Giọng điệu cảm thương, trách giận

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 122)

6. Đóng góp của luận văn

4.2.2.2. Giọng điệu cảm thương, trách giận

Trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện khi là một người chăm chú theo dõi diễn biến cuộc đời và số phận các nhân vật trong câu chuyện kể, lúc lại xuất hiện với vai trò người trong cuộc tự bộc lộ, giãi bày tâm tình. Dù xuất hiện ở cương vị nào, điểm nhìn nào thì giọng điệu của người kể chuyện luôn là giọng cảm thương, chia sẻ và đôi khi trách giận nhẹ nhàng mà thấm thía.

Sở dĩ các sáng tác của chị có sự chi phối bởi giọng điệu chủ đạo ấy vì hầu hết các nhân vật chính trong truyện đều là những nhân vật có cuộc sống khó nhọc, lắm bi thương. Họ là những người nông dân cần cù, chăm chỉ, những người nghệ sỹ hết mình vì nghệ thuật nhưng cuộc sống lại long đong, đói nghèo. Họ là những người mẹ, người cha, người chồng, người vợ, người con có số phận ngang trái, éo le. Họ là những người yêu hết lòng, hi sinh hết mình nhưng không được đền đáp… Viết về họ, Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm niềm cảm thương, chia sẻ chân thành. Chị mượn

lời người kể để tỏ bày, nên những cung bậc cảm xúc buồn thương, xót xa, đồng cảm, trách giận được bộc lộ tự nhiên, chân thành và có chiều sâu, làm day dứt, ám ảnh người đọc.

Giọng điệu cảm thương, trách giận của người kể chuyện được biểu hiện ở nhiều phương diện như cách sử dụng ngôn ngữ, xây dựng cú pháp, mô típ hình tượng và sử dụng các biện pháp tu từ, cảm hứng cảm thương…

“Ngôn ngữ người trần thuật… còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả” [43, 213]. Vì vậy mà chúng tôi nhận thấy, trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, giọng điệu cảm thương, trách giận được bộc lộ qua cách lựa chọn ngôn ngữ, nhất là thứ ngôn ngữ của cảm giác, suy tưởng. Đó là ngôn ngữ được lọc qua tâm lý nhân vật nên mang đậm màu sắc chủ quan, thứ ngôn ngữ sống dậy từ những kí ức đau buồn, tạo cảm giác lê thê, tê tái.

Trong Cánh đồng bất tận, người kể chuyện là người trong cuộc, kể về câu chuyện của chính mình với những dấu ấn cảm xúc rất rõ: “Tôi đã chờ nó đến khi mùa mưa đổ xuống cánh đồng Chia Cắt (tôi tạm gọi vậy) một trời sao. Chờ chơi vậy, chứ tôi biết Điền chẳng quay về. Tôi nhớ nó (và nhớ chị) không thôi. Những lần dọn cơm tôi hay lấy chén đũa cho cả bốn người. Cha tôi rất khó chịu, ông ngán ngẩm đứng dậy. Tôi ngồi một mình, chan nước vào chén cơm như chan nỗi trống trải khủng khiếp” [67, 204]. Nỗi buồn da diết của nhân vật tôi đã tạo nên giọng điệu bùi ngùi thương cảm và nó cứ lan tỏa sang cõi lòng người đọc.

Có đoạn ngôn ngữ kể chuyện là sự hồi nguyên của những cảm xúc từ lâu đã lặn tận đáy lòng: “Tôi không biết, tôi đã ngưng nhớ nó từ khi sống cuộc sống trên dồng, nhưng đêm nay, sao tôi lại nghĩ tới, cả chuyện kiếm tiền để chữa mắt cho Điền… Đêm nay sao tôi thế này? Vì nhìn thấy niềm hi vọng ư?” [67, 183]. Có khi là sự cảm nhận về một cuộc sống luôn bị bủa vây bởi những “rắp tâm, phụ phàng” của người cha: “Trời ơi, trừ chị em tôi, không ai thấy đực đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân. Nên mỗi lần cha nhìn đăm đăm và mỉm cười với một người đàn bà mới, chúng tôi lại thắt

