7. Bố cục của luận văn
2.1.1.2. Tình hình kinh tế xã hội
Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Chủ trương của Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long mở ra cơ hội tăng cường đầu tư về mọi mặt, nhất là kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, những khó khăn, tác động của kinh tế trong và ngoài nước, làm cho mặt bằng chung về giá cả, lãi suất ngân hàng tăng cao, thiên tai lũ lụt xảy ra, bệnh dịch ở người và gia súc gia cầm làm thiệt hại nhiều về sản xuất, hạ tầng cơ sở và cùng với những khó khăn nội tại của tỉnh, đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng kinh tế. Nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được những
thành tựu quan trọng đưa nhịp độ phát triển kinh tế cao, giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại tiếp tục mở rộng. Tổng sản phẩm (GDP) đạt 23.590,2 tỷ đồng, tăng 11,9 %, đạt 99,8 % kế hoạch. Trong đó, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế lĩnh vực: nông – lâm – thủy sản 2,99%, công nghiệp – xây dựng 4,05%, thương mại - dịch vụ 4,74%. Thu nhập bình quân đầu người 42,6 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh - PCI của Kiên Giang năm 2012 đã tiến bộ vượt bậc, tăng 22 bậc so với năm 2011, lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 25,9%, dịch vụ chiếm 32,7%). Đi đôi với việc phát triển kinh tế, tỉnh còn quan tâm giải quyết có hiệu quả các vấn đề về giáo dục, an sinh, y tế, văn hóa, xã hội. Xã hội hóa đạt được kết quả bước đầu trên một số lĩnh vực.[23, tr 3]
Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp là ngành luôn được quan tâm và chú trọng phát triển hàng đầu. Với địa hình và nguồn tài nguyên biển phong phú, Kiên Giang đã trở thành một trong những tỉnh sản xuất lúa nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng lúa năm 2012 đạt 4.287.175 tấn, tăng 366.026 tấn so với cùng kỳ năm 2011. Nuôi trồng thủy sản năm 2012 phát triển mạnh, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 153.920 ha tăng 34.929 ha, với sản lượng 110.498 tấn. Phương tiện khai thác thủy sản được đầu tư tăng thêm, sản lượng khai thác ước đạt 396.900 tấn tăng 5,65% so với năm 2010. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá ở các vùng biển đảo, ven biển nhất là nuôi cá lồng bè ở Phú Quốc, Kiên Hải và các xã đảo huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Tuy chịu thiệt hại do lũ và bệnh dịch ở gia súc gia cầm nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm đều có tổng đàn duy trì ở mức khá so với năm 2010. Tỉnh đã xây dựng dự án khôi phục phát triển rừng phòng hộ Kiên Giang; đẩy mạnh trồng mới rừng theo chương trình 661 được 261 ha, hơn 8 triệu cây trồng được phân tán và khoán bảo vệ rừng được 13.886 ha. Nhìn chung ngành Nông – Lâm - Ngư nghiệp đã có những bước phát triển nhất định từ khi áp dụng công nghệ vào
sản xuất, góp phần sản xuất xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân trong tỉnh và khách du lịch. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện
Công nghiệp của tỉnh phát triển chủ yếu ở 2 lĩnh vực truyền thống và sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông hải sản. Năm 2012, giá trị sản xuất của công nghiệp đạt 15.268,82 tỷ đồng, tăng 4,05% so với năm 2011
Kinh doanh thương mại và dịch vụ những năm gần đây có chiều hướng tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2012 đạt 41.710 tỷ đồng, đạt 97,45% kế hoạch và tăng 18,02% so với năm 2011, trong đó kinh tế tư nhân tăng 38,2%, kinh tế nhà nước tăng 23,9% so với cùng kỳ. Tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa đặc trưng như tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… Hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, tìm kiếm thị trường được tăng cường, đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát tại các thị trường: Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Nga… Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 623,8 triệu USD, đạt 117,7% kế hoạch, tăng 34% cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu cũng có chiều hướng giảm 30,4% so với cùng kỳ. Trải qua hơn một năm đầy biến động của khủng hoàng kinh tế thế giới, hoạt động du lịch cả năm 2012 vẫn đạt 3,559 triệu lượt khách, tăng 12% cùng kỳ năm 2011, trong đó khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 1,066 triệu lượt, tăng 9,52%, khách quốc tế đạt 162.493 lượt khách. Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch là 1,7 ngày/lượt người, khách du lịch theo tour là 2,4 ngày/lượt khách. Đã có 18 dự án được duyệt chấp nhận chủ trương đầu tư du lịch với tổng quy mô 200ha; công nhận mới 42 cơ sở lưu trú du lịch, nâng tổng số cơ sở đã phân loại xếp hạng được 179 cơ sở/242 cơ sở lưu trú đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Năng lực vận tải đường hàng không, đường bộ, đường thủy tăng nhanh về số lượng và chất lượng phục vụ tăng cao. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải, nâng cấp và triển khai nhựa hóa đường về nông thôn. Một số dự án hạ tầng quan trọng của Phú Quốc
