làm mờ mắt mà luôn ghi nhớ lời thề kết nghĩa vườn đào, tình nghĩa anh em khi xưa với Lưu Bị. Đó thực là tấm lòng của một con người nghĩa khí, một người quân tử, một lòng trung nghĩa, không màng danh lợi, khiến Tào Tháo phải than lên rằng: “Thờ chúa không quên gốc, thật là nghĩa sĩ trong thiên hạ” [18, 487].
Huyền Đức sau trận thua ở Hạ Phì, thân cô thế cô một mình sang nương nhờ Viên Thiệu, khi biết tin em mình là Quan Vân Trường đang ở bên Tào Tháo bèn nhờ bộ hạ của Viên Thiệu là Trần Chấn gửi thư cho Vân Trường để báo tin Bị đang ở bên Viên Thiệu. Nghe tin Lưu Bị, Vân Trường khóc to, vui mừng khôn xiết. Trần Chấn giục Vân Trường nhanh đến gặp Lưu Bị, Vân Trường trả lời: “Làm người sinh trong trời đất, không có thủy chung, không phải là quân tử. Ta lúc lại đây (tức lúc quy hàng Thào Tháo) phân minh, thì lúc ở đây đi cũng phải phân minh. Nay tôi viết thư nhờ tiên sinh đem về cho anh tôi biết trước, để tôi từ giã Tào Tháo sẽ đem cả hai chị về gặp anh tôi sau” [18, 505]. Trần Chấn mang thư về, Quan Công vào nhà trong nói với hai chị, rồi vào ngay tướng phủ để từ biệt Tào Tháo, Tháo biết trước, sai treo cái biển “hồi tỵ” (tức là tránh xa, không đến gần), thoái thác không gặp Quan Công. Quan Công đến mấy lần đều không gặp bèn viết một phong thư tạ từ Tào Tháo, thư như sau: “Tôi từ trước đã thờ Hoàng thúc, thề cùng sống chết, trên: trời cao, dưới: đất dày, đều đã chứng giám, ngày nọ thất thủ Hạ Phì, tôi xin ba điều, đã được thừa tướng chấp nhận. Nay được tin chủ cũ ở bên Viên Thiệu, tôi nhớ lại lời thề ngày trước, há dám sai trái? Ơn mới tuy hậu, nghĩa cũ khó quên, dâng thư cáo từ, xin soi xét cho. Ơn còn thiếu chưa báo được hết, xin đợi khi khác” [18, 507]. Viết thư xong, Vân Trường sai người mang đến tướng phủ, rồi “một mặt đem những vàng bạc đã được tặng mấy lần trước gói hết cả lại bỏ vào kho, treo ấn Hán Thọ đình hầu trên sảnh đường, rồi mời hai phu nhân lên xe” [18, 507]. Tào Tháo đọc thư của Vân Trường liền thất kinh kêu lên rằng: “Vân Trường đi mất rồi!”