Đây là một nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động quản lý nội bộ trong công ty cổ phần. Các cơ chế quản lý nội bộ trong công ty cổ phần cần phải được thiết lập nhằm bảo vệ tối đa các quyền của các cổ đông trong công ty.
Các cổ đông góp vốn có các quyền đối với phần vốn của mình trong doanh nghiệp, như các quyền sở hữu và định đoạt phần vốn mà mình nắm giữ. Các cổ đông góp vốn được quyền tham gia vào các phiên họp Đại hội đồng cổ đông, và biểu quyết về các vấn đề quan trọng của công ty liên quan đến cơ cấu, tổ chức, hoạt động kinh doanh của công ty, và chịu trách nhiệm hữu hạn đối với phần vốn mà mình nắm giữ trong công ty. Việc nắm giữ phần vốn cổ phần trong công ty còn cho phép các cổ đông có các quyền tiếp cận các thông tin và được thông báo về hoạt động kinh doanh của công ty, quyền quyết định đối với doanh nghiệp, một cách đồng thời, chính xác và thường xuyên.
Thực tế, công ty cổ phần không chịu sự quản lý điều hành trực tiếp từ Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan tập hợp các cổ đông, là các cá nhân và tổ chức khác nhau, có các lợi ích, mục tiêu và định hướng đầu tư, cũng như năng lực rất khác nhau. Trong khi đó, hoạt động quản lý nội bộ trong công ty đòi hỏi phải có các cơ chế để công ty có thể có các quyết định kinh doanh chính xác, nhanh chóng và kịp thời với các thay đổi của môi trường kinh doanh. Xuất phát từ thực tế đó và do tính phức tạp của vấn đề quản lý nội bộ trong một điều kiện mới khi mà thị trường luôn thay đổi và chuyển dịch rất nhanh chóng, thì chính bản thân các cổ đông cũng không mong đợi là sẽ đảm nhận việc quản lý và điều hành các hoạt động hàng ngày của công ty. Trách nhiệm xây dựng chiến lược hoạt động và điều hành công ty vì vậy đã trao cho Hội đồng quản trị và tiếp đến là bộ máy quản lý thực hiện, dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị.
Các quyền của cổ đông đối với công ty chỉ còn tập trung ở một số các vấn đề trọng yếu của công ty, như bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, điều chỉnh và sửa đổi các văn bản pháp lý quan trọng của công ty (như điều lệ công ty, v.v...), phê chuẩn các giao dịch bất thường của công ty, và các vấn đề quan trọng khác thường được quy định rõ trong luật và các văn bản pháp lý quan trọng của công ty.
Do việc tách biệt sở hữu khỏi các hoạt động điều hành của công ty, mà vấn đề bảo vệ các quyền của các cổ đông cũng như đảm bảo một cơ chế để các cổ đông thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với công ty là một yêu cầu rất quan trọng. Điều này không những đảm bảo cho lợi ích của chính các cổ đông, mà còn đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của chính các công ty, chứng minh được tính hấp dẫn của chính các công ty đối với các nhà đầu tư bên ngoài.