6. Đóng góp của luận văn
2.2.1. Cốt truyện truyền thống
Những truyện ngắn có cốt truyện truyền thống là những truyện ngắn có cốt truyện tiêu biểu; nghĩa là nhà văn rất công phu trong việc sáng tạo cốt truyện với những tình tiết, chi tiết điển hình, đoạn kết được chú ý, nhân vật rõ nét, yếu tố “kể chuyện” nổi hơn sự “tả” và “phân tích”, “biểu hiện cảm xúc”, nhịp chậm, truyện phải có đầu có đuôi, đọc xong độc giả không còn phải tìm hiểu gì thêm. Cốt truyện
là “chìa khóa” để mở ra tính cách, số phận nhân vật bằng những tình huống truyện tiêu biểu, những chi tiết đắt giá. Cốt truyện là cái cốt lõi tác phẩm, làm cho tác phẩm có thể kể lại một cách sinh động, có bài bản. Trong cốt truyện, các tác giả rất chú ý đến phần mở đầu và kết thúc, đây là loại truyện “có truyện”.
Tất cả các giáo trình, sách lí luận văn học đều khẳng định mọi cốt truyện theo quan niệm truyền thống đều phải trải qua một tiến trình vận động có hình thành, phát triển và kết thúc. Vì vậy, mỗi cốt truyện thường bao gồm các thành phần: trình bày, khai đoan (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút). Tuy vậy, do quy luật sáng tạo văn học và nhất là do yêu cầu thể hiện chủ đề - tư tưởng tác phẩm, không nhất thiết bất cứ cốt truyện nào cũng có đầy đủ các bước diễn biến, cũng không nhất thiết chúng phải được sắp xếp theo đúng trình tự tự nhiên trong đời sống của chúng.
Phần trình bày có nhiệm vụ giới thiệu một cách khái quát hoàn cảnh nảy sinh xung đột chính của tác phẩm, đồng thời giới thiệu sơ lược lai lịch các nhân vật về lứa tuổi, nghề nghiệp, gia đình, quan hệ xã hội… Các nhân vật chưa có sự vận động tính cách, hoàn cảnh mới là hoàn cảnh cảnh tĩnh, xung đột chưa vận động. Phần này thường có một sự kiện mở đầu có tác dụng như là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ xung đột cơ bản của tác phẩm.
Tiếp theo phần trình bày là phần khai đoan - giai đoạn mở đầu cho sự vận động của xung đột, nó thường bắt đầu với một sự kiện đặc biệt nào đó được gọi là sự kiện thắt nút. Sự kiện này có tác dụng làm thay đổi tình thế ban đầu, lôi cuốn các nhân vật cùng tham gia vào xung đột và qua đó các nhân vật sẽ bước đầu bộc lộ những nét bản chất của chúng.
Trong toàn bộ cốt truyện, phần dài nhất và quan trọng nhất là phần phát triển. Khác với phần thắt nút thường chỉ dùng một sự kiện, phần này bao gồm một chuỗi sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau nhằm làm cho xung đột phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, đẩy cuộc đấu tranh trong tác phẩm tiến lên, đồng thời qua đó khẳng định bản chất của các tính cách trong những tình huống khác nhau. Yêu cầu đặt ra
với các sự kiện phát triển là chúng phải được thể hiện sao cho cường độ của xung đột ngày càng gay go, căng thẳng hơn và đi đến chỗ nhất thiết phải giải quyết. Nối tiếp phần phát triển, giai đoạn căng thẳng nhất của cốt truyện được gọi là
đỉnh điểm (cao trào). Đây là lúc xung đột đi đến chỗ gay go, căng thẳng nhất. Ngay sau đó là phần kết thúc (mở nút), ở đó nhà văn cho thấy cách giải quyết của mình đối với xung đột đã được miêu tả, hoặc cho thấy những khả năng trong việc giải quyết xung đột đó.
Cốt truyện truyền thống bao gồm 5 bước phát triển như trên, nhưng trong thực tế sáng tác, ta nhận thấy không phải bao giờ chúng cũng bao hàm đầy đủ 5 thành phần như thế, hoặc vị trí của chúng có thể thay đổi ít nhiều. Theo mô hình này, các thành phần của cốt truyện trong tác phẩm tiến triển theo trình tự: truyện bắt đầu từ một trạng thái tĩnh, ổn định sau đó xảy ra mâu thuẫn, xung đột, rồi trở lại trạng thái cân bằng như ban đầu, kết thúc một quá trình phát triển của các xung đột.
