Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Một phần của tài liệu Tổng hợp lý thuyết Luật lao động (Trang 120 - 122)

II. Giải quyết tranh chấp lao động

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Căn cứ Điều 180, Bộ Luật Lao động 2019 thì nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động bao gồm các nguyên tắc sau:

Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Quan hệ lao động được xác lập trên cơ sở của sự bình đẳng và tự do thoả thuận giữa các bên thể hiện ở hợp động lao động, thoả ước lao động và các cam kết khác. Trong trường hợp tính ổn định của quan hệ lao động bị phá vỡ, phát sinh những bất đồng, mâu thuẫn và hình thành các tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp cũng phải đảm bảo quyền tự quyết định của các bên. Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng ý chí của các chủ thể trong giải quyết các vấn đề của chính họ trong quan hệ lao động. Mặt khác, nguyên tắc này cũng đảm bảo cho việc giải quyết hài hoà quyền lợi của các bên, phù hợp với điều kiện của mỗi bên, tiến tới ổn định và duy trì quan hệ lao động, ngăn ngừa những diễn biến cũng như hậu quả xấu của tranh chấp lao động. Tôn trọng ý chí và bảo đảm cho các bên tự do thể hiện, đưa ra những quyết định của mình với việc giải quyết tranh chấp được thực hiện trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp.

Thực hiện nguyên tắc này thực sự có ý nghĩa đối với việc giải quyết tranh chấp lao động, giúp cho các bên hiểu biết lẫn nhau, giải quyết hài hoà lợi ích của các bên, giúp cho việc giải quyết tranh chấp lao động được nhanh chóng và đơn giản hoá các thủ tục giải quyết và tăng cường cơ hội duy trì quan hệ lao động sau tranh chấp.

Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

Các tranh chấp về dân sự nói chung và tranh chấp lao động nói riêng, phương pháp giải quyết tranh chấp đầu tiên được ghi nhận trong các quy định của pháp luật, đó là thương lượng, hoà giải, về bản chất, giải quyết tranh chấp lao động bằng thủ tục hoà giải, trọng tài không chỉ là sự tiếp nối của thương lượng mà còn là những giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp lao động.

So với phương thức giải quyết tranh chấp tại toà án thì phương thức hoà giải, trọng tài có ưu điểm hơn bởi sau khi giải quyết xong tranh chấp, cơ hội để hai bên tiếp tục duy trì quan hệ, hợp tác với nhau cao hơn bên cạnh đó đây còn là phương thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém về mặt thời gian, chi phí.

Như vậy, luật Lao động Việt Nam luôn đề cao, coi trọng nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật. Nhưng trên thực tế công tác hoà giải chỉ có hiệu quả khi các bên tranh chấp có thiện chí và người hoà giải hiểu biết nội dung mâu thuẫn, mục tiêu của mỗi bên và tôn trọng lợi ích của mỗi bên, lợi ích chung của xã hội.

Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Giải quyết tranh chấp công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật là yêu cầu đặt ra đối với giải quyết tranh chấp dân sự nói chung, giải quyết tranh chấp lao động nói riêng. Cơ sở của nguyên tắc này xuất phát từ mục đích của giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên và giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Trên thực tế cho thấy, đối với một số tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể và đặc biệt hơn nữa là những tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thường là những tranh chấp có tính phức tạp, có sức ảnh hưởng rộng nếu không được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, công khai... có thể dẫn đến những hành động phản ứng công nghiệp, ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội. Để giải quyết dứt điểm tranh chấp lao động, hạn chế những ảnh hưởng xấu của tranh chấp lao động thì vấn đề công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật trong giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết, trở thành nguyên tắc của giải quyết tranh chấp lao động.

Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Trong giải quyết tranh chấp sự tham gia của đại diện các bên chính là một trong những quyền cơ bản của các bên trong quan hệ lao động và đặc biệt có ý nghĩa đối với người lao động. Hơn nữa, sự tham gia của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động cũng chính là sự cụ thể hoá của cơ chế ba bên trong điều chỉnh quan hệ lao động. Sự tham gia của đại diện các bên thể hiện ở việc tham gia với tư cách là người giải quyết tranh chấp trong thành phần của hội đồng trọng tài lao động, trong quá trình giải quyết tranh chấp, đại diện các bên có quyền tham gia, đưa ra các ý kiến bảo về quyền và lợi ích cho các bên tranh chấp. Việc cung cấp thông tin, tài liệu khách quan của các đại diện trong giải quyết, giúp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

Tuy nhiên, trên thực tiễn cũng cần phân biệt rõ tư cách tham gia của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động với tư cách đại diện của một bên tranh chấp. Trong thực hiện nguyên tắc này cũng cần chú ý tới xu hướng lạm dụng hoặc ảnh hưởng của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Về bản chất giải quyết tranh chấp lao động chỉ được tiến hành bởi các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý. Hay được hiểu là giải quyết tranh chấp chỉ được diễn ra khi có tranh chấp và nếu như không có tranh chấp thì đương nhiên không đặt ra vấn đề giải quyết. Nguyên tắc này thể hiện rõ tính chất trong quan hệ lao động là tự do thỏa thuận và tôn trọng “quyền tự định đoạt” của các bên dựa trên tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

Ở một góc độ khác, thì đây cũng coi là cơ chế hỗn hợp giữa yếu tố “tự nguyện” và “bắt buộc” trong việc giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam. Nếu nguyên tắc trên được hiểu rằng các bên có quyền tự định đoạt chủ thể có thể tiến hành giải quyết tranh chấp cho họ, thì các bên cũng sẽ có quyền tự do quyết định xem có đi theo quy trình hòa giải mà pháp luật quy định hay không. Theo đó, khi một trong hai bên tranh chấp đề nghị được hòa giải, đề nghị này sẽ được chấp nhận nếu bên kia không phản đối. Và như vậy, trong trường hợp không bên nào đề nghị được hòa giải, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đưa ra giải pháp hòa giải tự nguyện mà hai bên không nhất định phải tuân theo.

Một phần của tài liệu Tổng hợp lý thuyết Luật lao động (Trang 120 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(140 trang)
w