9 Theo số liệu tổng kết về tình hình cổ phần hoá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, tính đến tháng 12 năm 2001.
2.1.2 Cơ cấu sở hữu trong công ty cổ phần
Cơ cấu sở hữu là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành hệ thống quản lý nội bộ trong công ty cổ phần, nó xác định bản chất của các vấn đề phát sinh trong công ty, trong mối quan hệ giữa các cổ đông với bộ máy quản lý, hay giữa các cổ đông đa số với các cổ đông thiểu số, v.v.... Có hai vấn đề lớn trong cơ cấu sở hữu, đó là quy mô sở hữu và thành phần sở hữu:
Mức độ tập trung của sở hữu trong một công ty xác định bằng việc phân chia quyền lực giữa các cổ đông và bộ máy quản lý. Khi sở hữu phân tán, có nghĩa là có nhiều cổ đông và mỗi cổ đông chỉ nắm giữ một phần vốn nhỏ, thì quyền kiểm soát của các cổ đông thường có xu hướng yếu đi, do sự yếu kém trong hoạt động giám sát của các cổ đông với hoạt động quản lý. Một cổ đông thiểu số thường không mấy quan tâm đến việc giám sát hoạt động quản lý vì phải chịu các chi phí giám sát, trong khi chỉ được nhận một phần lợi ích nhỏ bé, không tương xứng với cái mà họ đã bỏ ra. Ở Việt nam, cơ cấu sở hữu trong các công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước với cơ cấu sở hữu phân tán hơn, thì cơ chế chính để bảo vệ các cổ đông khỏi sự lấn át của bộ máy quản lý chính là các bảo vệ của pháp luật và cơ chế kiểm soát trong công ty, thông qua điều lệ và các quy định do công ty đề ra.
Trong các công ty cổ phần được đăng ký thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp (1999), cơ cấu sở hữu tương đối tập trung so với các công ty cổ phần được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước như nói trên. Vì vậy, việc quản lý nội bộ trong công ty thường do các cổ đông chi phối thực hiện. Vấn đề cơ bản trong quản lý nội bộ trong công ty nơi có cơ cấu sở hữu tập trung, là làm thế nào để bảo vệ được các cổ đông thiểu số khỏi sự lấn át của các cổ đông đa số. Các cổ đông đa số có thể hoạt động vì các lợi ích riêng của họ, bằng các chi phí đầu tư của các cổ đông thiểu số và các nhà đầu tư khác. Họ có thể nắm giữ các cổ tức ưu đãi, và kiểm
soát công ty theo hướng có lợi hơn cho họ mà ít quan tâm đến lợi ích của các cổ đông thiểu số trong công ty.
Vấn đề thứ hai rất quan trọng trong cơ cấu sở hữu, đó là thành phần sở hữu,
nó trả lời câu hỏi ai là cổ đông, và trong số họ ai là các cổ đông đa số. Một cổ đông có thể là một cá nhân, một ngân hàng, công ty đầu tư, hay một pháp nhân thông thường khác. Một cá nhân nếu là cổ đông đa số, thì thường họ quan tâm đến cả lợi ích và lợi nhuận mà họ có được trong công ty. Một công ty đầu tư nếu là cổ đông chi phối thì thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng rất khác nhau đến quản lý nội bộ trong công ty, đặc biệt khi trong công ty các cổ đông đa số là các tổ chức.
Một điểm đáng lưu ý khác là, các cổ đông là tổ chức thường có các tác động có tính định hướng đối với tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần hơn so với các cổ đông là cá nhân, chính vì vậy mà hoạt động quản lý nội bộ trong công ty cổ phần có nhiều cổ đông là các tổ chức thường có xu hướng ổn định hơn so với các công ty cổ phần có số lượng lớn các cổ đông là các cá nhân.