Khái niệm giọng điệu

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 117)

6. Đóng góp của luận văn

4.2.1. Khái niệm giọng điệu

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nên một trong những điều quan trọng nhất với một nhà văn là phải tạo được tiếng nói riêng cho mình, tức là một giọng điệu riêng không lẫn với ai cả: “Nếu tác giả nào đó không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả” (Sêkhốp).

Nói đến giọng điệu là nói đến một hiện tượng mang tính cá nhân cao độ trong sáng tạo nghệ thuật. Nó là một trong những yếu tố chủ đạo cấu thành hình thức nghệ thuật của một tác phẩm. Giọng điệu chính là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách riêng của mỗi nhà văn, tạo nên sự khác nhau giữa nhà văn này với nhà văn khác. Đặc biệt, giọng điệu góp phần không nhỏ để làm nên sức hấp dẫn cho mỗi tác phẩm.

“Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học” [43, 135]. Nó phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có tác dụng truyền cảm đến người đọc.

Giọng điệu bộc lộ tình cảm chủ quan của nhà văn, thái độ và cách đánh giá của nhà văn đối với con người và những hiện tượng được miêu tả. Thế nên, nhà văn tài năng phải có giọng điệu riêng, nó thể hiện trong toàn bộ các sáng tác của nhà văn

ấy. Qua giọng điệu, ta có thể nhận ra được tác giả. Người sành sỏi về văn chương có thể căn cứ vào những đặc điểm về giọng điệu của một đoạn văn tự sự nhất định để xác định tác giả của nó: “giọng điệu trong tác phẩm gắn với cái giọng “trời phú” của mỗi tác giả, nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện” [43, 135]. Giọng điệu là cơ sở giúp người đọc có thể khai thông tác phẩm để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn.

Trong tác phẩm, giọng điệu không phải là yếu tố ngôn ngữ thông thường, nó cũng không phải là phép cộng đơn giản của các câu chữ. Giọng điệu nghệ thuật là yếu tố siêu ngôn ngữ bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Nó được tạo thành do sự kết hợp hài hòa, cộng hưởng của những yếu tố ngôn ngữ cùng sự thăng hoa cảm xúc của chủ thể. Vì vậy, không nên đồng nhất nó với giọng điệu tác giả vốn có ngoài đời.

Giọng điệu chịu sự chi phối của chủ thể sáng tác, liên quan đến đối tượng phản ánh và được bộc lộ qua sự kết hợp hài hòa các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm. Để xác định giọng điệu của tác phẩm, người ta có thể căn cứ vào hệ thống từ ngữ, cách xưng hô, kết cấu, cách sử dụng mô típ và xây dựng hình tượng trong tác phẩm dưới sự chi phối của một cảm hứng chủ đạo và sự quy chiếu của một cái nhìn cụ thể. Trong Nhập môn phê bình văn học, K. Danziger và S. Johnson nhận định giọng điệu “là phạm trù có liên quan đến tất cả các yếu tố tạo nên văn phong bao gồm: cách diễn đạt, hình tượng, cú pháp, âm thanh và nhịp điệu… là biểu hiện của một thái độ về phía đối tượng được nêu rõ hay ngụ ý” [4, 66]. Như vậy, giọng điệu là yếu tố bộc lộ chủ thể một cách rõ nét. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Giọng điệu biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật” [10, 34]. Giọng điệu là sự thể hiện lập trường xã hội, thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ, sở trường ngôn ngữ của tác giả, nó gắn chặt với đối tượng giao tiếp và cách thức tổ chức lời lẽ diễn đạt. Người ta có thể phân biệt thành các kiểu giọng: giọng suồng sã, bỡn cợt, giọng sùng kính, ngưỡng mộ, giọng châm biếm, mỉa mai, giọng đau buồn, thất vọng hay hân hoan vui sướng…

Trong mỗi tác phẩm văn học thường bao giờ cũng có một giọng điệu chủ yếu, bên cạnh những giọng điệu khác được sử dụng làm bè đệm. Giọng điệu chủ yếu tạo nên âm hưởng chủ đạo bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Giọng điệu ấy lặp lại nhiều lần ở những tác phẩm khác nhau sẽ tạo ra giọng điệu đặc trưng cho nhà văn. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, dù có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. Việc tìm được giọng điệu thích hợp với tác phẩm giúp nhà văn tạo được sức lôi cuốn cho tác phẩm và khẳng định được tài năng văn chương của mình: “Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là cái giọng riêng của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác… đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo” (Tuốc-ghê-nhép).

“Giọng điệu là phương thức biểu đạt bằng những cách xưng hô, gọi tên sự vật, hệ thống từ vựng và cảm hứng chủ đạo của tác giả” [39, 65]. Trong tác phẩm tự sự, giọng điệu trần thuật có một vị trí rất quan trọng, nó phức tạp hơn trong thơ ca. Giọng của người kể chuyện có thể là nhân vật (xưng tôi) hay người kể vô hình nhưng thể hiện kín đáo cái tôi thứ hai của tác giả. Qua giọng điệu trần thuật, người đọc có thể cảm nhận được thái độ, tình cảm của người kể chuyện với đối tượng kể (gần gũi hay xa cách, yêu thương hay căm ghét, tôn kính hay suồng sã, thân mật…), hiểu được những ý tình mà nhà văn gửi gắm vào đó.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)