Sử dụng nhiều từ láy, từ ngữ tạo hình biểu cảm, giàu chất thơ

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 106)

6. Đóng góp của luận văn

4.1.3. Sử dụng nhiều từ láy, từ ngữ tạo hình biểu cảm, giàu chất thơ

Đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư lên ta sẽ ngạc nhiên, thú vị bởi một hệ thống các từ láy được dùng trong tác phẩm. Nó khiến câu văn giàu hình ảnh, giàu tính hình tượng hơn, thể hiện vốn từ phong phú và khả năng vận dụng linh hoạt của tác giả. Khảo sát một số tác phẩm, chúng tôi thấy số lượng từ láy mà tác giả sử dụng là khá lớn. Chúng tôi thống kê được những từ láy sau trong truyện ngắn Sầu trên đỉnh Puvan: rời rạc, run rẩy, lặng lẽ, kha khá, cằn nhằn, rột rẹt, ướt rượt, rình rang, rau ráu, ràn rụa, ngơ ngác, rã rời, trâng tráo, binh rỉnh, ọc ạch, mon men, còm cõi, chập chờn, đau đáu, tả tơi, lửng lơ, khẳng khiu, trơ trọi, lọ mọ, day diết, cười cợt, lóc cóc, nấn ná, trống rỗng, mù mù, na ná, luôn luôn, lon ton, xơ xác, tinh tế, mếu máo, rách rưới, trợn trừng trợn trạc, lào xào, lạnh lùng, bồn chồn, háo hức, da diết, chông chênh, đìu hiu, hắt hiu, kể lể, ngượng ngập, nguệch ngoạc, vân ve, xúng xính,

rõ ràng, trắng trẻo, xa lạ, héo hắt, lay phay, ướt rượt, quắt queo, từ từ, lấp lánh, lặn lội, rào rào, rạng rỡ, nhạt nhẽo, ngắc ngoải…

Hay trong Cánh đồng bất tận, chỉ trong ba trang đầu, chúng tôi đã thấy xuất hiện những từ láy sau: hung hãn, lúc nhúc, cuống quýt, nháo nhào, nhớp nháp, hoi hót, xao xác, tả tơi, lê lết, quăng quật, rạo rực, hằn học, hả hê, dục dặc, hì hục, ngơ ngác, háo hức, lồm cồm, sung sướng, nhảy nhót, chói lói, tao tác, bần bật, khét lẹt, phơ phất, mếu máo, im lìm, mênh mang, thiu thỉu, nghẹn ngào, rên rỉ…

Sự có mặt của những từ láy khiến cho hình ảnh trong câu văn sống động hơn, như đang cựa quậy, quẫy đạp nhằm tự mình nói lên ý nghĩa, khiến âm điệu lời kể dạt dào xúc cảm, y hệt cách nói chuyện của người dân quê khi có dịp hàn huyên. Ngoài ra, hệ thống từ láy và những từ ngữ biểu cảm, giàu tính hình tượng cũng được sử dụng đặc biệt hiệu quả khi tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên vùng sông nước, tạo nên những dòng văn giàu chất thơ, trữ tình tha thiết, nhất là khi viết về nắng - gió - dòng sông - cánh đồng, những hình ảnh thường trở đi trở lại đầy ám ảnh trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Ví dụ như:

- “Nắng trên cao lợt nhách, xuyên qua tàn cây xuống đến sân thì tệ hơn, chỉ là những chùm bông nắng mờ mờ. Lâu lâu, vài ngọn gió mồ côileo heo chạy lệt phệt

qua, những cái lá me lững thững rơi xuống, đám lông chó lại lờ đờ bay ngược lên, để lại nền sân vài bông nắng thưa, tái ngắt” (Vết chim trời).

- “Gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng” (Chiều vắng).

- “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên nầy tôi tự dưng nghĩ ra). Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu

làm dịu lại mảng vàng rực của lúa” (Cánh đồng bất tận).

- “Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước. Nếu không vướng tầm mắt vào đám ô rô mọc lởm chởm từ mé lên, không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại, có thể thấy lồng lộng một khúc sông. Đêm sáng trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất

đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng dãi mưa đã teo héo. Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng buồn xao xác…” (Dòng nhớ). - “Những chiều phai, nhìn ra sông thấy lục bình trôi, lơ phơ mấy cái bông lục bình quá thì, cũng phai như chiều. Ngó ra sau nhà thấy một vạt đồng trũng sâu, ngoi lên mặt nước những bông lúa thưa thớt, xanh xao…” (Thổ Sầu).

- “Và một hàng dừa nước bên sông nghiêng mình soi đáy. Những ngày gió

chướng về, nước trong vằng vặc như thấy rành rành từng sớ lá” (64, 151).

- “Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm…” (Cánh đồng bất tận).

Đó thật sự là những áng văn tuyệt đẹp về miền sông nước Cửu Long rất đỗi nên thơ, hiền hòa, trữ tình. Những áng “tự tình quê hương” tha thiết, đắm đuối của một điệu hồn lãng mạn, gắn bó máu thịt với chốn quê hồn hậu, thân thuộc.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 106)