Phát triển nguồn lực thông tin phục vụ thiếu nh

Một phần của tài liệu Nhu cầu đọc tại thư viện nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 89)

Nguồn lực thông tin có vai trò rất lớn trong việc thu hút thiếu nhi đến đọc sách tại thư viện, là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả hoạt động hướng dẫn đọc sách cho thiếu nhi cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện. Nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng, đầy đủ và hiện đại sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đọc của các em và ngược lại.

Để đáp ứng tốt nhu cầu về số lượng cũng như thành phần vốn tài liệu, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố cần điều chỉnh chính sách bổ sung, giảm bớt những tài liệu truyện tranh không mang tính giáo dục, tăng cường bổ sung những tài liệu khoa học, lịch sử, địa lý, đặc biệt là những tài liệu xây dựng kỹ năng thực hành xã hội, hoạt động sinh hoạt tập thể… với hình thức bắt mắt, ngôn ngữ rõ ràng, trong sáng, sinh động và vui vẻ. Đồng thời, thư viện cần tăng cường bổ sung các tài liệu về đoàn, hội, đội, tài liệu về các môn năng khiếu, hướng nghiệp và những tác phẩm văn học thể hiện những tấm gương anh hùng trẻ tuổi, …với nhiều loại hình tài liệu khác nhau như: truyền thống, điện tử (băng, đĩa, CDROM về các chương trình học ngoại ngữ, kể chuyện, phim hoạt hình, phim truyện và ca nhạc thiếu nhi……). Đặc biệt, thư viện cần tăng cường bổ sung các tài liệu ngoại văn (nhất là tiếng Anh), vì ngoại ngữ chính là cánh cửa mở ra sự thành công cho con đường hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Làm được những điều này, thư viện sẽ đáp ứng nhu cầu về nội dung, hình thức cũng như ngôn ngữ của tài liệu cho bạn đọc thiếu nhi đến thư viện.

86

Bên cạnh đó, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố cần xem xét tăng cường số lượng bản sách - báo với từng nội dung, thể loại khác nhau, tránh việc khai thác thiếu hiệu quả đến nguồn lực thông tin tại thư viện. Đặc biệt, thư viện cần chú trọng tăng cường công tác sáng tạo ra các sản phẩm thông tin phục vụ thiếu nhi như các danh mục, thư mục chuyên đề, tập san, bản tin thư viện và các cơ sở dữ liệu bộ sưu tập theo chủ đề như: trò chơi sinh hoạt đội nhóm, kỹ năng đội, làm việc nhóm… nhằm đáp ứng nhu cầu tài liệu theo chủ đề ở từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời qua việc tạo ra các sản phẩm thông tin, thư viện có thể dễ dàng tuyên truyền sách theo chủ đề, triển lãm sách theo nội dung…đáp ứng nhu cầu đọc sách – báo của các em thiếu nhi.

Thư viện cần mở rộng phương thức bổ sung: Tiếp tục đặt mối quan hệ với các nhà xuất bản (Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Văn Học, Giáo Dục,…), cơ quan phát hành sách hoặc các nhà sách có uy tín khác trên địa bàn thành phố để sưu tập, bổ sung nhiều loại sách báo với số lượng lớn phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi; Duy trì và phát huy mối quan hệ tốt với các nhà xuất bản, nhà sách, tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán… để nhận sự tài trợ, tặng, biếu tài liệu từ các đơn vị, tổ chức này; Thường xuyên vận động phụ huynh thành lập tủ sách vàng trong thư viện... Đặc biệt, thư viện nên phát động phong trào “Góp một cuốn sách để đọc ngàn cuốn sách” từ những bạn đọc trong và ngoài thư viện. Có thể thấy, đây là hình thức một mặt xây dựng được vốn tài liệu đa dạng trong thư viện, mặt khác góp phần giáo dục thiếu nhi, tranh thủ và vận động toàn xã hội tham gia vào công tác xây dựng, bổ sung tài liệu của thư viện.

Ngoài ra, để tạo sự đa dạng trong vốn tài liệu phục vụ thiếu nhi, xây dựng mối quan hệ giữa các đơn vị thư viện khác, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố có thể sử dụng phương thức “trao đổi” tài liệu với các thư viện nhà văn hóa, các thư viện thiếu nhi của các nhà thiếu nhi khác trên địa bàn thành phố.

87

Song song với việc đó, thư viện cần chú ý đến việc sử dụng nguồn tài liệu thông tin trên mạng Internet. Hiện nay, trên mạng có rất nhiều truyện tranh và tác phẩm văn học cũng như các loại sách báo, phim hoạt hình kinh điển được đăng tải dưới dạng toàn văn ở nhiều trang thông tin khác nhau. Thiếu nhi rất thích đọc hoặc truy cập những loại hình tài liệu, thông tin này trên phương tiện truy cập hiện đại, có nhiều tiện ích (vừa đọc sách, vừa nghe nhạc). Để giảm bớt kinh phí bổ sung, thư viện cần tranh thủ nguồn lực thông tin này trên mạng để biến chúng trở thành nguồn lực thông tin của mình. Tuy nhiên, cán bộ thư viện cần lựa chọn thật kỹ những trang thông tin tải những dạng tài liệu này, tránh hiện tượng thông tin sai lệch, không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Đặc biệt, để tránh việc truy cập vào những trang web độc hại, có tác động ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách bình thường của các em, thư viện cần tiếp tục tải các trang web hay, đáng tin cậy, phù hợp với tâm lý lứa tuổi cũng như sở thích của các em để tạo thành cơ sở dữ liệu truy cập riêng trong thư viện.

Tóm lại, việc phát triển nguồn lực thông tin trong thư viện thiếu nhi là một vấn đề quan trọng cần bám sát các điều khoản trong chính sách bổ sung của thư viện. Đó là một quá trình mang tính chiến lược, lâu dài, đòi hỏi có sự cân xứng về kinh phí - nhu cầu và sự tương thích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố cần thực hiện phiếu điều tra để đánh giá nhu cầu của bạn đọc thiếu nhi, xem xét các mục lục công vụ, yêu cầu về tài liệu của thiếu nhi trong thư viện…Đồng thời, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản, cán bộ thư viện cần phải tỉnh táo hơn trong công tác bổ sung tài liệu. Chọn lọc sách - báo cho thiếu nhi cần phải chặt chẽ hơn về nội dung và hình thức vì “chọn sách đọc cũng như chọn bạn tốt, hãy coi chừng bạn xấu”. Có như vậy thì Thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố mới xây dựng được nhiều nguồn tài liệu phong phú và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc thiếu nhi.

88

Một phần của tài liệu Nhu cầu đọc tại thư viện nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh (Trang 89)