó lí giải vì sao chị hay

chọn cho truyện ngắn của mình cái kết không có hậu.

Cánh đồng bất tận là một trường hợp như thế. Nhiều người không đồng tình với

cái kết quá dữ dội và khốc liệt ở cuối tác phẩm: Điền bỏ đi theo Sương, Nương bị làm nhục ngay trước mắt người cha và khi kêu cứu, cô lại gọi tên em trai mà quên mất sự có mặt của cha mình, gây cho ông một nỗi đau lớn. Nguyễn Ngọc Tư “thanh minh”: “Tôi đã thử nhiều cái kết cho Cánh đồng bất tận, tôi đã cho nhân vật của

dập hoặc đề huề hạnh phúc” [56]. Và chị đã chọn cái kết để cho nhân vật của mình

trong tận cùng của sự vùi dập. Nhưng sự vùi dập đó không hủy hoại được Nương; ngược lại nó khiến Nương sống mạnh mẽ, chủ động hơn dù có thể cô sẽ “bị có con” nhưng cô chấp nhận sự thật phũ phàng ấy; thậm chí nếu có con thì cô sẽ để nó “được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời” [67, 213]. Sự vùi dập

đầy khốc liệt của số phận, của quy luật nhân quả “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” đã làm thức tỉnh, sống lại một người cha, một tâm hồn tưởng đã chết hẳn. Sự trả giá ấy quá cay nghiệt nhưng có lẽ không có cách nào khác. Nhưng cái không bi lụy của tác phẩm chính là ở chỗ còn gì nhân sinh hơn sự đón nhận đến rớt nước mắt cái khát vọng xây lại cuộc đời từ những đứa con tên Thương, Nhớ, Dịu, Xuyến, Hường… sinh ra bởi nỗi đau đớn uất nghẹn của người mẹ và bởi những hành động thú tính của những kẻ mang dáng người, mang những cái tên Hận, Thù… thất học và hung hãn, cùng với sự thức nhận đầy vị tha “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho

lỗi lầm của người lớn” [67, 213]. Tác phẩm khép lại tuy xót xa, day dứt nhưng lại

là một thông điệp đầy tính nhân văn về lòng vị tha và khát vọng sống.

Ấu thơ tươi đẹp có kết thúc buồn bằng cái chết của hai nhân vật chính trong truyện. một cái chết về thể xác và một cái chết về tâm hồn. “Em” và Sói là hai đứa trẻ mang tâm hồn cô đơn, đổ vỡ từ cuộc hôn nhân thất bại của cha mẹ. Bị đẩy qua đẩy lại giữa cha và mẹ, thiếu sự quan tâm và tình yêu thương khi cả cha và mẹ có tình yêu mới khiến chúng càng rơi sâu vào vực thẳm của cô đơn, thù hận. Cuối cùng Em đã chọn cái kết cho mình là “mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ

vun vén ở mỗi tiệm thuốc tây một chút” [69, 73]. Còn Sói thì rời khỏi bàn tay cha

mẹ, lang bạt giữa cuộc đời với một tâm hồn đã héo: “mười ba, mười bốn tuổi mà

âm mưu dập tắt một hơi thở, dù là của chó thì cũng chẳng hợp chút nào” [69, 65].

Truyện ngắn trên là một lời cảnh tỉnh với những người làm cha làm mẹ: đừng để lòng ích kỉ, thói vô tâm giết chết những đứa trẻ có tâm hồn non nớt, dễ tổn thương. Cái kết tuy bi kịch nhưng với giọng văn bình thản, nhẹ nhàng, thấm thía của người viết không khiến người đọc bi quan khi nhìn cuộc sống, ngược lại nó thức tỉnh nhân tâm, làm sâu sắc thêm suy nghĩ của chúng ta.

Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đều có kết cục buồn thảm. Người thì không có nhà để về, người có nhà lại không thể về (Cải ơi!). Người khao khát tìm thấy bố mẹ, người lại bị con “không thèm nhìn mặt” (Làm má đâu có dễ)… Các

nhân vật của chị đều bị số phận dồn đuổi, cuối cùng thường rơi vào bi kịch. Những người nghệ sỹ rốt cục đều nghèo khó, tình duyên trắc trở (Cuối mùa nhan sắc, Bởi

yêu thương, Ngày đùa). Những người nông dân cuối đời không có mái nhà để đi

về, không có gia đình để đoàn tụ, sum họp (Biển người mênh mông, Lỡ mùa, Đau

gì như thể… ). Đặc biệt là thân phận của những người phụ nữ, họ giống nhau ở sự

thua thiệt, thụ động trong cuộc sống. Họ khao khát yêu thương nhưng không được đền đáp, lại bị phụ bạc, bỏ rơi (Nửa mùa, Duyên phận so le, Thương quá rau răm), những người phụ nữ khao khát làm mẹ mà không thể (Làm má đâu có dễ, Làm mẹ, Duyên phận so le). Đặc biệt là số phận của những người phụ nữ trong Cánh đồng bất tận, hết thảy họ đều là nạn nhân của sự đói nghèo, dốt nát, của sự

trả thù man rợ: từ người đàn bà bị đánh ghen, người mẹ, đứa con gái đến những người đàn bà “của cha tôi”.

Tuy viết về bi kịch, nhưng như chính Nguyễn Ngọc Tư đã nói, chị viết bằng “giọng văn và ngôn ngữ đối thoại tưng tửng, hóm hỉnh” nên cái chất bi thương đã bớt đi nhiều, chỉ còn đọng lại những xúc động, day dứt, suy tư cho người đọc. Ở chương sau, chúng tôi sẽ nói cụ thể hơn về chất giọng “tưng tửng, hóm hỉnh” đặc biệt ấy của chị.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 64)