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trưởng thành trong quá trình đổi mới của nền văn học nước nhà. Bên cạnh việc phát huy những yếu tố hiện đại, chị đã kế thừa những yếu tố truyền thống như một phương thức nghệ thuật hữu hiệu để chiếm lĩnh đời sống.
Khảo sát trên một số tập truyện của Nguyễn Ngọc Tư như: Ngọn đèn không tắt,
Giao thừa, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận - những truyện hay và mới nhất, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác… chúng tôi nhận thấy số lượng
những tác phẩm có cốt truyện truyền thống không nhiều, có thể kể đến: Bến đò xóm
Miễu, Chuyện vui điện ảnh, Làm mẹ, Đau gì như thể, Cánh đồng bất tận… Tuy
vậy, sự phân chia này cũng chỉ là tương đối, không thể hoàn toàn rạch ròi một cách rõ ràng vì giữa kiểu cốt truyện truyền thống và phi truyền thống vẫn có sự đan xen với nhau.
Bến đò xóm Miễu là một trường hợp tiêu biểu. Truyện được xây dựng trên mô
hình cốt truyện truyền thống, có đầu cuối rõ ràng, có biến cố, xung đột, qua đó thể hiện tính cách, số phận nhân vật.
Phần trình bày giới thiệu khái quát đặc điểm các nhân vật. Lương là chàng trai 31 tuổi, nghèo, xấu xí, không cha, mẹ mất sớm, chèo đò mướn ở bến đò xóm Miễu, ế vợ. Bông cũng ở xóm Miễu, nhà nghèo, đông em, ba thường nhậu xỉn rồi đánh má. Nó thích chơi sông, hay “năn nỉ Lương lén bà chủ bến cho nó ăn gian thêm mấy bận nữa” [66, 85]. Lương biết Bông từ ngày Bông còn đi học. Phần này mang tính chất giới thiệu về cuộc đời, mối liện hệ giữa hai nhân vật.
Phần thắt nút với sự kiện làm nảy sinh mâu thuẫn, xung đột là việc Lương bắt đầu thích Bông, còn Bông bỏ học đi bán bia ở quán “Đêm sầu” bên kia sông. Sự kiện này thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, làm bộc lộ rõ tính cách, tâm hồn các nhân vật.
Phần phát triển với nhiều sự kiện, biến cố liên quan đến hai nhân vật Lương và Bông. Bông từ một con bé “thường mặc một cái áo trắng bằng vải soa lông vịt, hơi ố vàng” trở thành một cô gái với “váy ngắn, áo yếm, vai quàng hờ hững hai cái dây nhỏ xíu có cũng vậy mà không có cũng vậy, vịn hờ cái áo khỏi tuột xuống”, thường trở về lúc hai giờ sáng “người sềnh sệch mùi bia”, với một nắm tiền quạt mát mặt Lương “tui giàu rồi nè” [66, 88]. Lương hi vọng biết mấy khi nghe Bông than “chừng nào có người cưới tui… Thân tui còn gì kén chọn nữa” [66, 88], về đóng một cái hộp đựng tiền nho nhỏ, nhưng chưa dám nói gì với Bông.
Bông cặp với một ông già “ráng kêu ông ngoại đó bằng anh” [66, 88] làm Lương chết điếng. Bông bị đánh ghen, bị “dọc nham nhở mái tóc dài”, “xé quần áo”, “lột sạch những đồ trang sức đang đeo”. Lương trả hận cho Bông bằng cách làm đắm đò khi đám người đi đánh ghen về qua sông. Bông nhận ra tình cảm của Lương, nhưng do Lương quá nhút nhát khiến Bông hiểu lầm Lương cũng khinh rẻ mình. Thế là từ sau hôm đó, Bông lại qua sông dửng dưng như không, cặp với một thằng con trai “trẻ măng, quần áo thơm, đầu tóc thơm, chiếc xe phân khối lớn nổ tè tè ra đám khói cũng thơm” [66, 91]. Bông không còn là Bông mà giờ lại thành Hồng.
Đỉnh điểm của câu chuyện là việc Bông trở thành người tàn phế sau cuộc đua xe thảm khốc. Sự kiện này kết thúc chuỗi bi kịch của cuộc đời Bông và mở ra một lối rẽ khác cho số phận của các nhân vật.
Kết thúc tác phẩm có hậu với việc bến đò xóm Miễu đã đổi chủ, Lương vẫn chèo đò, Bông trở thành vợ Lương, ngày ngày ngồi trên bến thu tiền. Những ai hiểu đều nhận ra tấm lòng cao thượng, vị tha của Lương bởi “chớ biết làm sao, lỡ thương quá chừng rồi” [66, 92].
