Bàn luận, triết lí

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 96)

6. Đóng góp của luận văn

3.3.2.4. Bàn luận, triết lí

Thỉnh thoảng, trong một vài truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư lại để cho nhân vật triết lí, đặc biệt là về nỗi buồn và sự cô đơn. Triết lý của những nhà văn lớp trước như Nam Cao, Nguyễn Khải hay sau này như Nguyễn Huy Thiệp thường sắc sảo, thâm sâu, thể hiện sự từng trải trong đời sống dù là ở nhân vật nông dân hay trí trức. Những triết lí, bàn luận trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường được các nhân vật phát ngôn một cách hồn nhiên, như là “thấy thế thì nói vậy chơi”, đúng với ai thì đúng, đúng đâu thì đúng…

Về nỗi buồn:

- “Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu” [67, 105].

- “Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường, sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh” [67, 175].

- “Trời ơi, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi. Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi?” [67, 38].

Về nỗi đau:

- “Với nỗi đau sâu hoắm sẵn trong lòng, thì những biến cố khác chẳng qua như một vết xước nhỏ ngoài da, nhằm nhò gì” [67, 197].

- “Ở đời tưởng đâu người ta chửi mắng, xâu xé nhau là mất tình. Lợt lạt nhau cũng có tình gì đâu” [61].

- “Người đời luôn luôn nuối tiếc những gì không trọn vẹn” [64].

- “Người ta, sống ở đời cốt là tấm lòng” [67, 95].

- “Con người ta vậy, nhìn nhau phải nhìn mặt tốt của nhau” [67, 110].

- “Làm điếm được trả tiền mà buồn nỗi gì” [67, 166].

- “Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn” [67, 213].

- “Ngoái nhìn quá khứ nghĩa là tương lai, hiện tại không có gì để làm” [69, 48].

- “Đời vốn không buồn, nhưng người ta cứ làm cho nó buồn” [69, 110]. - “Thành phố đã xua đuổi thiên nhiên đi xa” (Khói trời lộng lẫy).

Về niềm vui, hạnh phúc, tình nghĩa:

- “Sướng nhất là được uống rượu dưới trăng” [69, 110].

- “Âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người”

(Khói trời lộng lẫy).

- “Thâm tình cũng như nước dưới sông, có chảy đi đâu, có chém vè ở đâu cũng hợp lại một dòng xuôi chảy mãi” [64].

Những triết lí, bàn luận đó được nhân vật hoặc người kể chuyện thốt ra một cách tự nhiên đem đến cho người đọc những thức nhận thú vị về đời sống và con người, làm sâu sắc thêm chủ đề và ý nghĩa bài học nhân sinh trong tác phẩm.

Như vậy, với cốt truyện sáng tạo và thế giới nhân vật độc đáo, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Độc giả yêu mến chị từ những câu chuyện mộc mạc, đậm chất nhân văn, những nhân vật nghĩa tình, cao thượng, khiến mọi người thấy yêu đời, tin tưởng hơn vào con người, vào nhân tính…

Chương 4

NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ

4.1. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Cùng với cốt truyện và nhân vật thì ngôn ngữ là một đặc trưng quan trọng của thể loại tự sự, bởi nó vừa là công cụ vùa là phương tiện để nhà văn tạo lập nên tác phẩm. Nếu không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học. Gorki khẳng định: yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu văn học.

Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ văn học mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học.

Ngôn ngữ nhân dân được coi là cội nguồn của ngôn ngữ nghệ thuật, được chắt lọc, rèn rũa qua lao động nghệ thuật của nhà văn; đến lượt mình, nó lại góp phần làm phong phú cho ngôn ngữ nhân dân. Ngôn ngữ nghệ thuật “là một hệ thống các

phương thức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống các quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mĩ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật.” [43, 186]. Trong tác

phẩm, ngôn ngữ nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng… của nhà văn. Nguyễn Ngọc Tư đã tạo được phong cách riêng cho mình từ những trang văn thấm đẫm giọng nói Nam Bộ, vừa ngọt ngào, truyền cảm, vừa diễn tả đúng cái thần, cái hồn của con người Nam Bộ mà khó có ai theo kịp.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 96)