đã được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động như Cảng hàng không sân bay quốc tế Phú Quốc, đường trục chính Bắc – Nam đảo, dự án cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 20.293 tỷ đồng, bằng 98,5% kế quả, tăng 18,79% so với năm trước và bằng 32,84% so với GDP, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là 3.000 tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và hộ dân cư là 10.320, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.088 tỷ đồng tăng trên 15 lần so với năm 2010.
Dân số: Kiên Giang có 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố với số dân đến năm 2012 là 1.721.763 người, mật độ dân số 271 người/ km2. Dân số phân bố không đều, đa số sống tập trung tại nông thôn chiếm 72,81%, sống tại thành thị chỉ chiếm 27,19%. Dân số là nam có 865.464 người chiếm 50,27%, dân số là nữ có 856.299 người, chiếm 49,73%. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của tỉnh là 10,6%, tỷ lệ tăng tự nhiên giảm, thấp hơn năm 2011 là 0,3%. Kiên Giang là địa bàn cư trú của hơn 15 dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh chiếm khoảng 85,5%, người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số, người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số, còn lại là một số dân tộc khác như Chăm, Tày, Mường, Nùng… Trên địa bàn tỉnh có 489.609 người theo tôn giáo, chiếm khoảng 32,7% tổng dân số, trong đó Phật giáo chiếm 25%, Công giáo chiếm 5,7%, còn lại là các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo… Tổng số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 950.419 người, trong đó nổi bật có ngành Nông – lâm - thủy sản là 592.962 người, ngành Công nghiệp - xây dựng – sửa chữa động cơ xe là 209.719 người và ngành dịch vụ là 58.648 người. Ngoài số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, Kiên Giang còn có lực lượng lao động dồi dào trong tương lai đang theo học ở các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung học phổ thông và còn thu hút lực lượng ngoài địa phương đến lao động cho tỉnh. Điều này hứa hẹn một tương lai tươi sáng với nguồn lao động dồi dào phụ vụ cho các ngành Nông – lâm – thủy sản, ngành Công nghiệp – xây dựng – sửa chữa động cơ và ngành dịch vụ, du lịch….
Giáo dục và đào tạo được quan tâm và phát triển về quy mô và chất lượng. Tỉnh hiện có 4 trường cao đẳng và 1 trường cao đẳng nghề; 8 trung tâm dạy nghề đang hoạt động, đào tạo nhiều ngành nghề và đang triển khai xây dựng trường Đại học Kiên Giang. Bình quân hàng năm, hệ thống đào tạo nghề của tỉnh đáp ứng nhu cầu học nghề cho khoảng 24.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 6,06% năm 2001 lên 15,4% năm 2008. Dự kiến đến năm 2015, sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề cho khoảng 401.837 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên trên 40,7%. Tỉnh đã điều chỉnh và bổ sung quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2011 – 2012; nâng cấp một số trung tâm dạy nghề lên trung cấp nghề, triển khai đề án đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cơ bản đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên. Nhìn chung chất lượng dạy và học đã được nâng lên, số trường học đạt chuẩn quốc gia là 92 trường, số lượng học sinh các cấp bỏ học có xu hướng giảm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,63%, giáo dục thường xuyên đạt 86,34%, xét tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 98,58%, tỷ lệ học sinh đủ điểm vào các trường cao đẳng, đại học đạt 60% và tăng gần 10% so với năm 2011. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, góp phần giảm học sinh bỏ học ở các cấp và tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường và học sinh mầm non. Cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được đầu tư.
