Chú trọng quản lý chất lượng đào tạo

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang (Trang 102)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2. Chú trọng quản lý chất lượng đào tạo

Trong mục tiêu phát triển chung của Ngành có nhấn mạnh đến việc phát triển tăng số lượng, nâng cao chất lượng và hợp lý hoá cơ cấu nguồn nhân lực. Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, điều ưu tiên hàng đầu là phải chú trọng đến công tác quản lý chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo sẽ được thể hiện qua kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề… Vì thế để người học có thể đạt được mục tiêu chất lượng sau khi được đào tạo, cần chú ý những vấn đề sau:

Xây dựng cơ cấu hệ đào tạo phù hợp. Khác với những ngành kinh tế, đặc điểm đào tạo của ngành du lịch phải gắn liền với đào tạo về thực hành, ngoài ra cần phải chú trọng đến hiệu quả sử dụng và nhu cầu sử dụng của xã hội. Theo một số chuyên gia du lịch trên giới, cơ cấu đào tạo hiệu quả và hợp lý là 5/10/85, tức là 5 cán bộ quản lý, 10 chuyên viên và 85 lao động trực tiếp. Vì thế không có tư tưởng chạy theo bằng cấp mà chỉ đào tạo những hệ đại học, cao đẳng trong khi hệ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề trong du lịch là rất cần thiết. Đây là những hệ đào tạo ra nguồn nhân lực lao động trực tiếp với thời gian đào tạo ngắn và chú trọng kỹ năng thực hành nghiệp vụ nhiều hơn lý thuyết nên sau khi tốt nghiệp người học có thể áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.

Thực hiện đúng những quy định tuyển sinh cho các hệ đào tạo. Lấy mục tiêu chất lượng đào tạo là cơ sở cho công tác tuyển sinh, không chạy theo lợi nhuận, thành tích để giảm các điều kiện quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tuyển nhiều học viên. Xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra phù hợp với mỗi ngành, nghề và hệ đào tạo. Chuẩn đầu ra sẽ giúp cho cơ sở đào tạo định hướng mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ cho chương trình - nội dung đào tạo, phù hợp với nhu cầu của xã hội, làm cơ sở để người học chọn lựa ngành nghề thích hợp với khả năng, sở thích cá nhân, biết được các điều kiện cần để được tốt nghiệp của ngành học. Chuẩn đầu ra cũng giúp cho các doanh nghiệp nhận thấy được khả năng đào tạo, những kiến thức và kỹ năng mà người học đã tiếp thu được, để công tác tuyển dụng tại doanh nghiệp thuận lợi hơn, ngoài ra doanh nghiệp có thể góp ý để cơ sở đào tạo xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Như đã trình bày ở trên về phát triển chương trình, nội dung đào tạo và giáo trình cùng với phương pháp giảng dạy phù hợp, phát triển theo xu hướng của từng thời kỳ cho các hệ đào tạo cũng là công tác đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Số lượng học viên trong mỗi lớp cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Cần tổ chức lớp học với số học viên vừa đủ để đảm bảo không gian, điều kiện học tập thuận lợi và thời gian thực hành cho mỗi học viên. Tránh trường hợp lớp học quá đông khiến người học không thể tiếp thu đầy đủ kiến thức mà giáo viên truyền đạt và thời lượng thực hành quá ít, không đủ để sinh viên tích lũy được kỹ năng nghiệp vụ cho bản thân, ảnh hưởng đến mục tiêu chuẩn đầu ra nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung.

Công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả đào tạo cũng phải được chú trọng. Đây là thước đo cho chất lượng đào tạo, vì thế công tác kiểm tra, thanh tra đào tạo, đánh giá cần được tiến hành một cách nghiêm túc và đúng quy trình. Ban Thanh tra phải thường xuyên kiểm tra về công tác kiểm tra đánh giá của các khoa, các ngành đào tạo, nhằm phát hiện lỗ hổng, sai sót để có những hành động khắc phục kịp thời.

Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh đã đăng ký tiêu chuẩn hệ thống quản trị chất lượng cho giáo dục ISO 9001- 2008 nhằm làm mục tiêu và cơ sở để phấn đấu đạt chất lượng thường niên. Hàng năm các cơ sở đào tạo sẽ tổ chức những đợt tự kiểm tra đánh giá trong và thuê chuyên gia đánh giá ngoài. Đây là hoạt động rất thiết thực và tích cực với mục tiêu duy trì và phát triển chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cũng không ít cơ sở đăng kí chất lượng ISO để lấy danh tiếng, thu hút người học mà chưa có thực hiện theo cam kết đã đề ra. Vì thế, các cơ sở đào tạo nên nhận thức rõ tính bức thiết của đổi mới cách thức quản lý để phát triển, áp dụng ISO là để xây dựng nền móng cho một hệ thống quản trị hướng vào chất lượng. Nhận thức và mục tiêu đào tạo thường đi liền với nhau. Nếu một doanh nghiệp có nhận thức chất lượng đào tạo sơ sài, chỉ vì lợi ích tài chính đơn thuần, thì khó có thể đạt được mục tiêu chất lượng đào tạo đã đề ra.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang (Trang 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)