Bến đò xóm Miễu như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại về lòng nhân ái, tính
nhân văn. Một cốt truyện giản dị, không mới về những con người đã từng lầm lỡ, về sự tha thứ, lòng bao dung nhưng lại đem đến những thông điệp hết sức sâu sắc về bản chất của tình yêu và lẽ sống khiến người đọc phải giật mình nhìn lại: phải chăng bấy lâu ta đã sống quá hời hợt, tính toán và so đo?
Cánh đồng bất tận miên man những câu chuyện kể chồng chéo lên nhau cùng
nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc khác nhau của các nhân vật, nhưng nếu sắp xếp lại có thể tìm ra một cốt truyện truyền thống trong đó.
Phần trình bày cho thấy hoàn cảnh các nhân vật trong truyện. Gia đình Út Vũ làm nghề nuôi vịt chạy đồng, lang thang hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, ngày này qua tháng khác. Họ gồm ba người: người cha (Út Vũ), con trai (Điền), con gái (Nương), thiếu vắng bàn tay chăm sóc, yêu thương của người vợ, người mẹ. Sự kiện thắt nút làm nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột và phát triển tính cách
các nhân vật trong truyện là sự kiện người mẹ của Nương và Điền ngoại tình rồi bỏ nhà theo trai. Sự kiện này là một cú sốc lớn, gây ra những chấn thương tâm hồn nặng nề cho những người ở lại, khiến họ trở thành những con người khác hẳn và đưa cốt truyện phát triển lên một trường đoạn mới.
Phần phát triển gồm một loạt các sự kiện, biến cố xảy ra với cha con Út Vũ từ khi người vợ bỏ đi. Người cha đốt nhà, đem các con lang thang chăn vịt khắp các đồng bãi. Chấn thương tinh thần như một khối u ngày càng lớn gây nên những cơn nhức nhối cho cha con họ. Người cha trở nên lầm lì, cay nghiệt, ngày càng trở nên xa lạ, vô cảm, ít hi vọng trở lại bình thường như xưa với những cuộc tình trăng gió
ngắn ngủi: những người đàn bà bị bỏ lại trên bờ, người phụ nữ ở xóm Bàu Sen, cô gái điếm tên Sương… Nương và Điền lớn lên cô độc, tự học cách chăm sóc mình, vượt qua những thắc mắc, những thay đổi tâm lý và thể chất của tuổi mới lớn. Chúng như quên mất tiếng nói của người mà nói tiếng của vịt. Hình ảnh của mẹ với người đàn ông bán vải đã in hằn trong kí ức chúng, dần trở thành nỗi hằn học với những yêu thương ở xung quanh dù chỉ là của loài vật. Chứng kiến sự tàn nhẫn, vô cảm của người cha với sự “hi sinh” của Sương, Điền đã bỏ đi tìm Sương…
Đỉnh điểm của chuỗi bi kịch là việc Nương bị làm nhục ngay trước mặt người cha và khi kêu cứu, cô đã không gọi cha mà lại gọi tên em trai trong cái “đau đến sững sờ” [67, 211] của ông.
Kết thúc tác phẩm, dù với người đọc vẫn là cảm giác đau đớn ngập lòng, nhưng cốt truyện lại hé mở ra một cái gì đó sẽ tốt đẹp hơn và chìa khóa cốt lõi để đem đến điều ấy chính là sự tha thứ.
Tài năng của Nguyễn Ngọc Tư thể hiện ở chỗ chị không đơn giản sắp xếp các thành phần của cốt truyện trên đây theo một trình tự trước sau mà có sự đan cài khéo léo giữa quá khứ và hiện tại, hiện thực và tâm trạng, cảm xúc nhân vật; từ đó tạo nên một tác phẩm thật sự ấn tượng, ám ảnh người đọc bởi bài học nhân sinh trong đó: nhân - quả là có thật và sống cần phải biết tha thứ.
Chuyện vui điện ảnh cũng là một truyện được xây dựng theo mô hình cốt truyện
truyền thống với những sự kiện bi hài, tạo nên sức lôi cuốn người đọc.
Phần trình bày giới thiệu về những con người sống ở hẻm Cựa Gà - “Hẻm văn hóa Một Trăm Mười Lăm” [64, 26]. Họ sống bằng đủ thứ nghề và nghề tay trái là đóng phim. Chú Sa, người “làm bảo vệ kiêm thêm trồng bông xén cỏ ở hãng phim truyền hình thành phố” [64, 26] chính là người đầu tiên rủ rê mọi người đi đóng phim.
Phần thắt nút mở ra với sự kiện chú Sa được mời tham gia đóng vai lớn đầu tiên - một vai ác - để nhận năm triệu đồng. Sự kiện này làm xôn xao cả xóm và là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời chú Sa. Từ đây bắt đầu một chuỗi bi hài kịch dựa trên sự nhầm lẫn vai diễn trên màn ảnh và con người thật ngoài đời.
