Giọng điệu dí dỏm, hài hước

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 126)

6. Đóng góp của luận văn

4.2.2.3. Giọng điệu dí dỏm, hài hước

Để những câu chuyện buồn thương, những số phận bi kịch bớt nặng nề, xa xót Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo gia giảm những chi tiết dí dỏm, hài hước. Những chi tiết ấy khiến ta hình dung ra một người kể chuyện hóm hỉnh, thông minh. Người đọc cũng phải tủm tỉm cười vì những duyên cớ thật nhỏ nhưng thật đắt, thú vị và đáng nhớ khi gấp trang sách lại.

Thương quá rau răm, để Văn khỏi buồn chán bằng cách luôn bận rộn, trưởng ấp Tư Mốt đã “làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất nầy như thế nào, thiếu anh người cù lao sống không nổi chứ chơi à” nên “thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hỏng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám”. Nên bà con tới xin khám với các loại bệnh đến buồn cười: nhậu xỉn là ói, bệnh “suy nghĩ chưa ra”, đau bụng kinh, còng kẹp “chim”… vì “bác Tư biểu ai cũng phải đi khám cho chú bác sĩ vui, chú không bỏ về thành phố. Con đâu có bịnh, tính bắt còng kẹp chơi…” [67, 20-21]. Giữa câu chuyện buồn man mác, ta bỗng bật cười vì sự hồn hậu của người quê và tình quê: hồn nhiên, chất phác, quý người đến tội nghiệp.

Hay như trong truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc cũng vậy. Gặp lại Đào Hồng, người thương bao nhiêu năm của mình, ông Chín bàng hoàng thấy “nhan sắc ngày xưa của bà không còn nữa” và “nước mắt rớt cái độp”. Nước mắt của một ông già được miêu tả rất lạ: “rớt cái độp” - rất khẩu ngữ, rất Nguyễn Ngọc Tư, nhờ vậy mà yếu tố bi thương giảm đi nhiều. Hoặc như chi tiết cuối tác phẩm: “Ông nói với tôi rằng bỏ cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng, bởi vì đời ông thực có ý nghĩa. Lần đầu tiên ông được đóng vai chính… Phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông thương yêu, ông gọi “Má ơi!” và thấy bà mỉm cười” [67, 97]. Vai chính có ý nghĩa nhất của ông chính là vai con của Đào Hồng - việc làm tận nghĩa của ông trước khi bà mất. Chi tiết ấy bề ngoài thì hài hước, nhưng tận cùng lại là một nỗi đau đem đến sự xúc động vô cùng cho người đọc.

Có những chi tiết trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cười chảy ra nước mắt. Cười xong mà thấy đau buốt bởi nó diễn tả một trạng huống ngộ nghĩnh đầy xót xa. Nhân vật ông Tư Nhỏ (Cải ơi!) “thèm lên ti vi muốn chết giấc mà không được”, rồi “muốn làm bí thơ tỉnh” để “lên ti vi chớ chi, lúc đó, tao đàng hoàng nói với con Cải, tao nói từ từ, nhắc chuyện ngày xưa cho nó nghe” [67, 14], Rồi ông cố tình biến mình thành một tên trộm ngốc nghếch nhằm bị bêu gương lên ti vi nhưng ước mong được xuất hiện trên đó để gọi hai tiếng “Cải ơi!” mãi không thành hiện thực, khiến khát vọng tìm con mãi vô vọng. Hay chi tiết “Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông chợ

Lớn” [67, 8] cũng khiến người ta ngậm ngùi cho cuộc đời của người nghệ sĩ nghèo khó.