thẻo…” [67, 190]. Người kể chuyện như đắm chìm vào những xúc cảm nội tâm với những nỗi đau quặn thắt, sự cô đơn hoang lạnh, nỗi buồn cùng cực của thân phận con người và cả lo sợ đến thắt lòng, khiến câu chữ rã rượi, vỡ òa trong nỗi xót xa, thương cảm. Giọng của người kể chuyện nhòe với giọng nhân vật, giọng độc thoại nhòe với giọng đối thoại, giọng hiện hữu nhòe với giọng suy tưởng… đã tạo nên âm điệu buồn thương trước thế thái nhân tình.

Người kể chuyện trong truyện ngắn Đau gì như thể… ẩn mình, lặng lẽ dõi

theo bi kịch của nhân vật, để nhân vật tự giãi bày nỗi đau oan khuất của mình: “Thiên hạ phải để tôi sống đàng hoàng như một con người chớ” [66, 126]. Nhưng có khi giọng người kể lại hòa vào cảm xúc, tiếng lòng của nhân vật để sẻ chia: “Ôi! Những tâm hồn tươi hơn hớn, những khuôn mặt không nhuốm sầu lo kia làm sao biết được niềm ao ước của ông Tư mỗi khi nhìn thằng Sáng bò lủm củm trên đất, ông khao khát có một ngày được đàng hoàng, đĩnh đạc bồng nó xênh xang đi trên con đường xóm rập rờn hoa cỏ dại…” [66, 130]. Đó cũng là sự trách giận thấm thía đối với thói phũ phàng, vô tâm của người đời, vô tình đã gieo nên bi kịch cho cuộc đời của cha con ông Tư Nhỏ. Ngôn ngữ đó là ngôn ngữ của cảm giác, người kể đã nghe thấu nỗi đau từ sâu thẳm tâm hồn Tư Nhớ và diễn tả hộ nhân vật. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia với niềm đau, sự oan ức không gì tả nổi của nhân vật khiến giọng điệu cảm thương càng da diết hơn.

Giọng cảm thương, trách giận còn được thể hiện qua lời nửa trực tiếp. Hình thức là lời trần thuật của người kể chuyện nhưng nội dung, cái hồn của nó lại thuộc về nhân vật. Người kể đã hòa vào cảm xúc, kí ức nhân vật. Vì vậy mà người kể dễ dàng thấu hiểu và sẻ chia những đau đớn trong tâm hồn nhân vật. Đây là một đoạn: “Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà dành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống cùng với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại mà ngủ… Còn người ta, nhớ thương đứt ruột cũng đành ngồi đây ngó lên, giữa đường gặp nhau chỉ nhìn vậy thôi mà không dám chào hỏi tiếng nào. Đau lắm chớ” [67, 131]. Ở đây lời nhân vật đan xen, hòa trong lời kể; lời văn hướng vào nội tâm nhân vật, lột tả

được những tâm tư thầm kín nên “tôi” đã phát ngôn bằng từ ngữ và tâm trạng của má mình, thể hiện những suy tư trăn trở đầy cao thượng. Lời kể toát lên giọng diệu vừa cảm thông vừa khâm phục tấm lòng vị tha, đầy hi sinh của “má”.

Giọng điệu cảm thương, trách giận của người kể chuyện còn được thể hiện qua việc sử dụng những câu hỏi tu từ. Đó là một hình thức để bày tỏ nỗi niềm, tâm trạng nhân vật, cùng sự đồng cảm, xót xa của nhà văn. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng khá nhiều câu hỏi tu từ, tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật trong sáng tác của chị như chúng tôi đã phân tích ở phần trước của luận văn. Nó thường xuất hiện khi nhân vật phải tự đào sâu vào bên trong tâm hồn mình, tự hỏi mình để hiểu mình, hiểu đời. Nó có khả năng tái hiện tự nhiên, ám ảnh mọi diễn biến trong thế giới nội tâm nhân vật từ tủi hổ, xót xa, chán chường đến mong chờ, ngạc nhiên, buồn thương, trách giận… Qua đó cũng bộc lộ cái nhìn yêu thương, trân trọng của nhà văn đối với nhân vật của mình.

