người, tiếng nhân đức lừng lấy thiên hạ. Từ già đến trẻ, từ kẻ chăn trâu đến người kiếm củi, ai cũng biết ông là một bậc anh hùng đời nay. Con ta phò tá người ấy, thật là xứng đáng. Còn ngươi (tức Tào Tháo) tuy là tướng nhà Hán, nhưng thực là giặc nhà Hán, lại còn dám bảo Huyền Đức là nghịch thần? Ngươi định đẩy con ta bỏ chỗ sáng vào hang tối, há chẳng biết nhục lắm sao?” [18, 677] Sau khi Từ Thứ biết mẹ ở bên Tào Tháo và bị lừa bởi bức thư giả của Trình Dục bèn từ giã Lưu Bị và sang hàng Tào Tháo. Khi gặp mẹ, Từ Thứ bị Từ mẫu quở mắng, trách móc: “Mày đã đọc sách, nên biết trung hiếu không thể vẹn được cả đôi. Mày há lại không biết Tào Tháo là tên giặc dối trên lừa dưới à? Còn Lưu Huyền Đức nhân nghĩa lan rộng bốn bể, lại là dòng dõi nhà Hán, mày đã đi theo, chính là tìm được chủ rồi. Nay chỉ tin một mảnh thư giả, không suy xét kỹ càng, vội bỏ chỗ sáng đâm đầu vào hang tối, rước lấy tiếng xấu… Thật mày bôi nhọ tổ tông, sống thừa trong khoảng trời đất vậy!” [19, 06] Có thể nói, lời của Từ mẫu cho chúng ta thấy tư tưởng chung của cả một thời đại người dân Trung Hoa lúc bấy giờ, đó là tư tưởng ủng hộ dòng dõi, tôn thất nhà Hán (ủng hộ Lưu Bị), phản lại Tào Tháo. Người quân tử phải biết trung với vua, đem hết sức mình phụng sự triều đình. Đó mới chính là con đường đi của bậc đại trượng phu trong thiên hạ. Nhược bằng theo nghịch tặc, phản lại triều đình, phản lại nhà Hán thì chính là bôi nhọ tổ tông, trời đất không dung.
Ngay trong nội bộ các quan của Tào Tháo cũng thể hiện tư tưởng chính thống này. Chẳng hạn khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, Tào Tháo biết Tân Dã là một huyện nhỏ, không thể chống lại được đội quân của mình cho nên Tháo đã triệu tập các tướng lĩnh, bàn kế hoạch tấn công Tân Dã, tiêu diệt Lưu Bị, sau đó tiến đánh Tôn Quyền bình định Giang Nam. Tháo lập tức truyền lệnh huy động năm mươi vạn quân, sai Tào Nhân và Tào Hồng làm đội thứ nhất, Trương Liêu và Trương Cáp làm đội thứ nhì, Hạ Hầu Đôn và Hạ Hầu Uyên làm đội thứ ba, Vu Cấm và Lý Điển làm đội thứ tư. Hứa Chử làm chiết xung tướng quân, dẫn ba nghìn