CẢI CÁCH QUẢN LÝ THUẾ GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
2. LUẬT QUẢN LÝ THUẾ - BƯỚC CẢI CÁCH MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Công tác quản lý thuế với tư cách là một bộ phận quan trọng của quản lý nhà nước phải đạt được các mục tiêu cơ bản là: (1) Nâng trình độ quản lý thuế của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, xây dựng ngành Thuế Việt Nam tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp nhằm đảm bảo thực thi tốt pháp luật thuế; (2) Đảm bảo quản lý thuế công bằng, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả; (3) Phục vụ tốt tổ chức cá nhân nộp thuế và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật về thuế của tổ chức cá nhân nộp thuế;
(4) Tăng cường việc thanh tra giám sát của cơ quan thuế; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, đồng thời phát huy những mặt tích cực của công tác quản lý thuế trong thời gian qua và khắc phục những hạn chế trong quản lý thuế, cần thiết phải ban hành Luật Quản lý thuế.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 6/12/2004 về phê duyệt Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, trong đó xác định “... Năm 2006 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế nhằm quy định rõ những nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan thuế và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bổ sung quyền cưỡng chế thuế, điều tra các vụ vi phạm về thuế cho cơ quan thuế...”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã chủ động soạn thảo và lấy ý kiến đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương về Dự án Luật Quản lý thuế thông qua các hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để nội dung soạn thảo được sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với Dự án Luật, ngành Thuế đã triển khai tích cực Đề án thí điểm cơ chế cơ sở kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế và nghiêm túc đúc rút kinh nghiệm để thể chế hóa cơ chế quản lý thuế hiện đại này vào Dự án Luật. Đặc biệt, trước và trong suốt quá trình soạn thảo Dự án Luật, ngành Thuế đã làm tốt công tác khảo sát tác động có thể có của các nội dung dự kiến sẽ áp dụng đến các đối tượng chịu tác động của chính
sách. Với sự chuẩn bị chu đáo trong quá trình chuẩn bị, Luật Quản lý thuế đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội đúng lộ trình cải cách hệ thống thuế. Ngày 29/11/2006, Luật Quản lý Thuế đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Luật Quản lý thuế ra đời là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc nhưng cũng hết sức khẩn trương của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuộc Bộ có đóng góp vô cùng quan trọng. Luật Quản lý thuế ra đời có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình thực hiện cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế ở Việt Nam, thể hiện trên các phương diện cụ thể sau:
Một là, lần đầu tiên ở Việt Nam toàn bộ các quy định pháp lý về quản lý thuế; các quyền và nghĩa vụ của cơ quan thuế và người nộp thuế; các thủ tục, hồ sơ về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế; xử lý vi phạm về thuế… được quy định thống nhất trong một văn bản luật duy nhất. Qua đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức quản lý thuế của cơ quan thuế và chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Hai là, Luật Quản lý Thuế đã thể chế hóa cơ chế quản lý thuế hiện đại được tổ chức thực hiện thí điểm trước khi ban hành Luật, đó là cơ chế người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế. Cơ chế này cho phép tăng quyền chủ động cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, người nộp thuế thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế vào ngân sách nhà nước, và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan thuế chuyển sang thực hiện chức năng chủ yếu là tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế, kiểm tra thanh tra thuế, xử lý các vi phạm về thuế, quyền hạn thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế thuế được đề cao.
Ba là, Luật Quản lý Thuế đã tạo ra khuôn khổ pháp lý thể chế hóa tư tưởng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Tư tưởng này xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của Luật, thể hiện các thủ tục về đăng ký thuế, về khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế... được đơn giản hoá đến mức tối đa; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, được quy định rõ ràng.
Bốn là, Luật Quản lý thuế đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các
chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Trong nội dung Luật Quản lý Thuế đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Năm là, Luật Quản lý Thuế ra đời tạo nền tảng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thuế. Việc quản lý thuế chủ yếu dựa trên cơ sở phân tích hệ thống thông tin của người nộp thuế. Từ đó, lựa chọn đối tượng có nhiều khả năng rủi ro về thuế để tập trung quản lý.
Cách thức quản lý này vừa đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vừa đảm bảo không gây phiền hà cho những người đã thực hiện tốt pháp luật thuế. Luật quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân khác có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế, trách nhiệm khấu trừ thuế nộp vào ngân sách nhà nước, trách nhiệm trích tài khoản của các trường hợp bị cưỡng chế thuế, trách nhiệm của người nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế... Cơ quan thuế được áp dụng các biện pháp trong thanh tra đối với các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế;
được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của pháp luật...
