3.1. Khái niệm
Phản xạ có điều kiện là phản xạ được thiết lập trong đời sống cá thể mỗi loài động vật, do hai tác nhân kích thích trực tiếp và gián tiếp gần nhau được lặp đi lặp lại nhiều lần thông qua vỏ đại não mà phát sinh ra.
Điều kiện ở đây là tác nhân kích thích trực tiếp và gián tiếp gần nhau, lặp đi, lặp lại nhiều lần.
3.2. Tính chất của phản xạ có điều kiện
Tạm thời, dễ bị mất đi nếu không được củng cố.
Phản xạ có điều kiện có liên quan mật thiết với trí nhớ vì vậy cần đến sự toàn vẹn của vỏ đại não và cần được luyện tập để củng cố phản xạ này.
Bất cứ phản xạ có điều kiện nào cũng được thành lập trên cơ sở phản xạ không điều kiện.
Ví dụ: Ta tập cho chó ăn quen một loại thức ăn nào đó, sau đó chỉ nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi thức ăn quen thuộc chó cũng có phản xạ tiết nước bọt.
3.3. Phân loại phản xạ có điều kiện
Phản xạ có điều kiện tự nhiên: Phản xạ được tự thiết lập trong đời sống cá thể. Ví dụ như gà con bắt chước mẹ đi tìm mồi. Thú hoang biết tránh mưa, tránh nắng.
Phản xạ có điều kiện nhân tạo: Phản xạ được thiết lập có sự tác động của con người nhằm bắt gia súc phục vụ cho con người. Ví dụ như tập cho gia súc đực giống nhảy giá. Tập vắt sữa bò trong điều kiện cố định. Tập cho gia súc ăn uống đúng giờ…
3.4. Ý nghĩa sinh học của phản xạ có điều kiện
Điều kiện ngoại cảnh cũng như trạng thái bản thân động vật không ngừng biến đổi một cách phức tạp. Nếu động vật chỉ nhờ vào một số phản xạ không điều kiện có hạn sẽ không thích ứng với sự thay đổi của ngoại cảnh và bản thân. Trong quá trình sống động vật thành lập được nhiều phản xạ có điều kiện làm cho nó thích ứng kịp thời, phong phú và hoàn thiện với sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh.
Phản xạ có điều kiện không ngừng hình thành hoặc mất đi có lợi cho động vật. Khi điều kiện sống thay đổi thì phản xạ có điều kiện cũ bị ức chế và thiết lập phản xạ có điều kiện mới thích ứng với hoàn cảnh sống mới.