Y tế được quan tâm đầu tư, đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Toàn tỉnh có 15 bệnh viện đa khoa, 16 phòng khám đa khoa khu vực, 1 bệnh viện y học dân tộc, 1 trung tâm phòng chống bệnh xã hội và 127/143 trạm y tế xã phường, thị trấn, đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 88,8 %, bình quân có 4,98 bác sĩ trên một vạn dân. Nhìn chung các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã liên kết với các bệnh viện trung ương phục vụ tốt cho công tác khám và điều trị cho nhân dân.
Văn hóa – thể dục thể thao – thông tin và truyền thông: Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng, hội chợ triển lãm… được phát triển sâu rộng; xã hội hóa về văn hóa thông tin ngày càng mở rộng. Việc quản lý khái thác các di tích và thắng cảnh, các hoạt động của nhiều lễ hội được tổ chức chu đáo thu hút nhiều khách tham quan. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến nay toàn tỉnh đã có 14 nhà văn hóa nhưng chỉ mới có 8/15 huyện có trung tâm văn hóa thông tin, 1 đơn vị chiếu phim, 2 đơn vị nghệ thuật và 14 thư viện với 82.000 quyển sách phục vụ trên 20.000 lượt người. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đã cũ kỹ và lạc hậu chưa đáp ứng đủ nhu cầu thông tin và vui chơi giải trí của người dân trong tỉnh. Phong trào thể dục thể thao đã được phát động và lan rộng đến các vùng sâu vùng xa; đã gắn kết được các lễ hội truyền thống, với nhiều hoạt động đa dạng phong phú góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe của nhân dân. Hoạt động thông tin và truyền thông, đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tăng cường tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, phát luật nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh triển khai thực hiện chế độ chính sách hổ trợ an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia khá đầy đủ và kịp thời như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn, cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo cũng như hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, trợ cấp khó khăn đối với cán bộ công chức viên chức có đời sống khó khăn, hỗ trợ nhà cho hộ nghèo cùng với việc thực hiện tốt các chương trình dự án giảm nghèo trong tỉnh từ 7,23% năm 2011 xuống 5,73% năm 2012. Trong năm 2012, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 33.220 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp đáng kể; tăng cường đào tạo dạy nghề cho 41.519 người, nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề 27%. Nhìn chung, việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ an sinh xã hội tương đối toàn diện, đã góp phần cải thiện đời sống người dân toàn tỉnh.
Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, khối đại đoàn kết trong đồng bào không ngừng được tăng cường. Các lực lượng vũ trang thường xuyên triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội;
thường xuyên duy trì, hiệp đồng chặt chẽ nắm tình hình trên các tuyến, kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra trên vùng biển, tuyến biên giới. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện khá tốt nhiệm vụ quốc phòng – quân sự địa phương. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các kế hoạch bảo vệ an toàn các ngày lễ, tết và các sự kiện quan trọng của tỉnh, đồng thời thực hiện đạt mục tiêu “Năm an toàn giao thông 2012”, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phân giới, cắm mốc biên giới; phối hợp tổ chức thành công Lễ khánh thành cột mốc 314.
Tóm lại: Nền kinh tế xã hội của Kiên Giang đã có những bước phát triển rõ rệt, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình trong nước, sự yếu kém từ nội tại của một tỉnh còn nhiều khó khăn xa các trung tâm đô thị lớn, kinh tế sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Nguyên nhân chủ quan vẫn là do công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, năng lực chụ thể hóa chỉ đạo thực hiện chưa ngang tầm; công tác phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ đồng bộ, từng lúc còn đùn đẩy trách nhiệm; nguồn nhân lực trẻ nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng chủ yếu là tập trung ở ngành nông – lâm – thủy sản.