Với vai trò là người chỉ đường, dẫn lối và đồng hành cùng người học trong suốt quá trình lĩnh hội thông tin, tri thức của nhân loại, nhà trường là môi trường hết sức quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có hoài bão, sống có lý tưởng tốt đẹp. Nhà trường là nơi tổ chức hoạt động học tập, giáo dục các em và là nơi có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của các em thiếu nhi.
Thiếu nhi - lứa tuổi mà hoạt động học được xem là hoạt động chủ đạo, rất ham thích đọc sách, thường xuyên đến thư viện đọc sách - báo để nắm bắt thông tin mới ngoài sách, vở vào những giờ nghỉ giải lao giữa các môn học, các tiết học năng khiếu tại các nhà thiếu nhi. Do đó, thư viện cần phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo và phòng giáo vụ trong năm học, khóa học năng khiếu để tuyên truyền hoạt động thư viện, giới thiệu sách báo hay, hướng dẫn và định hướng đọc sách cho các em.
Các hoạt động do thư viện tổ chức như: thi kể chuyện sách, viết cảm nhận về tác phẩm văn học em yêu thích, hội thi sổ tay văn học sẽ không thực hiện một cách hiệu quả nếu không nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ từ phía nhà trường và các thầy cô giáo dạy văn. Ngược lại khả năng học tập và kết quả học tập của các em ở nhà trường chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động tự đọc, tự học và lĩnh hội tri thức tại thư viện, nó quy định hứng thú, nhu cầu đọc của các em. Các em có kết quả học tập tốt thường yêu thích đọc sách. Nếu cán bộ thư viện quan tâm, hướng dẫn lựa chọn sách đọc, phương pháp đọc thì kết quả học tập ở trường của các em ngày một nâng cao và ngược lại. Các em thường xuyên đến thư viện đọc sách thường là các em có kết quả học tập khá, giỏi. Với sự tác động hai chiều, tích cực giữa việc đọc sách và hoạt động giáo dục trong nhà trường đòi hỏi thư viện cần phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Mối quan hệ đó không chỉ là sự phối hợp trong tổ chức hoạt động hướng dẫn
101
đọc, xây dựng phong trào đọc sách mà còn gắn kết chương trình học của các em trong nhà trường với hoạt động thư viện. Sợi dây liên kết này được thể hiện thông qua những yêu cầu làm bài tập về nhà, bài thảo luận hay các chuyên đề ngoại khóa…với những gợi ý mở để các em chủ động tìm đọc sách báo tại thư viện. Bằng phương pháp phối hợp giữa nhà trường, thầy cô với thư viện, chúng ta đã thay đổi phương pháp học ở trẻ, hình thành tính tự lập trong việc học và khám phá tri thức giúp các em xây dựng thói quen đọc và học tập suốt đời.
Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố cần phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố trong việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn đọc như: hội thi “Bạn cùng sách”, cuộc thi viết cảm nhận về sách, sổ tay văn học,… Đồng thời, kết hợp với các thầy cô giáo dạy văn tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo sáng tác văn học, phê bình các tác phẩm văn học, đặc biệt tổ chức các buổi triển lãm sách, sân chơi sách ở trường trong năm học … Bằng cách này, một mặt Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố quảng bá hình ảnh của mình với thiếu nhi thành phố, mặt khác góp phần giúp các em nâng cao vốn hiểu biết, lĩnh hội tri thức ngoài nhà trường và phát huy tối đa vốn tài liệu của thư viện trong khoảng thời gian thư viện không phục vụ thiếu nhi trong năm học (từ thứ 3 – đến thứ 6 hàng tuần).
Song song đó, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố cần gắn kết chặt chẽ với các lớp năng khiếu trong Nhà Thiếu nhi, các anh chị phụ trách đội tại các khoa chuyên môn để tuyên truyền hoạt động thư viện, giới thiệu sách báo hay, hướng dẫn, định hướng đọc sách cho các em. Đồng thời, qua đó gắn kết tìm hiểu nội dung chuyên môn sâu của các môn năng khiếu, hay chương trình sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội - nhóm nhằm thực hiện phương án bổ sung tài liệu phù hợp với nhu cầu đọc của các em. Từ đó giúp thư viện và các câu lạc bộ, đội – nhóm chuyên môn thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước.
102
Có thể nói, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố là môi trường hỗ trợ cho việc học tập, bổ sung những kiến thức năng khiếu ngoài nhà trường. Đó là một môi trường học tập đặc biệt, một địa chỉ cung cấp những thông tin đa dạng, những kinh nghiệm, phương pháp học tập hay, tiếp cận chương trình học một cách bình đẳng giúp thiếu nhi phát triển kỹ năng đọc và học tập, đồng thời nâng cao sự tự tin, khả năng học tập độc lập cho thiếu nhi ngay từ nhỏ.