7. Bố cục của luận văn
1.4.1.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Vào cuối thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới, Nhật Bản đã từng bước xây dựng lại nền kinh tế theo hướng công nghệ hóa, cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng toàn cầu hóa. Sau tất cả những nổ lực xây dựng đất nước, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Những thành công từ Nhật Bản phải kể đến những chính sách phát triển nguồn nhân lực mang tính chiến lược lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu về lao động trong bối cảnh mới. Hệ thống phát triển lực lượng lao động của Nhật Bản là các hoạt động được thực hiện kéo dài một cách có hệ thống trong suốt thời gian làm việc của người lao động. Hay nói cách khác, hệ thống phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản là một hệ thống phát triển suốt đời. Để người lao động có thể phát huy hết năng lực của mình trong sự biến đổi yêu cầu của thị trường lao động và thăng tiến nghề nghiệp theo thời gian, các hoạt động trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phải được thực hiện thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết cơ bản đến ứng dụng thực tiễn. Các hoạt động này phải được tiến hành liên tục và phù hợp với từng nhóm lao động của mỗi ngành khác nhau.
Chính phủ đã xây dựng khuôn khổ luật pháp, thể chế và kế hoạch nhằm hỗ trợ quá trình phát triển năng lực của người lao động như Luật lao động, Luật bảo hiểm thất nghiệp, luật khuyến khích giáo dục suốt đời, đặc biệt là Luật khuyến khích phát triển nguồn nhân lực. Nhằm đáp ứng những thay đổi về yêu cầu của việc phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Nhật Bản luôn hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho luật này. Bộ Lao động chuẩn bị kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cơ bản làm cơ sở cho việc đào tạo nghề nghiệp, kiểm tra tay nghề và phát triển các năng lực nghề nghiệp khác phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, bảo đảm thoả mãn những yêu cầu và nguyện vọng của người lao động trong một môi trường thường xuyên biến đổi.
Hệ thống tổ chức quản lý phát triển nguồn nhân lực ở Nhật Bản được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc ở cả hai cấp độ quốc gia và địa phương (tỉnh). Cục Phát triển nguồn nhân lực thuộc Bộ Lao động Nhật Bản chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý hệ thống phát triển nhân
lực và hợp tác quốc tế. Cục Phát triển nhân lực đã phối hợp với 47 trung tâm khuyến khích việc làm và phát triển nguồn nhân lực ở 47 tỉnh và một hệ thống các trường đào tạo thực hiện các dự án của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích việc làm. Các hội đồng phát triển nhân lực và hệ thống các trường đào tạo thuộc chính quyền cấp tỉnh; Hội đồng khuyến khích năng lực nghề nghiệp Nhật Bản chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra và đánh giá kỹ năng nghề nghiệp. Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cho người tàn tật và Hiệp hội quốc gia khuyến khích việc làm của những người tàn tật.
Hệ thống phát triển nhân lực ngành Du lịch có ba hình thức đào tạo: Đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo công cộng và tự đào tạo. Hình thức đào tạo tại doanh nghiệp du lịch tại Nhật Bản được rất được xem trọng, đây là cách đào tạo để người lao động có thể tiếp thu các quy trình kỹ năng, kỹ xảo thao tác nhanh nhất và mang tính thực tiễn cao. Như công việc phục vụ bàn, pha chế, bếp, phục vụ buồng… khâu huấn luyện tại vị trí công việc là chính, ngoài ra doanh nghiệp du lịch cũng sử dụng những chính sách khuyến khích nhân viên tự học, học suốt đời và gắn bó suốt đời với doanh nghiệp. Các công ty lớn thường tiến hành tương đối độc lập các hoạt động phát triển nguồn nhân lực với những cơ sở đào tạo riêng và hệ thống các chương trình phát triển nhân lực.
