Cơ cấu quản lý nội bộ trong công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý nội bộ trong công ty cổ phần ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 30 - 32)

Có rất nhiều cách tiếp cận tới quản lý nội bộ trong công ty cổ phần. Xét về khía cạnh tổ chức, quản lý nội bộ trong công ty cổ phần có thể nhìn nhận như là một sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài, tác động tới hoạt động của công ty. Các yếu tố bên trong liên quan đến các vấn đề tổ chức nội bộ trong công ty, nó cho phép từ cổ đông đến bộ máy quản lý trực tiếp theo đuổi được các mục tiêu do các cổ đông đề ra. Các yếu tố bên ngoài là các chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, pháp luật và môi trường, thuộc môi trường quốc tế và quốc gia, và các yếu tố của thị trường hay sức mạnh thị trường. Các yếu tố bên ngoài, mặc dù không nằm trong tầm kiểm soát của các cổ đông, nhưng là môi trường để tạo ra các nguyên tắc quản lý nội bộ trong các công ty, điều chỉnh hành vi của các cổ đông và bộ máy quản lý trong công ty cổ phần.

Phần này tập trung trình bày cơ cấu bên trong của quản lý nội bộ trong công ty cổ phần.

Các cổ đông là chủ sở hữu đối với công ty cổ phần, với tỷ lệ sở hữu tương ứng với phần vốn cổ phần mà họ nắm giữ trong công ty. Các cổ đông là cung cấp vốn với mong muốn sẽ thu được các lợi ích tài chính từ hoạt động của công ty và việc gia tăng giá trị của công ty. Các cổ đông thường có các quyền theo luật, điều lệ và các quy định khác của công ty. Các quyền cơ bản của các cổ đông bao gồm quyền đề cử, bổ nhiệm và bãi miễn các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các kiểm toán viên, và đề xuất, phê chuẩn hay bác bỏ các thay đổi quan trọng đối với công ty, như thay đổi vốn, sáp nhập, hợp nhất hay tái cơ cấu công ty, v.v.... Các lợi ích của cổ đông nằm ở chỗ giá trị phần vốn của công ty có được phát triển tối đa hay không và các rủi ro trong hoạt động kinh doanh có được phân tán hay không. Cơ chế đăng ký và chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần là nhằm bảo vệ quyền của các cổ đông (đặc biệt là các cổ đông thiểu số), bao gồm các quyền mua, sở hữu, bán và chuyển nhượng cổ phiếu, để có hoặc từ bỏ các quyền

biểu quyết khi công ty làm ăn phát đạt hay thua lỗ. Đại hội đồng cổ đông là một cơ chế pháp lý quan trọng để qua đó, các cổ đông thực hiện các quyền cơ bản của mình.

Hội đồng quản trị là đại diện cho các cổ đông trong công ty cổ phần, và phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông, theo các quy định của pháp luật, điều lệ, và các quy định khác của công ty. Hội đồng quản trị là trung tâm của hệ thống quản lý nội bộ trong công ty, là cầu nối giữa các cổ đông với bộ máy quản lý trong công ty, giữa bộ máy quản lý với những người có lợi ích liên quan khác, và với bên ngoài. Hội đồng quản trị phải độc lập khỏi hoạt động quản lý hàng này (công việc này thường do bộ máy quản lý đảm nhiệm). Các thành viên Hội đồng quản trị phải giỏi trong các lĩnh vực liên quan đến tất cả các hoạt động của công ty hoặc ít nhất là trong các hoạt động chính của công ty. Hội đồng quản trị cần phải có một quy mô hợp lý, và nhiệm kỳ của mỗi thành viên Hội đồng quản trị cần phải được xác định cho một khoảng thời gian nhất định.

Tại một số nước như Đức và Hà lan, Hội đồng quản trị có thể bao gồm đại diện của các cổ đông, các chủ nợ, và cả người lao động. Tại nhiều nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, các thành viên Hội đồng quản trị bắt buộc phải có quan hệ tài chính với công ty (phải nắm giữ cổ phần trong công ty), lòng trung thành với công ty và sự thận trọng trong các hoạt động của mình. Điều này đảm bảo cho các thành viên Hội đồng quản trị không tư lợi trong việc đưa ra các quyết định và chỉ hành động vì lợi ích chung của cổ đông và công ty.

Bộ máy quản lý là cơ quan quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của công ty cổ phần. Bộ máy quản lý phải chịu trách nhiệm trực tiếp và phải báo cáo trước Hội đồng quản trị về hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của công ty, và về việc thực hiện các chiến lược của công ty. Bộ máy quản lý còn phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến tài chính, và các vấn đề phi tài chính như bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, v.v.... Các xung đột về lợi ích giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động quản lý nội bộ của công ty thường nảy sinh trong hoạt động quản lý điều hành của bộ máy quản lý, đặc biệt là

trong các mô hình quản lý có tính hướng ngoại như Anh và Mỹ. Trong mô hình

này, cơ chế quản lý nội bộ hiệu quả để làm cân bằng các lợi ích đó, giúp công ty có thể phát triển ổn định và lâu dài.

Người lao động và những người có lợi ích liên quan cũng có các tác động tới hoạt động quản lý nội bộ trong các công ty nói chung và các công ty cổ phần nói riêng. Lợi ích của người lao động và những người có lợi ích liên quan được phản ánh trong nhiều quy định của pháp luật, điều lệ và các văn bản pháp lý khác của công ty, như các chính sách về lao động, quyền của các chủ nợ khi công ty lâm vào tình trạng phá sản, v.v.... Việc cân bằng các lợi ích của công ty với các lợi ích của người lao động và những người có lợi ích liên quan cũng là công việc rất cần thiết và được coi trọng trong hoạt động quản lý nội bộ. Sự cân bằng này sẽ cho phép công ty tồn tại và phát triển một cách lâu dài và bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý nội bộ trong công ty cổ phần ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)