Phần phát triển thuật lại các biến cố, sự kiện xảy ra ở xóm Cựa Gà từ khi chú Sa tham gia đóng phim và khi bộ phim “Chiến tranh” được phát trên truyền hình. Lúc đầu, khi biết tin chú Sa được đóng vai lớn, mọi người ở xóm ai cũng ủng hộ hết mình. Cô Thư, người chú thương thầm thì mang “sữa hột gà nóng qua cho chú bồi dưỡng” [64, 28], những người khác giúp chú diễn thử. Nhờ thế nên chú diễn được đạo diễn khen, “nổi tiếng khi phim còn làm hậu kì” [64, 31].
Nhưng khi phim được đem chiếu thì nó lại khiến cho trẻ con sợ hãi khóc thét lên còn người lớn thì lẳng lặng ra về vì vai chú đóng ác quá, chú lại vào vai rất ngọt nữa. Chú nhận thấy mình “đã đánh mất một cái gì đó, lớn lắm, quả tình không có gì bù đắp được” [64, 32].
Đỉnh điểm của vai diễn bi hài kịch này là cùng với thành công của nó là sự xa lánh của mọi người ở xóm Cựa Gà. Họ xa lánh chú, trẻ con “tìm chạy vô nhà trốn” [64, 34], người bạn chí cốt như bác Tư Cự cũng lánh chú, con Mẻn biểu cô Thư “mai mốt đừng cho ổng ghe đây nữa nghen má? … Con thấy mặt ổng là con ghét”. Mọi người hoàn toàn đánh đồng bản chất con người chú với vai diễn trên phim. Kết thúc là cảnh cô Thư và chú Sa ngồi cửa trước “giả bộ nhìn trời nhìn đất thực
ra là nhìn nhau”. Dù mọi người vẫn chưa chịu hiểu cho chú nhưng “chú Sa đã thấy niềm vui cháy le lói trở lại” [64, 35].
Cốt truyện của Chuyện vui điện ảnh thật giản dị, không quá kịch tính, xoay quanh một sự hiểu lầm lúc đầu tưởng như hài hước, vô hại song lại gợi nhiều suy nghĩ về chữ “sinh nghề, tử nghiệp”, về cách nhìn nhận bản chất con người trong mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật.
Cũng dựa trên một sụ hiểu lầm khó thanh minh như thế là cốt truyện truyện ngắn
Đau gì như thể... Mở đầu giới thiệu cho người đọc về hoàn cảnh của các nhân vật.
Hai cha con Tư Nhỏ và Nga sống với nhau rất vui vẻ, đầm ấm. Tư Nhỏ coi Nga như con gái mình dù Nga là con riêng của Cúc - vợ cũ của ông.
Phần thắt nút bắt đầu bằng việc con Nga có bầu, nó không chịu khai ai là cha đứa trẻ nên Tư Nhỏ bị cho là làm con riêng của vợ có bầu, bị bắt giam 5 ngày, sau nhờ con Nga xin mới được thả.
Phần phát triển gồm một loạt những sự kiện, biến cố làm thay đổi cuộc sống của cha con Tư Nhỏ. Vợ cũ không tin ông. Hàng xóm láng giềng cũng không tin ông trong sạch, họ dị nghị, dèm pha đủ điều làm hai cha con điêu đứng vì đau khổ. Hai cha con không dám ăn cơm cùng nhau, đi cùng nhau, người ngủ trong nhà, người ngủ ngoài hè để cho thiên hạ khỏi nói ra nói vào. Ông không dám bồng bế, hôn hít cháu ngoại, sợ người ta bảo nó giống ông. Rồi Tư Nhỏ mang đơn đi thưa khắp nơi đòi chính quyền xin lỗi, đính chính vì đã bắt nhầm ông gây nên bao ngang trái nhưng chẳng có kết quả gì. Ông và con Nga gần như tuyệt vọng.
Đỉnh điểm của cốt truyện là khi con Nga gặp lại người cha vô tình, bạc bẽo của đứa con cô, giờ đã làm cán bộ trên huyện, vì tiền đồ của anh ta mà cô không dám khai tên cha đứa bé. Cô đã trách móc anh làm cho cha con cô phải đau khổ và đòi được xin lỗi công khai.
Kết thúc tác phẩm là lời xin lỗi công dân Dương Văn Nhỏ được phát đi công khai trên đài cho tất cả mọi người cùng biết. Tuy oan trái đã được giải nhưng nỗi