Để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế, trong năm 2006 và những ngày đầu năm 2007, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết việc thi hành Luật, trình Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn và các quyết định thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Ngày 25/5/2007, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Ngày 14/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 60/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định số 85/2007/NĐ-CP. Ngày 18/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 85/2007/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế. Thông tư 85/2007/TT-BTC có nhiều điểm mới trong đó có một điểm mới nổi bật là lần đầu tiên ở Việt Nam doanh nghiệp được sử dụng thống nhất một mã số thuế cho cả kê khai, nộp thuế nội địa và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trước đó, doanh nghiệp sử dụng mã số thuế nội địa riêng và mã số thuế xuất khẩu, nhập khẩu riêng.
Ngày 7/6/2007, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2007/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm pháp luật thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế để hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ngày 14/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 98/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính thuế.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan báo, đài trung ương, chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, yêu cầu, tư tưởng cũng như nội dung của Luật đến mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội; đã tổ chức tập huấn về nội dung Luật Quản lý thuế đến trên 4 vạn công chức thuế và hàng triệu người nộp thuế. Cơ quan thuế các cấp đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức theo mô hình quản lý thuế theo chức năng, điều động, bố trí, sắp xếp lại lực lượng công chức thuế để tổ chức thực hiện Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo nghiên cứu tìm hiểu hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (năm 2009)
Từ 1/7/2010, Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực thi hành đánh dấu một bước thay đổi căn bản và toàn diện về quản lý thuế. Để Luật Quản lý thuế đi vào thực tiễn cuộc sống, Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu đề xuất và trực tiếp ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế. Các văn bản này đều đã được ban hành trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành để làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ và thống nhất.
Tuy nhiên, do là lần đầu tiên toàn bộ các quy định pháp luật về quản lý thuế được quy định thống nhất trong một văn bản luật - Luật Quản lý thuế nên có những vấn đề quy định trong các Nghị định không phù hợp với thực tế cần sửa đổi. Thêm vào đó, thực tiễn quản lý thuế có nhiều diễn biến khó lường nên xuất hiện những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết. Để đảm bảo tổ chức thực hiện Luật Quản lý thuế được thống nhất, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu, đề xuất để Chính phủ sửa đổi các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế.
Cụ thể như sau:
Ngày 13/2/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2009/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Nghị định này hướng dẫn rõ hơn cách thức xử lý các trường hợp vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Ngày 28/10/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2010/
NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định 100/2008/NĐ-CP về thuế thu nhập cá nhân. Theo văn bản này, quy định pháp luật về quản lý thuế có những điểm thay đổi chủ yếu sau đây:
Bổ sung thêm quy định trong trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh có văn bản đề nghị gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì trong thời gian ngừng kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế.
Bãi bỏ yêu cầu khai quyết toán thuế năm đối với trường hợp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Bổ sung yêu cầu và thời hạn kê khai thuế nhập khẩu đối với trường hợp hàng hóa được miễn thuế nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng
dẫn đến không thuộc trường hợp được miễn thuế.
Sửa đổi quy định về khai thuế môn bài. Theo đó, bãi bỏ yêu cầu phải kê khai thuế môn bài theo năm, trừ trường hợp có thay đổi về mức môn bài.
Bổ sung quy định về kê khai thuế nhà thầu nước ngoài đối với hãng vận tải nước ngoài.
Bổ sung quy định về khai thuế đối với sản xuất thủy điện. Quy định này trước đó được quy định riêng biệt trong các văn bản về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên.
Bổ sung 2 trường hợp thuộc diện được gia hạn nộp thuế.
Bổ sung quy định về trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Sửa đổi quy định về kê khai, nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thành quy định nộp thuế thu nhập cá nhân để đồng bộ và thống nhất với Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Xét một cách tổng thể, giai đoạn 2007 - 2010 cũng như cả quá trình 10 năm 2001 - 2010, công tác cải cách quản lý thuế đã có những bước phát triển đột phá, có những thay đổi mang tính bước ngoặt cả về tư duy quản lý, cơ chế quản lý, phương pháp quản lý và kỹ thuật quản lý thuế. Quá trình cải cách quản lý thuế trải qua giai đoạn chuẩn bị (2001 - 2003), giai đoạn thí điểm cơ chế mới và chuẩn bị cho sự ra đời của Luật Quản lý thuế (2004 - 2007) và giai đoạn tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế (1/7/2007 - 2010). Đây là một chuỗi quá trình chứng kiến những nỗ lực không ngừng của ngành Thuế trong cải cách quản lý thuế.
Những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả quan trọng, trong đó nổi bật nhất là:
- Đối với người nộp thuế: Quá trình cải cách quản lý thuế đã chuyển vị thế của người nộp thuế từ chỗ thụ động sang vị thế chủ động, tự giác kê khai, nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kê khai, tính thuế của mình.
- Đối với cơ quan thuế: Cơ quan thuế đã chuyển biến từ một cơ quan quản lý nhà nước đơn thuần trong lĩnh vực thuế thành cơ quan quản lý
nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thuế. Cơ quan thuế không chỉ là cơ quan kiểm tra, giám sát người nộp thuế trong tuân thủ nghĩa vụ thuế, mà còn là cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhờ vậy, hiệu lực và hiệu quả của quản lý thuế được nâng cao.