Các giải pháp khác

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang (Trang 110)

7. Bố cục của luận văn

3.2.6. Các giải pháp khác

Thứ nhất, Huy động nguồn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực Du lịch. Tăng cường các nguồn vốn có thể huy động được để hỗ trợ cho công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch bao gồm: Ngân sách nhà nước, ngân sách của ngành du lịch, nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, nguồn đầu tư của người học, nguồn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.

Ngân sách nhà nước là một nguồn đầu tư lớn, chi cho các khoản giáo dục và đào tạo đối với các ngành, trong đó có du lịch, nhằm hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nguồn ngân sách nhà nước được đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chủ yếu được đầu tư để xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho việc đào tạo du lịch.

Ngân sách của ngành Du lịch, là nguồn ngân sách chi cho các kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cho các doanh nghiệp. Đây là nguồn ngân sách còn rất hạn hẹp, vì thế mật độ chi cũng rất thưa thớt, không đủ để đáp ứng nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của nguồn nhân lực tỉnh hiện nay.

Nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp du lịch mà còn có doanh nghiệp của các ngành khác. Vì khi du lịch phát triển thì sẽ kéo theo một số ngành khác phát triển, dẫn đến kinh tế phát triển và đời sống người dân được cải thiện. Nên nguồn đầu tư của các doanh nghiệp cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch là rất cần thiết, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Nguồn đầu tư của người học là học phí mà người học đóng cho các cơ sở đào tạo. Đây là nguồn phí sử dụng cho các cơ sở đào tạo nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang

thiết bị, mua sắm tài liệu, giáo trình giảng dạy, chi trả cho giáo viên, chuyên gia.. và các khoản khác để đảm bảo hiệu quả và chất lượng đào tạo.

Nguồn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài, đây là nguồn đầu tư từ các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch chủ yếu là đầu tư cho công tác đào tạo và bồi dưỡng như đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị thực hành, đầu tư chương trình và nội dung giảng dạy, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho các giáo viên… Đây là nguồn đầu tư khá lớn, nếu biết tận dụng và sử dụng phù hợp, hiệu quả thì sẽ đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Cần có chính sách thích hợp để sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước về hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trường đào tạo nghề và khuyến khích các thành phần kinh tế, nhân dân và người lao động đóng góp công sức, nguồn vốn cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Học phí nên được cân đối tùy theo nhu cầu đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và khả năng của người học. Mở rộng hình thức đào tạo tín dụng cho học sinh nghèo và con em chính sách. Khi xét duyệt các dự án đầu tư, ngoài việc thẩm định các nội dung như trước đây vẫn quy định, thì việc đánh giá xem xét phương án đào tạo nhân lực cho hoạt động của dự án cũng cần được coi là quy định bắt buộc.

Để huy động chất xám từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, từ những trí thức thuộc doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước có quan tâm đến việc phát triển du lịch, lập quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch, diễn đàn dành cho đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, quỹ khuyến học ngành du lịch, tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo với chủ đề phát triển nhân lực du lịch Kiên Giang... Đây là nguồn lực được đánh giá là có tiềm năng rất lớn nhưng chưa có cơ chế hợp lý dành cho lực lượng này. Nên việc liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân dành cho công tác đào tạo còn rất nhiều hạn chế. Vì thế, tăng cường các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế và pháp lý để thu hút sự đầu tư của các doanh nhân vào lĩnh vực phát triển nhân lực du lịch.

Đồng thời tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh, như xây dựng các danh mục dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch để huy động vốn ODA, FDI và các hình thức đầu tư khác phục vụ đào tạo và bồi dưỡng nhân lực. Cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cụ Du lịch, các Hiệp hội du lịch, Hội đồng cấp chứng chỉ Du lịch Việt Nam (VTCB) và các dự án liên quan đến nhân lực du lịch như Dự án EU, Dự án Luxembourg, Dự án Thụy Sỹ… để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch của Tỉnh. Kiên Giang cần khai thác tốt hơn vị trí địa lý kinh tế thuận lợi do giáp với Campuchia, Singapore, nằm trong tiểu vùng Mêkông mở rộng để huy động nguồn lực cho phát triển nhân lực du lịch của Tỉnh.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức về phát triển du lịch cho các tổ chức và nhân dân, nhất là những người dân nằm trong vùng du lịch. Tổ chức một số lớp về nâng cao ý thức cộng đồng về du lịch, du lịch cộng đồng cho những người dân tại các làng nghề tiêu biểu có kinh doanh du lịch trong tỉnh. Các thông tin về phát triển du lịch được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức như các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động của các tổ chức chính trị, phụ nữ, thanh niên, các buổi học ngoại khóa, công tác xã hội, mở các lớp tập huấn cho cộng đồng nhất là những cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch về kiến thức nghiệp vụ du lịch, vai trò, vị trí và hiệu quả của du lịch, về trách nhiệm phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cách ứng xử trong du lịch…

Thứ ba, tăng cường việc cập nhật và ứng dụng công nghệ mới. Để có một nguồn nhân lực tiên tiến, hiện đại trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay thì không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ mới của nguồn nhân lực. Đây được xem như là điều kiện đủ để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực du lịch nói riêng và của sự phát triển ngành du lịch nói chung. Hiện nay việc sử dụng công nghệ đối với các ngành kinh tế là điều hết sức cần thiết, giúp cho công việc kinh doanh trôi chảy, thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi

phí đạt hiệu quả cao hơn. Trong ngành Du lịch, ứng dụng công nghệ mới giúp cho việc đặt phòng, vé tàu xe, tham khảo tour tuyến…của khách hàng được dễ dàng hơn, việc thanh toán cũng nhanh chóng và chính xác.

Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng. Hay nói cách khác cần tạo một sự liên kết và thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tuy ba thành phần này có cách thức hoạt động riêng nhưng đều có chung mục tiêu là phát triển ngành du lịch. Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đòi hỏi phải có sự kết nối chặt chẽ giữa ba thành phần này nhằm tạo sự thống nhất và đồng bộ trong công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chịu tránh nhiệm xây dựng và quản lý hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật, quy định về việc xây dựng các cơ sở và tiêu chuẩn đào tạo của các cơ sở đào tạo, dự báo và thiết lập mục tiêu và phương hướng hoạt động của ngành, xây dựng hành lang pháp lý cho các ngành kinh doanh du lịch, xây dựng các chức danh, tiêu chuẩn của các chức danh trong doanh nghiệp, chịu trách nhiệm đánh giá, kiểm tra việc hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng, bổ sung và sửa đổi chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, giáo trình trên cơ sở phương hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động nhằm đạt được mục tiêu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển của mình phù hợp với chiến lược phát triển ngành du lịch của tỉnh. Xây dựng các bản mô tả công việc dựa trên các chức danh đã được quy định, để tuyển chọn nhân lực phù hợp với từng bộ phận, nghề nghiệp. Liên kết với các cơ sở đào tạo để mở các lớp đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp hoặc gửi đào tạo viên đi nâng cao kiến thức, kỹ năng để về đào tạo lại cho các nhân viên trong doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang (Trang 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)