Những câu hỏi đầy dằn vặt, tự trách mình, trách người ở cuối tác phẩm Đau gì

như thể… không chỉ là lời của nhân vật mà còn là lời của người kể chuyện: “Con Nga (…) nghĩ mình ngu thiệt, mình nuôi hận người ấy làm chi đây, mình trả đũa làm chi, đổi lấy cái gì? Có đáng không những tháng năm dài vằng vặc? Những tâm hồn tổn thương? Và kia, một mái đầu bạc phơ xơ xác? Có đáng không? Trời ơi, có đáng không?” [66, 132]. Đó là những lời vừa cảm thương, chia sẻ nhưng cũng đầy trách giận: vì những lỡ lầm, nông nổi, vì sự yếu đuối muốn bảo vệ cho người mình yêu - một kẻ không xứng đáng - nên Nga đã gây ra bao đau khổ cho cha mình.

Hay những câu hỏi tu từ ở cuối tác phẩm Thương quá rau răm cũng vậy. Nó

không chỉ là lời cảm thương cho nỗi đợi chờ tuyệt vọng của một người con gái mà còn là lời trách giận thấm thía với những kẻ sống ít ân tình: “Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” [67, 25].

Giọng điệu cảm thương trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn được thể hiện ngay từ nhan đề - vừa nghe đã thấy ngay nỗi buồn, nỗi sầu, nỗi ngậm ngùi, thương cảm của tác giả với những số phận gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời: Nỗi buồn rất lạ, Sầu trên đỉnh Puvan, Thương quá rau răm, Nhớ sông, Dòng nhớ, Đau gì như thể…, Ngổn ngang, Bởi yêu thương…

Khi viết về những bất công trong đời sống: một Tư Đờ tham nhũng (Nỗi buồn

rất lạ), một Bảo tha hóa trước đồng tiền (Ngổn ngang), sự bàng quan, quan liêu của

cán bộ cấp trên (Lỡ mùa), sự biến chất của những cô gái quê (Miên - Cỏ xanh;

Bông - Bến đò xóm Miễu)… giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ có cảm

thương mà còn có cả trách giận nhẹ nhàng.

Giọng điệu cảm thương thấm nhuần trang viết của Nguyễn Ngọc Tư bởi trước hết trái tim phụ nữ nhân hậu của nhà văn đã sẵn mối thông cảm, chia sẻ với cuộc đời, số phận nhân vật. Cuộc sống, tâm tư, cảnh ngộ, số phận của những nhân vật trong truyện ngắn của chị là những người chị hiểu và đồng cảm sâu sắc. Chính vì thế câu chuyện họ kể và truyện được viết ra là cảm hứng thương cảm với những số phận gần gũi và quen thuộc với nhà văn. Nhà văn không phải là người đứng ngoài kể lại số phận của nhân vật mà là một người trong cuộc thấu hiểu và chia sẻ với những mất mát, thua thiệt và cay đắng mà nhân vật phải gánh chịu. Cảm thương, trách giận nhưng vẫn hướng con người đến niềm tin vào cuộc sống; do đó giọng điệu của người viết không rơi vào bi lụy, bi quan. Có người đã nói: “Giọng buồn của Nguyễn Ngọc Tư không là tiếng than vãn thì thầm của một người lớn tuổi, nhưng là một lời thốt, lửng lơ, đứt ngang nhưng rất đủ, của một người trẻ bỗng nhiên phát giác những bất hạnh của cuộc đời, mà vẫn hi vọng” [7].

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 122)