Những con người cô đơn, trốn tránh hiện tại, hay suy tư, hồi tưởng về quá

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 74)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Những con người cô đơn, trốn tránh hiện tại, hay suy tư, hồi tưởng về quá

quá khứ

Khi đi sâu vào thế giới tinh thần của các nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư hay khai thác cái tôi cô đơn, hoài niệm của họ. Những con người đó sống trong thế giới riêng của mình, không thể sẻ chia với ai và không ai có thể sẻ chia. Có khi họ cô đơn vì bị người khác hiểu lầm, vì những éo le trong đời sống tình cảm mà không thể san sẻ cùng ai như Xuyến (Duyên phận so le), Tư Nhỏ (Đau gì như thể…). Có khi họ cô đơn vì luôn trốn tránh hiện tại, quá nặng lòng với quá khứ như những nhân vật đàn ông trong Một mối tình, Chiều vắng như những người phụ nữ trong Dòng nhớ, Nước chảy mây trôi…

Thật dễ hiểu vì sao các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư cô đơn. Trước hết đó là do quan niệm nghệ thuật của chị như đã nói ở phần đầu luận văn; mặt khác, các nhân vật của chị thường được đặt trong một không gian rộng lớn, vắng vẻ (cánh đồng, dòng sông) hoặc giữa một “biển người mênh mông” nên thường xuất hiện cảm giác cô đơn, lưu lạc. Con người có cảm giác gắn bó, tồn tại hiện hữu hơn khi gắn với một quê hương bản quán, giữa những chiều không gian quá khứ, hiện tại và tương lai; ngược lại, thiếu đi những điều này nhân vật sẽ rơi vào cõi cô đơn.

Nhân vật Phi trong Biển người mênh mông có những điều ngược lại như thế.

Dường như nỗi cô đơn của con người bị tách khỏi cộng đồng đã ám ảnh Phi từ khi anh mới sinh ra. Cậu bé Phi sống lủi thủi một mình chỉ vì “đi đâu người ta cũng bảo giống ông Hiểu nào, trưởng đồn Vàm Mấm nào á. Con với ổng nước lã, người dưng mà, ngoại?” [67, 100]. Cái mặc cảm ấy lớn dần lên khi Phi hiểu ra mọi sự, đồng nghĩa với quá trình Phi tách dần mình ra khỏi cuộc sống con người, mà người đầu tiên anh rời xa là má. Phi đi hát, “sống bê bối” vì không có ai nhắc nhở, quan tâm. Chỉ đến một lúc nào đó anh mới nhận thức được rõ nỗi cô đơn của mình: “Lúc đó, Phi vừa ngủ dậy, đứng lặng, lắng nghe tiếng bịp bịp buồn buồn xa vời vợi trong ánh nắng chiều, Phi nhớ triền dừa nước xanh miết ở trước nhà ngoại mình, nhớ đứt ruột” [67, 105].

Những đứa trẻ trong Cánh đồng bất tận luôn khao khát tình yêu và chia sẻ, thèm hơi ấm của con người mà không có được. Cuộc sống lang bạt, tách khỏi thế giới loài người đã tạo ra những đứa trẻ “không bình thường”. Chúng “nghèo rơi nghèo rớt”, nhưng không chỉ là vật chất mà còn vì “nghèo đến nỗi không có… ông nội để thương”, không có một mái nhà, mảnh đất, cái cây để nhớ nhung khi xa cách. Sống mà phải “buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác” [67, 188], sống mà không có cả cái quyền “được đưa tiễn, được xao xuyến nhìn những cái vẫy tay, được nhận vài món quà quê… cùng lời dặn dò quyến luyến” [67, 191], sống mà trong lòng chỉ có những kí ức đắng cay về sự phản bội của mẹ, về những cuộc tình ngắn ngủi, phũ phàng của cha... Câu hỏi “Có ai chờ chúng tôi, trên những cánh đồng khơi?” [67, 187] day dứt, ám ảnh người đọc bởi ý vị buồn tủi, xót xa của nỗi cô đơn vô phương trong đó.

Giang (Nhớ sông) lại cảm thấy cô đơn khi phải lên bờ sống, rời xa chiếc ghe nhỏ - nơi cả gia đình Giang đã cùng nhau sống và chứng kiến cái chết của má Giang. Giang lấy chồng, lên bờ sống nhưng “lòng dạ ở đâu á”; sông nước, cuộc sống ghe thuyền làm Giang không sao quên được, “cơm nước, quét dọn xong để hở ra giờ

nào, Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy”, “chèo khơi khơi… chèo đã đời rồi buông chèo lụi vô đám lá, lấy tay vịn, ngồi ở đó. Rồi chèo về” [67, 117].

Nguyễn Ngọc Tư như muốn nhắc nhở mọi người rằng: con người sẽ cô đơn khi tách mình khỏi quê hương, không gian sống quen thuộc, cách xa người thân, khi sống mà chỉ mãi chìm đắm trong quá khứ, không có ngày mai, quên mất hiện tại. Mang cảm thức thời đại, khi viết về nỗi cô đơn của con người, Nguyễn Ngọc Tư đã tỏ rõ sự tài hoa và sâu sắc trong ngòi bút của mình; từ đó chị đã khái quát được bi kịch “ngậm ngùi” nhất của con người thời hiện đại: Cái đói, cái nghèo không đáng sợ bằng sự cô đơn, lạc lõng của kiếp người.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 74)