Rồi có cả những chi tiết khôi hài đến không nhịn nổi cười: “Ngày dì út Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một lượt ba chiếc răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với Sư Huệ, bây giờ không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc vầy… Bà Sư già nghe xong niệm phật mà không nén được cười (…). Bây giờ gần hai mươi năm rồi, tóc đã trắng những sợi già, chuyện tình đó vẫn chưa đi tới đâu” [66, 40]. Người ta yêu nhau không màng thời gian tuổi tác, yêu đến “đầu bạc răng long” theo đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng. Hay, “Đào Phỉ tám mươi chín tuổi (…) có bữa lỡ ca rớt nhịp, ngồi than, “Kiểu nầy chắc tui sống hỏng thọ quá”. Bà con trong hẻm cười cái rần.” [67, 88-89]. Hoặc như trong truyện ngắn Lỡ mùa: “Tiên cũng vậy, tiên gì mà xấu hì (…) Bù lại nó cười thiệt

ngọt, cười giống như má mình như ngoại mình, móm mém hiền khô, như rót vào lòng. Một nụ cười lương thiện. Cậu May không bao giờ nhìn thấy nụ cười đó, nhưng cậu nói con người Tiên thiệt thà, hỏi sao cậu biết thì cậu cười, "Thì đui thử như tui đi, rồi biết…". Trời, ai ngu sao”; “Dì Hên cười buồn, nghĩ, cái vai nọ có phải là của con đâu, khờ ơi, vai bây chai cứng vì gánh nước tảo tần. Mà thật, trong bài hát của Sỹ tuyệt không thấy bóng dáng Tiên, anh chỉ toàn dùng những từ trắng trong, chân thon gót nhỏ, mong manh yếu đuối… (Nhưng viết đôi bàn tay em thối móng vì giặt nhiều đồ, làn da em sạm đen dưới nắng, mái tóc em cháy xác xơ… thì còn gì là nghệ thuật nữa)”… Dường như sự hóm hỉnh, khôi hài là những gia vị cần thiết, đúng chỗ làm đa dạng hương vị cho bữa ăn tinh thần thịnh soạn mà Nguyễn Ngọc Tư bày ra cho bạn đọc. Hóm hỉnh, khôi hài làm cho người ta thêm nhớ, thêm yêu một nhà văn có giọng điệu đặc biệt.

Đôi khi trong những câu chuyện tràn ngập u buồn ta lại thấy một vài chi tiết hóm hỉnh rất đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư, như một khoảng lặng làm cân bằng xúc cảm người đọc. Như trong truyện Gió lẻ: “Những con đường đó vẫn biến đổi mỗi ngày: (…) pa nô giăng ngang đầu “Giải quần vợt mở rộng” hôm nay đã bị mưa làm rơi mất chữ t…” [69, 148]. Hay như trong truyện Duyên phận so le, nhà

văn xây dựng tình huống truyện là một buổi thi kể xem đời ai buồn nhất. Cứ như thi văn nghệ, thi nấu ăn, thi tài năng… vậy. Nghe qua thì buồn cười, lạ và ngộ quá, nhưng rồi lại thấy xót xa, bởi đời ai cũng buồn. Suốt cả thiên truyện, nhà văn dẫn dắt một cách khéo léo, tự nhiên để bạn đọc hiểu dần, thấm dần, ngộ ra nhiều điều trong cuộc đời người buồn nhất cuộc thi. Người đọc trải qua nhiều tình tiết, nhiều tâm trạng, nhập thân cùng nhà văn, cùng nhân vật, rưng rưng cùng những nỗi niềm… Thấy phận người sao mà buồn. Nhưng nhà văn không để cho chúng ta chìm sâu trong cảm giác đó. Kết thúc tác phẩm, chị viết, rất hài hước: “Mấy chuyện này may mà Xuyến giấu chặt trong lòng, phải chi kể ra chắc là buồn vô địch cấp huyện chứ sá gì cái Mũi So Le nhỏ nhoi này” [67, 143]. Nói về nỗi buồn mà còn thi thố, danh hiệu, đã “vô địch” lại còn “vô địch cấp huyện”! Hài nhưng tận cùng của nó là bi, là đau xót cho phận người.

Nguyễn Ngọc Tư đã tạo được cái duyên ngầm riêng trong lối kể chuyện của mình: trong sáng, hồn hậu mà tâm tình, thủ thỉ, cảm thương, trách giận mà không bi lụy do được gia giảm những chi tiết hóm hỉnh, dí dỏm… điều mà nhiều nhà văn cùng thời không có. Nhà văn Dạ Ngân cho rằng: “Đọc cái nào xong cũng phải nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho người đọc hôm nay”.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)