Hệ thống phát triển nguồn nhân lực trong các xí nghiệp Nhật Bản có những đặc điểm cơ bản: Đào tạo tại chỗ là hình thức chủ yếu, trong đó có đào tạo tại chỗ chính thức (thường dành cho những người mới vào nghề) và phi chính thức, được thực hiện trong suốt cuộc đời làm việc của người lao động thông qua kèm cặp và hướng dẫn của thợ lâu năm và lành nghề cho người có tay nghề thấp hơn. Nội dung đào tạo tại chỗ phi chính thức rất rộng, mang tính dài hạn và được thực hiện từng bước, theo các giai đoạn và có hệ thống. Đào tạo tại chỗ được áp dụng rộng rãi trong các công ty lớn và ở một phạm vi nhỏ hơn đối với các công ty vừa và nhỏ. Đào tạo tại chỗ được bổ trợ bằng đào tạo chuyên tu.
Hình thức tổ chức đào tạo tại các cơ sở công cộng gồm các trung tâm phát triển việc làm và nguồn nhân lực, các trường cao đẳng và trung học dạy nghề. Các hoạt động này
bao gồm: Đào tạo cơ bản cho lớp trẻ là những người muốn trở thành công nhân có tay nghề trong các xí nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo nâng cấp cho công nhân hạng trung trong các xí nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo cơ bản cho những người khó tìm việc làm, bao gồm cả những người tàn tật; đào tạo nghề mới cho những người mất việc do suy thoái kinh tế; đào tạo lại cho phụ nữ khi họ muốn tham gia thị trường lao động. Đào tạo nghề nghiệp công cộng còn được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả những hỗ trợ cho đào tạo tại doanh nghiệp và tự đào tạo của người lao động.
Tổ chức xúc tiến việc làm và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản thực hiện và điều phối các hoạt động phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở của Nhà nước. Tổ chức này đã thực hiện các dự án bằng tiền của Chính phủ dành cho khuyến khích việc làm và phát triển nguồn nhân lực toàn quốc. Chính phủ còn tổ chức các hệ thống đào tạo qua vệ tinh và bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đến tham dự tại các cơ sở công cộng ở các trung tâm xúc tiến việc làm và phát triển nguồn nhân lực công cộng.
Hình thức tự đào tạo của người lao động nhằm những mục đích khác nhau như thu nhận thông tin và kỹ năng ở mức cao đối với nghề nghiệp hiện tại; thu nhận kiến thức và kỹ năng để đổi sang công việc ở mức cao hơn tại cùng xí nghiệp; thu nhận kiến thức và kỹ năng để chuyển sang làm việc ở công ty khác. Theo một nghiên cứu điều tra thì những người được hỏi cho biết họ tự phát triển thông qua các lớp tại công ty (39,5%), dự các khoá đào tạo tại cơ sở tư (27,7%), tham gia các khoá đào tạo tại các cơ sở đào tạo công cộng (7,4%), dự các khoá học từ xa (36%), dự các khoá học tại các trường đại học và trường chuyên (2,9%) và các hình thức khác (24,5%). Chính phủ đã trợ cấp cho các hoạt động này dưới hình thức trợ cấp phát triển nhân lực (từ 1/3 đến 1/2 mức chi phí hoạt động; 1/3 - 1/2 học phí); trợ cấp những người tự phấn đấu, bao gồm học phí và trợ cấp lương (1/4 lương tháng ở các công ty lớn và 1/3 với người lao động ở các công ty vừa và nhỏ). [8, tr.29]
Ngoài ra, để phát triển nguồn nhân lực, chính phủ còn thực hiện hợp tác quốc tế như việc hợp tác kỹ thuật giữa các chính phủ được thực hiện thông qua Tổ chức Hợp tác quốc
tế Nhật Bản (JICA) theo các hiệp định liên chính phủ để thành lập và vận hành các cơ sở đào tạo nghề ở nước ngoài, cử chuyên gia đi giúp đào tạo nghề, thực hiện chương trình phát triển kỹ năng quốc tế. Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Thế giới (APSDEP) cũng hỗ trợ Nhật Bản trong công tác phát triển nguồn nhân lực.